Nhiều kế hoạch sáp nhập của Samsung bị ảnh hưởng sau khi thương vụ Nvidia-ARM đổ bể

Như Quỳnh

Tính đến tháng 12 năm ngoái, Samsung Electronics được cho là đã tích lũy tới 88 tỷ USD tiền mặt để sẵn sàng cho các thương vụ mua lại.

Theo các nhà phân tích, kế hoạch sáp nhập nhiều đối thủ toàn cầu của Samsung đang bị đặt dấu chấm hỏi sau khi các cơ quan quản lý ở Mỹ, châu Âu và các quốc gia khác không chấp thuận việc Nvidia mua lại ARM, vốn từng được dự đoán là "siêu thỏa thuận" trong ngành bán dẫn.   

Thương vụ Nvidia-ARM thất bại sau khi các nước lớn phản đối do lo ngại về độc quyền. Các nhà phân tích cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến kế hoạch mở rộng kinh doanh chất bán dẫn của Samsung Electronics khi tập đoàn dự định sáp nhập các công ty nhỏ hơn. Samsung Electronics được cho là đã tích lũy được khoảng 106.000 tỷ won (khoảng 88 tỷ USD) tiền mặt tính đến tháng 12 năm ngoái cho các thương vụ mua lại. 

Công ty mẹ Softbank của ARM sẽ nhận được phí hủy bỏ trị giá 1,25 tỷ USD từ Nvidia sau khi thương vụ mua lại không thể diễn ra. Ảnh: Nikkei Asia.
Công ty mẹ Softbank của ARM sẽ nhận được phí hủy bỏ trị giá 1,25 tỷ USD từ Nvidia sau khi thương vụ mua lại không thể diễn ra. Ảnh: Nikkei Asia.

"Những khó khăn khi tiến hành mua bán và sáp nhập (M&A) không chỉ diễn ra với riêng Samsung mà là tất cả các ngành công nghiệp bán dẫn. SK hynix đã may mắn được chấp thuận vào năm ngoái, nhưng hiện nay các quốc gia và công ty đang phản đối gay gắt nên tôi nghĩ sẽ có nhiều khó khăn trong việc tiến hành M&A toàn cầu trong tương lai", Kim Yang-paeng, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế Công nghiệp & Thương mại Hàn Quốc nhận định. 

Tuần trước, Taiwan Global Wafers đã thất bại trong cuộc đấu thầu mua lại Siltronic (Đức) do sự phản đối của chính phủ Đức. Vào tháng 3 năm ngoái, các cơ quan quản lý Trung Quốc cũng không chấp nhận để Applied Materials (Mỹ) sáp nhập Kokusai Electric. SK hynix cũng phải đợi đến hơn một năm mới được chính quyền Trung Quốc đồng ý cho mua lại bộ phận NAND Flash của Intel.

Kể từ khi xảy ra tình trạng thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn trên toàn cầu, ngày càng có nhiều cảnh giác đối với các công ty hoặc quốc gia đang có ưu thế trên thị trường chất bán dẫn.

Samsung Electronics đã đặt mục tiêu trở thành người dẫn đầu lĩnh vực bán dẫn vào năm 2030. Tập đoàn Hàn Quốc dự kiến tiếp tục mua lại các công ty nhỏ hơn, chẳng hạn như công ty bán dẫn ô tô Infineon (Đức) và NXP (Hà Lan). Tuy nhiên, vì các cơ quan chống độc quyền đang áp dụng các quy tắc và tiêu chuẩn nghiêm ngặt, có khả năng Samsung Electronics sẽ gặp phải khó khăn lớn khi theo đuổi các thương vụ này.

Một nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Samsung. Ảnh: SamMobile.
Một nhà máy sản xuất chất bán dẫn của Samsung. Ảnh: SamMobile.

"Hầu hết các quốc gia đều đặt chất bán dẫn tương quan với an ninh quốc gia nên họ thận trọng hơn khi chấp thuận việc sáp nhập. Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ tình hình toàn cầu", một quan chức của Samsung Electronics cho biết. 

Nhiều chuyên gia cũng chỉ ra rằng mặc dù tiến hành M&A là một công cụ hữu ích để tăng khả năng cạnh tranh nhưng Samsung còn phải cố gắng nhiều hơn nữa để trở thành công ty bán dẫn hàng đầu thế giới vào năm 2030.

"Các xưởng đúc có khả năng trở thành tâm điểm trong kế hoạch M&A của Samsung. Tuy nhiên, hiện vẫn có khoảng cách rất lớn giữa Samsung và TSMC.  Dù có M&A quy mô lớn thì cũng khó đuổi kịp TSMC do thị phần của công ty này lớn gấp 3 lần Samsung, tức là có sự chênh lệch gấp 3 lần về năng lực sản xuất. Kể cả khi M&A cũng không có nhà máy nào đủ lớn để lấp đầy khoảng trống", ông Kim Yang-paeng nói. 

Tin Cùng Chuyên Mục