Những phát ngôn "chất" của Jeff Bezo khiến nhân viên tâm phục khẩu phục

Ken

Đây đều là những câu nói để đời, giúp bạn có thể hiểu và nắm bắt được một cách dễ dàng.

Khi nói về những lá thư gửi cho cổ đông, không một ai có thể sánh với Warren Buffet của Berkshire Hathaway. Có thể nói Buffet là nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới, và sự uyên bác của ông khi được truyền tải trong các con chữ rất súc tích và khiến người đọc dễ dàng nắm bắt được.

Có một CEO nữa cũng không hề kém Buffet về khía cạnh này: Trong 20 năm qua, Jeff Bezos của Amazon đã có những lời nói chứa đầy trí tuệ và tầm nhìn xa mà ai cũng nên học hỏi, cô đọng trong các bức thư gửi cho cổ đông và nhà đầu tư.

Những phát ngôn

Dưới đây là những đoạn trích quan trọng nhất từ 20 bức thư nói trên.

1997: Chúng ta tập trung vào dài hạn

“Vì tập trung vào dài hạn, nên chúng ta có thể đưa ra những quyết định và cân nhắc khác hẳn so với các công ty khác… Chúng ta sẽ tiếp tục đầu tư với mục tiêu trở thành người dẫn đầu thị trường trong dài hạn… chứ không phải ngắn hạn như Phố Wall”.

1998: Đây là cách tuyển được đúng người

"Trong các cuộc phỏng vấn, chúng tôi yêu cầu các tuyển trạch viên xem xét 3 câu hỏi trước khi đưa ra một quyết định nào đó:

Bạn sẽ ngưỡng mộ người này chứ? ... Liệu người này có làm tăng hiệu quả trung bình của nhóm mà họ sẽ gia nhập hay không? Người này sẽ trở thành siêu sao theo chiều hướng nào?”

1999: Mua sắm trên mạng hiện nay khá tệ

Bezos đã nhìn thấy rất rõ thương mại điện tử sẽ thay đổi theo thời gian như thế nào.

“Trải nghiệm mua sắm trên mạng hiện nay tồi tệ chưa từng thấy… nhưng nó sẽ tốt lên rất nhiều”.

2000: Chúng ta học hỏi từ những sai lầm

“Nhìn lại chặng đường đã qua, rõ ràng chúng ta đã đánh giá sai khoảng thời gian để thâm nhập các hạng mục này cũng như đánh giá quá thấp những khó khăn mà các công ty thương mại điện tử chỉ tập trung vào một hạng mục gặp phải nếu muốn đạt được quy mô cần thiết để thành công”.

2001: Đây là lý do chúng ta bắt đầu giảm giá

“Tập trung vào cải thiện chi phí giúp chúng ta có thể đưa ra mức giá thấp hơn, và đẩy mạnh tăng trưởng. Tăng trưởng sẽ khiến chi phí cố định dàn trải theo doanh số, làm giảm chi phí của mỗi đơn vị hàng hóa, và nhờ thế ta lại giảm giá được tiếp. Khách hàng thích điều này, và cũng tốt cho cả các cổ đông. Chúng ta kỳ vọng vòng lặp này sẽ diễn ra nhiều lần”.

2002: Chúng ta có thể có thị phần của riêng mình

“Một trong những đặc trưng thú vị nhất lại không được hiểu thấu đáo. Họ thấy chúng ta quyết tâm mang lại cả trải nghiệm khách hàng tuyệt đỉnh lẫn mức giá thấp nhất có thể, nhưng với một số người mục tiêu kép này lại có vẻ ngược đời nếu không muốn nói là hoàn toàn vô lý”.

2003: Hãy xem tư duy dài hạn thì phải thế nào

“Chủ sở hữu rất khác so với người đi thuê. Tôi biết một cặp vợ chồng cho thuê nhà, và gia đình chuyển đến sống ở đó đã đóng đinh cây thông Noel vào sàn nhà bằng gỗ chứ không dùng chân đế… Không một chủ sở hữu nào lại thiển cận như thế. Tương tự, nhiều nhà đầu tư cũng giống như những người đi thuê nhà ngắn hạn, nhanh chóng bán đi danh mục cổ phiếu của mình, như vậy họ chỉ “thuê mướn” những cổ phiếu mà họ ‘sở hữu’ tạm thời mà thôi”.

2004: Dòng tiền tự do còn quan trọng hơn doanh thu

Bezos đưa ra ví dụ về một doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận rất cao trên giấy tờ và vẫn là một doanh nghiệp chịu thiệt hại khi đề cập đến tiền trong ngân hàng.

“Một công ty thực ra có thể làm tổn hại giá trị cổ đông trong một số trường hợp cụ thể bằng cách tăng doanh thu”.

2005: Dữ liệu là tốt, nhưng xét đoán với tầm nhìn dài hạn còn tốt hơn

“Chúng ta có thể ước tính một đợt giảm giá sẽ có tác dụng thế nào trong tuần hoặc trong quý này. Nhưng ta không thể ước tính tác động của việc liên tục giảm giá gây ra đối với công việc kinh doanh của chúng ta trong 5 hoặc 10 năm tới”.

2006: Làm thế nào để quyết định có nên theo đuổi một cơ hội mới hay không

“Chúng ta phải thuyết phục chính mình rằng cơ hội mới này có thể tạo ra mức lãi trên vốn mà các nhà đầu tư kỳ vọng khi họ đầu tư vào Amazon… rằng công việc làm ăn mới có thể tăng trưởng đến một quy mô nào đó có tầm quan trọng nhất định đối với toàn thể công ty… rằng cơ hội này hiện đang bị bỏ ngỏ và chúng ta có đủ khả năng cần thiết để mang đến cho thị trường một sự khác biệt mà khách hàng có thể nhìn thấy rõ”.

2007: Liệu chúng ta có thể thay thế một phát minh đã có tuổi đời 500 năm (sách) hay không?

Đây là cách Bezos mô tả góc nhìn cần có khi thiết kế thiết bị đọc sách Kindle.

“Chúng ta đã nhận diện được điều mà ta cho là tính năng quan trọng nhất của Kindle. Đó là: nó biến mất. Khi bạn đọc một cuốn sách, bạn không nhận ra giấy, mực, keo dán và đường chỉ khâu. Chúng tan biến hết, và những gì còn lại chỉ là thế giới của tác giả mà thôi”.

2008: Chúng ta nên tập trung vào điểm mạnh của mình hay khách hàng? Khách hàng – luôn luôn là khách hàng!

“Tuy nhiên, nếu được khai thác triệt để, công ty sẽ không bao giờ có động lực để phát triển những năng lực mới. Rốt cuộc những sở trường hiện có sẽ lỗi thời. Xuất phát ngược lại từ nhu cầu của khách hàng thường đòi hỏi chúng ta phải liên tục thu lượm những khả năng mới và rèn luyện thường xuyên”.

2009: Làm thế nào để xác định mục tiêu

Amazon đặt ra rất nhiều mục tiêu. Nhưng gần như đa phần chúng đều không liên quan gì đến các con số tài chính. Thay vào đó, chúng chỉ tập trung vào những gì họ có thể kiểm soát được: quy trình.

“Các lãnh đạo cấp cao mới đến Amazon thường ngạc nhiên vì chúng ta dành rất ít thời gian nói về kết quả tài chính… Tập trung tâm sức ở phần đầu vào chính là cách hiệu quả nhất để tối đa hóa đầu ra về mặt tài chính theo thời gian”.

2010: Chúng ta sẽ sử dụng trí tuệ nhân tạo, và nó sẽ tạo ra sự khác biệt

“Nhiều vấn đề chúng ta gặp phải không hề có giải pháp được viết sẵn, vì thế chúng ta rất vui lòng sáng tạo ra những hướng tiếp cận mới”.

2011: Loại bỏ sự bảo thủ tốt cho thế giới… và cả chúng ta nữa

“Ngay cả những người bảo thủ có thiện chí nhất cũng làm chậm sự đổi mới sáng tạo. Khi một nền tảng tự phục vụ, thậm chí những ý tưởng viển vông nhất cũng được thử nghiệm, vì không có một ai dám khẳng định rằng “cách đó không hiệu quả đâu!” Và thử đoán xem – rất nhiều trong số những ý tưởng mơ hồ ấy thực sự có tác dụng, và xã hội chính là đối tượng được hưởng lợi từ sự đa dạng đó”.

