Nhà mặt tiền, shophouse “đóng băng”

Theo Sài Gòn đầu tư tài chính

Tác động của dịch Covid-19 cùng với việc bùng nổ bán hàng online đã khiến nhà mặt tiền cũng như shophouse tại các chung cư ế ẩm, xuống giá. Giới kinh doanh bán hàng cho rằng, đại dịch như là “mồi lửa” để họ dễ dàng rút ra mua bán online không phải chịu thuế, không mất tiền mặt bằng và không bị kiểm tra hàng gian, hàng dỏm…

Liệu nhu cầu tương tác của con người trong mua bán trực tiếp, đi nhà hàng ăn uống giải trí có còn là nhu cầu thiết yếu trong thời đại 4.0? Phân khúc bất động sản shophouse có còn vị thế nhất định?

Tác động lớn do đại dịch

Trước đại dịch, những con đường chính ở trung tâm TP HCM hầu như không có căn nhà mặt tiền nào bỏ trống. Nhiều người có nhu cầu thuê để kinh doanh chờ hàng tháng trời nhưng không có ai trả nhà để thuê lại.

Tuy nhiên, từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hàng loạt căn nhà được người thuê trả lại vì vắng khách. Trên đường Sương Nguyệt Anh (quận 1), nhiều căn nhà treo bảng “cho thuê nhà nguyên căn” hơn 2 tháng nay vẫn chưa tìm được người thuê mới.

Đường Phạm Ngũ Lão, một con đường nổi tiếng sầm uất, chuyên phục vụ các dịch vụ cho khách du lịch trong và ngoài nước, nay cũng vắng hoe, nhiều nhà cũng treo bảng cho thuê. Nhiều tuyến đường phục vụ khách du lịch tại trung tâm quận 1 cũng trong tình trạng cửa đóng then cài. 

Đại dịch như là "mồi lửa" để giới kinh doanh trả mặt bằng để mua bán online.
Đại dịch như là "mồi lửa" để giới kinh doanh trả mặt bằng để mua bán online.

Chị H, chủ một cửa hàng trên đường Nguyễn Thái Bình, cho biết chủ nhà đã giảm hơn 20% giá cho thuê nhưng kinh doanh vẫn không khả quan.

Chị cố cầm cự vài tháng nữa, hy vọng khi khách du lịch nước ngoài được đến Việt Nam tình hình kinh doanh sẽ cải thiện hơn. Chị Nguyễn Thị Thu, chủ sở hữu căn nhà phố 1 trệt, 2 lầu trên đường Lê Văn Sỹ (quận 3), cho biết tấm bảng cho thuê mặt bằng được chị treo hơn 2 tháng nay nhưng không ai hỏi.

Vừa rồi chị Thu quyết định bán căn nhà với giá thấp hơn gần 10% so với mặt bằng chung của thị trường để xoay dòng vốn và trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, việc rao bán cũng không dễ dàng gì, vì đến nay chưa có khách nào hỏi thăm. 

Tương tự, anh Phạm Văn Thanh, chủ căn nhà 80m2 mặt tiền đường Phan Xích Long (quận Phú Nhuận), cũng đã “cắn răng” bán căn nhà anh vừa mới mua lại giữa năm 2019.

Anh Thanh cho biết mua căn nhà này với giá 23 tỷ đồng và bỏ thêm 2 tỷ đồng để tu sửa, rồi cho thuê với giá 30 triệu đồng/tháng tại tầng trệt. “Thời gian đầu, việc cho thuê rất thuận lợi, nhưng khi dịch bệnh xảy ra, khách hàng trả mặt bằng, từ đó tới nay rao thuê vài lần cũng không có khách, tôi quyết định rao bán toàn bộ căn nhà với giá 24 tỷ đồng” - anh Thanh nói và cho biết đây là quyết định rất khó khăn, nhưng phải chấp nhận lỗ, vì tiền lãi hàng tháng của ngân hàng phải trả, tiền gửi cho con gái du học Hàn Quốc, rồi tiền duy trì hoạt động của công ty.

