Những kẽ hở trong đấu giá tài sản

Luật sư Phùng Viết Vĩnh - Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Luật Đấu giá có những kẽ hở dễ dẫn đến tình trạng câu kết giữa các đối tượng nhằm mua tài sản giá trị thấp.

Trong bài viết này, tôi muốn nêu một số bất cập trong quy định của Luật Đấu giá, dẫn đến những kẽ hở mà người tham gia đấu giá lợi dụng hoặc một số đối tượng câu kết với các tổ chức bán đấu giá để mua được tài sản với giá trị thấp, không phản ánh được đúng giá trị tài sản cũng như những lợi ích của hình thức bán đấu giá tài sản.

Thứ nhất, Quy định về bước giá.

Theo Khoản 1 Điều 5 Luật đấu giá thì Bước giá là mức chênh lệch tối thiểu của lần trả giá sau so với lần trả giá trước liền kề trong trường hợp đấu giá theo phương thức trả giá lên. Bước giá do người có tài sản đấu giá quyết định và thông báo bằng văn bản cho tổ chức đấu giá tài sản đối với từng cuộc đấu giá. Tuy nhiên trong Điều 34 Quy chế đấu giá lại không có quy định về bước giá. Như vậy, căn cứ vào đâu để xác định bước giá.

Theo danh mục các Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá tại Khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá thì không thấy xuất hiện chủ thể chính là người có tài sản đấu giá. Do đó không có người quyết định bước giá trong trường hợp này. Và hậu quả là đấu giá viên tùy tiện đưa ra bước giá, dẫn đến các bên thông đồng với nhau, chỉ cần trả cao hơn giá khởi điểm là có thể trúng đấu giá. Vậy nên có trường hợp người tham gia đấu giá trả cao hơn giá khởi điểm 1.000 đồng đã trở thành người trúng đấu giá, mặc dù trên thực tế tài sản này có thể bán cao hơn rất nhiều.

Những kẽ hở trong đấu giá tài sản - Ảnh 1
Đấu giá đất là một trong những hoạt động dễ bị lợi dụng.

Thứ hai, Vướng mắc về việc công khai việc đấu giá tài sản.

Theo quy định tại Khoản 1 điều 57 Luật đấu giá “Ngoài quy định về niêm yết việc đấu giá tài sản quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 35 của Luật này, đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ năm mươi triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc”

Căn cứ vào quy định trên thì thấy rằng pháp luật chỉ quy định chung chung là báo in và báo hình, không quy định là báo nào. Như vậy sẽ xảy ra trường hợp lựa chọn báo địa phương ít người đọc, đăng tin với thông tin về đấu giá rất nhỏ, khó tìm kiếm, hoặc đăng thông tin vào những khung giờ ít người xem như đầu giờ sáng, 12 giờ đêm... để bưng bít thông tin, hạn chế khách hàng đăng ký tham gia đấu giá..

Còn có những tổ chức đấu giá, sau khi niêm yết thông tin và tiến hành chụp ảnh cho vào hồ sơ đấu giá xong thì tiến hành gỡ xuống để hợp pháp hóa hồ sơ đấu giá. Vì vậy, nhiều người thực sự muốn mua tài sản hoặc chính các chủ tài sản đấu giá hoặc người liên quan đến chủ tài sản đấu giá có nhu cầu chuộc lại tài sản còn không biết thông tin.

Việc công khai, minh bạch thông tin để tăng số lượng người tham gia đấu giá, với mục đích bán tài sản với giá cao, phản ánh đúng giá trị của tài sản, giảm thiệt hại với nhà nước, với người phải thi hành án, người được thi hành án. Trên thực tế, do sự không minh bạch về thông tin nên cuộc đấu giá tài sản chỉ có hai người tham gia, một người trả giá bằng giá khởi điểm, người còn lại trả giá cao hơn là đã trúng đấu giá.

Thứ ba, vướng mắc trong việc lựa chọn tổ chức đấu giá.

Tại Khoản 4 Điều 56 Luật đấu giá quy định chưa cụ thể về các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá. Dựa vào quy định này mà nhiều đơn vị, tổ chức đã lựa chọn tổ chức đấu giá theo “quan hệ”, không xem xét năng lực của các tổ chức này, lựa chọn đơn vị đấu giá yếu kém, dẫn đến nhiều hệ lụy như phản ánh của dư luận trong thời gian vừa qua.

Thứ tư, việc tổ chức bán đấu giá tài sản còn nhiều bất cập.

Đầu tiên là việc tổ chức bán đấu giá gây khó khăn cho khách hàng trong việc tiếp cận, mua hồ sơ đấu giá và xem tài sản với mục đích hạn chế người tham gia đấu giá. Rất nhiều trường hợp biết thông tin đấu giá tài sản đến mua hồ sơ, nhưng tổ chức bán đấu giá gây khó khăn như bán theo thời gian nhất định, hoặc đến nơi thì nhân viên bán hồ sơ đi vắng, không liên lạc được, hoặc chuyển địa điểm bán hồ sơ…. Làm cho người mua như rơi vào ma trận và từ bỏ tham gia đấu giá tài sản.

Và nếu nhiều người mua hồ sơ, không thể làm chủ được kết quả đấu giá như mong muốn thì chủ tài sản và đơn vị tổ chức đấu giá tìm cách hủy phiên đấu giá.

Ngoài ra, hiện tượng “quân xanh, quân đỏ” để thông đồng dìm giá trong các phiên đấu giá dẫn đến giá trị tài sản bán được chỉ chênh so với giá khởi điểm rất ít…

Mặc dù Luật đấu giá tài sản đưa ra các quy định cấm tiết lộ thông tin về khách hàng và Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội “ Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá” nhưng một số đơn vị tổ chức bán đấu giá tài sản vẫn cung cấp danh sách khách hàng tham gia đấu giá để các khách hàng dàn xếp trước khi vào phiên đấu giá.

Thứ năm, việc áp dụng đấu giá trực tuyến.

Luật đấu giá tài sản và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu giá tài sản đã hướng dẫn chi tiết về hình thức đấu giá trực tuyến, tuy nhiên đến thời điểm này chưa có tài sản nào theo quy định phải đấu giá được áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến. Đây là một hình thức đấu giá tiến bộ, tuy nhiên để áp dụng vào thực tiễn cần phải có sự hỗ trợ của các cơ quan ban nghành.

Trên đây chỉ là một phần nhỏ những bất cập trong quá trình triến khai Luật đấu giá. Trên thực tế, những bất cập về đấu giá tài sản còn phức tạp hơn rất nhiều, nó diễn ra trong nhiều lĩnh vực, mà nổi cộm là lĩnh vực đất đai, đấu giá tài sản công, đấu giá tài sản thi hành án… Các vấn đề này sẽ được tìm hiểu rõ hơn trong các bài viết sau.

Tin Cùng Chuyên Mục