Nhóm bất động sản áp đảo ngân hàng trong phát hành trái phiếu

Trong 6 tháng đầu năm 2020, nhóm doanh nghiệp bất động sản phát hành 71.600 tỷ đồng trái phiếu, chiếm 41,8% tổng lượng phát hành.

Công ty chứng khoán SSI vừa phát hành báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam 6 tháng đầu năm 2020. Theo đó, tổng lượng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp đạt 171.500 tỷ đồng, tăng 61,3% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, nhóm bất động sản và ngân hàng chiếm gần 70% tổng lượng phát hành. 

Với tổng giá trị phát hành trái phiếu tới 71.600 tỷ đồng (chiếm 41,8% tổng lượng phát hành) nhóm doanh nghiệp bất động sản đã vượt nhóm ngân hàng để dẫn đầu trong hoạt động này nửa năm đầu 2020. Lãi suất phát hành trái phiếu của nhóm doanh nghiệp bất động sản bình quân trong quý II là 10,42%/năm, giảm hơn so với quý I (10,77%/năm).

Nhóm ngân hàng có tổng giá trị phát hành là 47.300 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 27,6%, tăng 31,2% so với cùng kỳ năm 2019. Tiếp sau đó là nhóm năng lượng và khoáng sản phát hành 10.500 tỷ đồng (chiếm 6,1%), gấp 5,3 lần cùng kỳ năm trước. 

Nhóm ngân hàng đứng thứ hai về phát hành trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2020.
Nhóm ngân hàng đứng thứ hai về phát hành trái phiếu trong 6 tháng đầu năm 2020.

Báo cáo của SSI cho thấy, 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại là người mua chính trái phiếu bất động sản với 28.200 tỷ đồng, chiếm 40% tổng lượng phát hành. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư cá nhân đã mua 14.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản trên thị trường sơ cấp, chiếm 20% tổng lượng phát hành.

Mặc dù tăng trưởng mạnh nhưng báo cáo cũng chỉ ra, so với các kênh huy động vốn khác tại Việt Nam, kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn có quy mô khá khiêm tốn. Nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, tổng quy mô tín dụng tính đến 30/6 là 8,48 triệu tỷ đồng, tương đương 138,5% GDP và gấp 10,75 lần kênh trái phiếu doanh nghiệp.

Theo số liệu thống kê của SSI, lãi suất bình quân trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý II/2020 là 8,89%/năm, giảm nhẹ so với quý đầu năm nay. Nhóm có lãi suất bình quân cao nhất là nhóm phát triển hạ tầng là 11%/năm gồm các trái phiếu 1 - 3 năm của CII và C4G. Nhóm năng lượng và khoáng sản có lãi suất cao thứ 2 là 10,5%/năm...

Báo cáo SSI nhấn mạnh sự gia tăng phát hành trong quý II thể hiện sự tăng tốc trước khi các điều kiện phát hành bị siết chặt. Công ty SSI dự đoán rằng thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tiếp tục tăng nóng trong tháng 7 và 8 trước khi Nghị định 81 của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực.

Bên cạnh đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp được dự báo sẽ vẫn sôi động trong nửa cuối năm 2020 khi mà mức chênh lệch giữa lãi suất trái phiếu doanh nghiệp và lãi suất tiền gửi tiếp tục giãn rộng.

Tin Cùng Chuyên Mục