Hàng loạt nhà phố thương mại, shophouse tại Phú Mỹ Hưng và nhiều chung cư khác cũng rơi vào tình trạng “vườn không nhà trống”. Tại nhiều dự án trên địa bàn quận 7, dù hàng ngàn căn hộ đã được đưa vào sử dụng nhưng khu vực shophouse vẫn không thể khai thác được.

Đơn cử, Chung cư Belleza (phường Phú Mỹ, quận 7) đang bỏ trống nhiều căn shophouse và mặt bằng bán lẻ, chỉ lác đác vài cửa hàng bán đồ ăn, thức uống. Mặt bằng bán lẻ khu vực tầng trệt đã ế, các tầng 1, 2 còn ảm đạm hơn, hầu như không ai thuê. 

“Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các căn shophouse khu vực này đang trong tình trạng chật vật tìm khách thuê mặt bằng kinh doanh. Nhiều cửa hàng đang thuê phải trả lại mặt bằng, chấp nhận mất cọc vì không thể kinh doanh được” - một người chuyên kinh doanh shophouse ở quận 7 ngán ngẩm.

Hay dự án The Park Residence (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) nằm ở mặt tiền đường Nguyễn Hữu Thọ, các căn hộ đã gần kín người ở, trong khi nhiều mặt bằng cho thuê ở các tầng thương mại bị trả lại, dù liên tục dán các thông báo giá cho thuê ngày càng giảm nhưng vẫn không có khách. 

Chỉ là khó khăn tạm thời?

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HOREA), cho rằng việc người mua ít đi đến các cửa hàng, cửa hiệu mua sắm, ăn uống mà đặt qua online, nguyên nhân do người dân phải thực hiện chủ trương giãn cách xã hội.

Còn trong điều kiện bình thường người ta vẫn có nhu cầu mua sắm trực tiếp tại các cửa hàng, trung tâm thương mại, cũng như ra quán để uống cà phê trao đổi công việc, thăm hỏi nhau. Vì vậy, các văn phòng cho thuê cũng chỉ khó khăn tạm thời trong giai đoạn ngắn. 

Dưới góc nhìn của người tiêu dùng, chị Long Giao cho biết mua bán hàng online có tiện lợi nhưng người mua hoàn toàn đặt cược vào uy tín của bên bán. “Ban đầu tôi hay mua hàng qua online, nhưng nhiều lần bị bên bán giao không đúng chất lượng như cam kết, nên tôi ra tiệm chọn mua cho chắc ăn”- chị Giao chia sẻ. 

Bà Nguyễn Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land, cho rằng nhà phố thương mại hay shophouse, đặc biệt ở khu vực trung tâm thành phố hay tại những khu đô thị mới, không chỉ là nơi mua sắm thuần túy, còn là điểm đến thưởng thức ẩm thực, mua hàng lưu niệm, tham quan của khách du lịch.

Do đó nhà phố mặt tiền hay nói rộng ra là nhà phố thương mại vẫn có những giá trị nhất định của nó. Thời gian qua việc trả mặt bằng kinh doanh nhà phố diễn ra chủ yếu từ những đơn vị kinh doanh nhà phố nhỏ lẻ, không đủ tiềm lực duy trì kinh doanh dài hạn. 

Theo khảo sát của CBRE, trong quý III, giá bán nhà lẻ, nhà phố chưa có dấu hiệu cải thiện. So với giá bán cao điểm giữa năm 2019, nhà mặt phố tiếp tục hạ nhiệt trung bình 2%.

Trong khi nhà riêng, nhà hẻm có giá bán đi ngang, các tuyến đường chính lại chào bán giá thấp hơn 3-5% so với cùng kỳ. Một nhà đầu tư phân tích, nhà phố ở những tuyến đường hiện hữu dân cư luôn là sản phẩm có giá trị lớn, vì vậy người mua phần nhiều là giới nhà giàu, các doanh nghiệp cần tìm mặt bằng kinh doanh dài hạn...

Thời điểm hiện tại, để thu hút được những đối tượng này rất gian nan, bởi kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn. Tuy nhiên vị này vẫn lạc quan đó chỉ là khó khăn tạm thời trong ngắn hạn. 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục