Những vấn đề gì sẽ làm “nóng” ĐHCĐ của VEAM?

Theo Hiền Anh/Infonet

Theo kế hoạch, Tổng công ty máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 31/5 tới.

Trước đó, dư luận được biết đến thông tin Bộ Công thương công bố Kết luận Thanh tra số 3202/KL-BCT về công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản; tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ; công tác tổ chức cán bộ tại VEAM, đồng thời chuyển hồ sơ sang Bộ Công an để làm rõ, xử lý trách nhiệm theo quy định. 

Tạm bỏ qua những sai phạm đang được làm rõ, VEAM mới đây đã công bố tài liệu Đại hội cổ đông với những nội dung chính sau:

Trong năm 2019, công ty đặt kế hoạch doanh thu thuần của công ty mẹ đạt 2.398 tỷ đồng, giảm 18,1%; lợi nhuận sau thuế công ty mẹ đạt 6.402 tỷ đồng, tăng 22,5%.

Những vấn đề gì sẽ làm “nóng” ĐHCĐ của VEAM? - Ảnh 1

 

VEAM đề xuất tại ĐHCĐ sẽ trả cổ tức năm 2018 bằng tiền mặt theo mức 3.884 đồng/cp. Công ty cũng sẽ trình đại hội thông qua kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại HSX trong năm nay. Kế hoạch niêm yết của VEAM bị trì hoãn do công ty chưa hoàn tất bàn giao vấn đề về IPO đối với cơ quan quản lý nhà nước (Bộ Công thương) nên không đủ điều kiện niêm yết cổ phiếu.

VEAM cũng đề xuất lên ĐHCĐ việc xem xét giảm tỷ lệ sở hữu tại các công ty con, công ty liên kết. Tài liệu ĐHCĐ cũng đề cập đến việc hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc tiến hành thoái vốn nhà nước tại công ty.

Trước đó, Bộ Công thương dự kiến giảm tỷ lệ sở hữu tại VEAM xuống còn 36% từ mức 88,5% như hiện tại. Tuy nhiên, vướng mắc nằm ở những thỏa thuận của VEAM với các liên doanh Honda, Ford và Toyota.

Được biết, theo thỏa thuận giữa VEAM và Honda Việt Nam liên quan đến việc đầu tư của VEAM vào Honda Việt Nam vào năm 1996, các cổ đông VEAM, Honda Motor (Nhật Bản), và Asean Honda Motor (Thái Lan) lần lượt nắm 30%, 42%, và 28% cổ phần tại Honda Việt Nam. Thỏa thuận có thời hạn 40 năm kể từ năm 1996, nên thời gian hợp tác chấm dứt phải đợi đến năm 2035.

Các thỏa thuận giữa VEAM với Toyota Việt Nam cũng tương tự, ngoài ra còn có một số điều khoản riêng liên quan đến cơ cấu sở hữu của VEAM, như quyền mua lại cổ phần của VEAM tại Toyota Việt Nam nếu tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VEAM giảm xuống dưới 51%.

Còn tại liên doanh Honda Việt Nam, nếu đối tác mua lại cổ phần nhà nước tại VEAM là một doanh nghiệp trong ngành, điều khoản mua lại phần vốn góp của VEAM tại liên doanh này có thể được kích hoạt.

Tin Cùng Chuyên Mục