Nhật Bản đầu tư 500 triệu USD để phát triển siêu chip xử lý

Anh Vũ

Sử dụng nền tảng 2nm, chip xử lý Rapidus là sản phẩm giữa liên minh 8 tập đoàn lớn với chính phủ Nhật Bản để cạnh tranh cùng các công ty tại Mỹ, Đài Loan.

Trong cuộc chạy đua công nghiệp bán dẫn, Nhật Bản mới đây đã công bố khoản đầu tư 70 tỷ Yên (493 triệu USD) vào doanh nghiệp do các ông lớn như Sony, NEC, Toyota, Mitsubishi, Softbank hợp tác thành lập. Khoản đầu tư này được kì vọng sẽ đưa Nhật Bản trở lại vị trí cao trên thế giới về ngành sản xuất chip xử lý công nghệ cao.

Nhật Bản đầu tư 500 triệu USD để phát triển siêu chip xử lý - Ảnh 1

Bộ trưởng Bộ Tài Chính Nhật ông Yasutoshi Nishimura cho biết: "Ngành công nghiệp bán dẫn sẽ là thành phần quan trọng nhất cho sự phát triển của công nghệ tương lai, từ AI tới các ngành công nghiệp số hay chăm sóc sức khỏe".

Mang mã hiệu Rapidus, chip xử lý nền tảng 2nm của Nhật Bản theo kế hoạch sẽ bắt đầu bước vào giai đoạn sản xuất hàng loạt trong năm 2027. Chip xử lý này ban đầu sẽ được áp dụng cho xe tự lái, AI cũng như là thành phần cho các thành phố thông minh tại Nhật.

Các công ty thành viên bao gồm Toyota, Denso, Sony, NTT, NEC, Softbank, Kioxia và Mitsubishi, mỗi công ty sẽ đóng góp thêm 1 tỷ Yên vào doanh nghiệp chung này. Ông Tetsuro Higashi, cựu chủ tịch công ty sản xuất chip Tokyo Electron sẽ là người trực tiếp điều hành đự án Rapidus.

Rapidus sẽ giúp ích nhiều cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Nhật Bản trong giai đoạn thiếu chip trầm trọng.
Rapidus sẽ giúp ích nhiều cho ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Nhật Bản trong giai đoạn thiếu chip trầm trọng.

Nhật Bản vốn đã rất mạnh với các dòng chip xử lý ảnh CMOS hay các loại chip xử lý dữ liệu dùng cho bộ nhớ máy tính. Nhưng, khi nói tới các sản phẩm chip logic công nghệ cao, khả năng sản xuất của Nhật Bản vẫn chưa bắt kịp với các công ty Mỹ hay Đài Loan. Việc tự sản xuất được chip logic không những phục vụ cho thị trường nội địa mà còn để lấp chỗ trống trên thị trường do nhu cầu ngày một cao hơn. Nhật cũng từng là quốc gia sản xuất hơn 1/2 lượng phần cứng bán dẫn toàn cầu, tham vọng lấy lại hào quang ngày nào không hẳn không có.

Sản xuất chip xử lý logic công nghệ cao không phải điều đơn giản, Reuters cho rằng Nhật Bản có khả năng cao sẽ hợp tác với các công ty phương tây như IBM, ASML để nhanh chóng vượt qua giai đoạn bắt đầu.

Vào năm ngoái, Nhật Bản đã bắt đầu có những động thái đầu tiên cho mục tiêu này, từ việc đưa ra chính sách hỗ trợ tài chính cho các công ty sản xuất linh kiện bán dẫn cho tới tài trợ 400 tỷ Yên cho TSMC để xây dựng nhà máy tại Kumamoto, sản xuất chip xử lý cho Sony cùng Denso.

Tin Cùng Chuyên Mục