Nhà sáng lập công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC : dự kiến tăng gấp 3 lần các khoản đầu tư ra nước ngoài

Hải Đăng

Người sáng lập TSMC – công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới - nhận định, với sự thay đổi của địa chính trị, toàn cầu hóa và thương mại tự do “gần như đã chết” và khó có thể hồi sinh. Tuy nhiên, điều này không hẳn đem tới nguy cơ.

Không chỉ là cha đẻ của ngành công nghiệp chip Đài Loan (Trung Quốc), Morris Chang còn được mệnh danh là “vua chip” khi sở hữu TSMC - công ty sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Ông Chang từ lâu đã được biết đến với những nhận xét và đánh giá sắc bén về ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.

Nhà sáng lập công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC : dự kiến tăng gấp 3 lần các khoản đầu tư ra nước ngoài - Ảnh 1

Vào thứ Ba tuần trước, tại lễ giới thiệu sản phẩm tại nhà máy sản xuất chip mới của TSMC ở Arizona (Mỹ) - với sự tham dự của những tên tuổi lớn trong lĩnh vực công nghệ như Tim Cook của Apple và thậm chí cả Tổng thống Mỹ Joe Biden – ông Chang tuyên bố: Toàn cầu hóa và thương mại tự do “gần như đã chết”.

Nhận định này ngay lập tức đã thu hút sự chú ý cũng như phản ứng từ dư luận. Điều này cũng khẳng định sự thay đổi rõ rệt của cục diện địa chính trị và thương mại thế giới sau làn sóng quốc tế hóa kể từ Vòng đàm phán thương mại Uruguay trong khuôn khổ Hiệp ước chung về Thuế quan và Thương mại GATT năm 1994.

Đồng tình với nhận định của cha đẻ ngành chip bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc), Chủ tịch Investment Media Hsieh Chin-ho đã đi một bước xa hơn khi viết trên Facebook vào thứ Tư rằng toàn cầu hóa không chỉ đã chết mà nó “đã chết từ lâu”. Ông Hsieh cũng cho biết ông kỳ vọng khoản đầu tư của TSMC vào Arizona (Mỹ) sẽ mang lại nhiều thay đổi mới trong ngành sản xuất chip bán dẫn.

Lý giải theo một cách khác, Chủ tịch danh dự toàn cầu của Tập đoàn tư vấn Boston, Hans-Paul Burkner hôm thứ Năm cho biết toàn cầu hóa vẫn chưa kết thúc, nhưng một kỷ nguyên “tái toàn cầu hóa” đang đến, khi các công ty xây dựng chuỗi cung ứng khu vực để giải quyết những bất ổn toàn cầu đang gia tăng và tiến gần hơn đến thị trường của họ, DigiTimes đưa tin.

Dù là “phi toàn cầu hóa” hay “tái toàn cầu hóa”, không thể phủ nhận, địa chính trị toàn cầu đã thay đổi mạnh mẽ môi trường kinh tế đối với các công ty bán dẫn toàn cầu bao gồm cả TSMC. Một số chuyên gia nói rằng, các công ty công nghệ ngày càng lo ngại, bên cạnh biến đổi khí hậu, khủng hoảng lương thực và năng lượng, căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đối với các công nghệ lớn có thể ảnh hưởng nhiều hơn đến việc triển khai chuỗi cung ứng trên toàn thế giới.

Roy Chun Lee, Phó Giám đốc điều hành cấp cao của Trung tâm WTO & RTA Đài Loan tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Chung-Hua, thì cho rằng hiện đang hình thành một phiên bản sửa đổi của toàn cầu hóa, với việc sản xuất trải rộng khắp các khu vực khác nhau để đáp ứng yêu cầu cầu của công ty công nghệ và tập đoàn thương mại.

Trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu trong vài năm qua, môi trường thương mại toàn cầu đang thay đổi và luật chơi đang được viết lại. Dưới ảnh hưởng của các nền kinh tế phát triển do Mỹ dẫn đầu, thương mại công bằng tập trung vào an ninh quốc gia đã dần thay thế thương mại tự do thiên về lợi ích kinh tế. Trong khi đó, các quy tắc mới đang được phát triển, bao gồm thông qua Đạo luật Tạo ra các Khuyến khích Hữu ích để Sản xuất Chất bán dẫn và Hoạt động Khoa học của Washington, mà Tổng thống Biden đã ký thành luật vào tháng 8 vừa qua.

Khi bản chất của toàn cầu hóa đã thay đổi và việc thiết lập thương mại tự do đang đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ mong muốn thương mại công bằng và an ninh quốc gia, những xu hướng phát triển như vậy đang lan rộng khắp thế giới sớm hơn dự kiến. Theo các nhà phân tích, đối với những nơi phụ thuộc vào xuất khẩu như Đài Loan, khi các nước hướng nội với mục đích dựa nhiều hơn vào sản xuất trong nước, các công ty Đài Loan nên tìm cách hợp tác với họ.

Nhà sáng lập công ty sản xuất chip lớn nhất thế giới TSMC : dự kiến tăng gấp 3 lần các khoản đầu tư ra nước ngoài - Ảnh 2

TSMC dường như đã nhìn trước xu hướng này. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu đã tác động nặng nề đến các công ty công nghệ, TSMC đang nằm ngoài quy luật này, theo Techspot. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới đã ghi nhận doanh thu tháng 11 tăng 50,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 7,27 tỷ USD. Phần lớn lợi nhuận của TSMC đến từ việc cung cấp chip SoC A16 được sử dụng trong các mẫu iPhone 14 Pro và iPhone 14 Pro Max của Apple. Công ty Mỹ là khách hàng lớn nhất của TSMC. Tháng trước, Apple nói rằng họ sẽ mua chip từ các nhà cung cấp tại Mỹ, nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào châu Á. Trong một kế hoạch đầy tham vọng, gã khổng lồ sản xuất chip của Đài Loan TSMC cho biết sẽ tăng gấp 3 khoản đầu tư, lên đến 40 tỷ USD, để phát triển hai nhà máy sản xuất chip ở Arizona (Mỹ).

Vẫn còn phải chờ xem khi nào TSMC sẽ bắt đầu thu được lợi nhuận từ các khoản đầu tư khổng lồ vào Mỹ và Nhật Bản, và có thể là ở Châu Âu. Với sự thay đổi toàn cầu hóa và các quy tắc mới hình thành, các công ty phải theo sát khách hàng của họ và tiến gần hơn đến thị trường bằng cách đa dạng hóa các địa điểm sản xuất, điều này mang lại cơ hội phát triển. Nó cũng đặt ra những thách thức ghê gớm vì việc xây dựng chuỗi cung ứng khu vực rất tốn thời gian, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị đang thay đổi.

Theo người sáng lập TSMC Morris Chang, nhiều người vẫn muốn toàn cầu hóa và thương mại tự do quay trở lại, nhưng ông không nghĩ rằng điều đó sẽ xảy ra, vì thế giới đang bắt đầu đánh giá lại những ảnh hưởng kinh tế và địa chính trị của Trung Quốc.

Tin Cùng Chuyên Mục