2012: Tập trung vào khách hàng chứ không tập trung vào tính cạnh tranh

“Lợi thế của chúng ta khi tập trung vào khách hàng là nó giúp tạo ra một sự năng động. Khi ở vào tình trạng tốt nhất, đừng chờ đợi áp lực bên ngoài. Chúng ta cần tự vận động nội tại để cải thiện dịch vụ, tạo ra thêm lợi ích và các tính năng, thậm chí trước cả khi hoàn cảnh buộc ta phải làm thế. Chúng ta giảm giá và tăng giá trị cho khách hàng trước khi ta buộc phải làm thế. Chúng ta sáng tạo trước khi chúng ta buộc phải làm thế”.

2013: Chúng ta sáng tạo như thế nào ở Amazon

“Thất bại là một phần của sáng tạo. Đó là điều đương nhiên. Chúng ta hiểu điều đó và tiếp tục điều chỉnh hướng đi cho tới khi tìm được điều mình cần. Khi quy trình này diễn ra, điều đó có nghĩa là thất bại của chúng ta khá nhỏ và khi chúng ta chạm đến một cái gì đó thực sự có ích cho khách hàng, chúng ta sẽ tập trung mọi nguồn lực vào đó với hy vọng biến nó thành một thành công lớn hơn”.

2014: Amazon giờ đây đã “kết hôn” với 3 lĩnh vực kinh doanh này

Bắt đầu từ năm 2014, Bezos nói rõ rằng 3 lĩnh vực kinh doanh đang mang lại phần lớn doanh thu cho Amazon là: Thương mại điện tử, Prime và Amazon Web Services.

“Một lĩnh vực kinh doanh hoàn hảo cần có ít nhất 4 đặc điểm. Khách hàng ưa thích, nó có thể tăng trưởng đến quy mô cực lớn, có mức lãi trên vốn lớn, và bền vững theo thời gian – với tiềm năng tồn tại đến hàng thập kỷ. Khi bạn gặp được một đối tượng như thế, đừng chỉ gạt sang phải (như trong Tinder), mà hãy kết hôn với nó”.

2015: Cửa hai chiều vs. cửa một chiều

“Một số quyết định rất hệ trọng và không thể đảo ngược được hoặc gần như thế - tức là những cánh cửa một chiều – và những quyết định này phải được đưa ra một cách thận trọng, có suy nghĩ và chậm rãi… Nếu bạn xem xét và không thích những gì ở phía bên kia, bạn cũng không thể quay lại chỗ cũ được. Chúng ta gọi đó là những quyết định Loại 1. Nhưng hầu hết các quyết định đều không phải như thế - chúng có thể thay đổi và đảo ngược được – tựa như những cánh cửa 2 chiều. Nếu bạn đưa ra một quyết định cận tối ưu Loại 2, bạn không nhất thiết phải gánh chịu hậu quả mãi mãi. Bạn có thể mở cánh cửa ra và quay lại. Các quyết định Loại 2 có thể và nên được đưa ra thật nhanh chóng nhờ những cá nhân hoặc các nhóm nhỏ có khả năng nhận định tinh tế và giàu kinh nghiệm”.

2016: Làm thế nào để đưa ra những quyết định nhanh chóng và có chất lượng

“Để giữ được năng lượng và động lực như ngày đầu tiên, bằng cách nào đó bạn phải đưa ra những quyết định có chất lượng một cách nhanh chóng. Đây là điều khá dễ dàng cho các công ty khởi nghiệp nhưng lại cực kỳ khó khăn ở các công ty lớn”.

2017: Về các tiêu chuẩn thì sao?

“Để có được những tiêu chuẩn cao… bạn cần phải hình thành và chủ động kết nối những niềm tin thực tế với mức độ khó khăn mà một thứ gì đó có thể gặp phải”.

Điều quan trọng nhất về những lời nói đầy trí tuệ này là nó không chỉ có giá trị với các chủ doanh nghiệp, mà còn rất hữu ích với các nhà đầu tư. Nghĩa là chỉ cần dành thời gian và sự chú ý vào các công ty theo đuổi các giá trị tương tự như Bezos đã nêu ra, chắc chắn bạn sẽ có được những hướng đầu tư có lợi, giúp bạn đạt được sự độc lập và các mục tiêu tài chính của mình.

Tin Cùng Chuyên Mục