Nhập khẩu thịt lợn để bình ổn giá: Liệu có khả thi?

Ngọc Trìu

Nhập khẩu thịt để bù đắp nguồn cung đang thiếu hụt là phương án đã được tính đến. Nhưng một số nước cũng đang có nhu cầu lớn về mặt hàng này nên việc nhập khẩu cũng cần tính kỹ bởi giá có thể cũng sẽ cao.

Nhập khẩu thịt lợn để bình ổn giá: Liệu có khả thi? - Ảnh 1
Cuối năm, giá lợn hơi sẽ chạm mốc 100.000 đồng/kg?

Khẩn trương báo cáo Thủ tướng tình hình giá thịt lợn

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019.

Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình giá thịt lợn và công tác bình ổn giá những tháng cuối năm 2019 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 399/TB-VPCP ngày 19/11/2019 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng phê bình và yêu cầu Bộ NN&PTNT nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chậm báo cáo và thực hiện các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm toàn diện trước Thủ tướng Chính phủ về việc thiếu hụt thịt lợn, giá tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, tình hình kinh tế vĩ mô.

Trước đó, Phó Thủ tướng đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Công Thương và Tổng cục Thống kê khẩn trương đánh giá tình hình cung - cầu thịt lợn (bao gồm cả thịt lợn hơi và thịt lợn thành phẩm) từ nay đến cuối năm 2019. Có kịch bản, giải pháp ổn định giá cả, cung - cầu thịt lợn từ nay đến cuối năm, đặc biệt là trong các dịp Lễ, Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 (cả phương án nhập khẩu từ các thị trường có quan hệ thương mại với Việt Nam để bù đắp thiếu hụt nguồn cung trong nước).

Bình ổn giá không đơn giản

Khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) báo cáo Chính phủ về khả năng thiếu 200.000 tấn thịt lợn vào cuối năm, Bộ Công Thương đã thực hiện chương trình bình ổn hàng hóa, trong đó có mặt hàng thịt lợn.

Theo ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong cuộc  họp với sự tham gia của nhiều bộ, ngành, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng đã chỉ đạo Bộ NN&PTNT tính toán cân đối cung - cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là nhu cầu tăng cao trong những ngày lễ, Tết để phối hợp với Bộ Công Thương tính toán, đề xuất cụ thể số lượng cần nhập khẩu từ các đối tác thương mại có quan hệ hai chiều với Việt Nam; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về đảm bảo nguồn cung, không để thiếu hụt thịt lợn, nhất là dịp lễ, Tết, bình ổn giá thịt lợn, bảo đảm lợi ích hài hòa của người chăn nuôi, doanh nghiệp, khâu lưu thông phân phối, người tiêu dùng…

Ông Hải cho biết, để đảm bảo cung - cầu thịt lợn, Bộ Công Thương đã  phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&PTNT, với các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, những nơi chăn nuôi có nguồn cung thịt lợn lớn như Đồng Nai, Hà Nam và một số tỉnh khác, các doanh nghiệp đầu mối… để nắm được tình hình và đề xuất, tham mưu các biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Bộ Công Thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, đơn vị phân phối  chuẩn bị sẵn các mặt hàng như thủy sản, thức ăn gia cầm, trứng, trâu bò... để bù đắp cho việc thiếu mặt hàng thịt heo.

Ông Nguyễn Trí Công - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, việc bình ổn giá thịt lợn hiện nay không đơn giản bởi nhu cầu thị trường lớn, thịt không có để bán. Ông Công cho rằng, khi nhập khẩu thịt có thể bù đắp lượng thiếu hụt của thị trường trong nước thì cần phải có tính toán kỹ lưỡng bởi nhu cầu của một số nước còn lớn hơn chúng ta rất nhiều, điển hình là Trung Quốc nên nguồn cung nhập khẩu thịt cũng sẽ chịu giá cao.

Tin Cùng Chuyên Mục