Nợ xấu khó đòi tăng nhanh: Có lãi ngàn tỷ đừng vội mừng

Trần Thủy/Vietnamnet

Báo cáo tài chính quý 3/2018 do các ngân hàng công bố cho thấy, tỷ lệ nợ xấu nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tại nhiều ngân hàng tăng cao. Đây là điều bất thường bởi các chỉ số kinh tế vĩ mô đang có diễn biến tích cực.

Theo thống kê, nợ nhóm 5 tăng 31% so với thời điểm đầu năm, lên hơn 46.973 tỷ đồng tại 23 ngân hàng, chiếm đến 56% tổng nợ xấu (tỷ lệ này hồi đầu năm là 51%). Những ngân hàng có nợ nhóm 5 tăng mạnh gồm có BIDV (tăng 47%), VietinBank (tăng 67,5%), VPBank (tăng 62%), Vietcombank (tăng 136%), ACB (tăng 62%), TPBank (tăng 46%), Saigonbank (tăng 39%).

Trong đó, nợ có khả năng mất vốn đang chiếm hơn một nửa số nợ xấu tại 15 ngân hàng thương mại. Đặc biệt, ở một số ngân hàng, tỷ lệ này lên tới trên 80% như Sacombank, chiếm 93%; VIB khoảng 88% và BacABank là 97%. 

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, chỉ số kinh tế vĩ mô năm 2017 và 9 tháng đầu năm 2018 đều có diễn biến tích cực, GDP tăng khá, DN hoạt động kinh doanh có hiệu quả, vậy nhưng nợ xấu nhóm 5 tăng cao là điều khá bất thường.

Nợ xấu khó đòi tăng nhanh: Có lãi ngàn tỷ đừng vội mừng - Ảnh 1
Nhiều ngân hàng lộ ra khối nợ khó đòi (ảnh minh họa)

Từ phía các ngân hàng, không đưa ra lý giải nào về nợ nhóm 5 tăng, trong khi đó, giới chuyên môn đang đặt ra nhiều nghi vấn. Có ý kiến cho rằng, những khoản nợ này trước đây đã khó có khả năng thu hồi được tái cơ cấu. Nay khách hàng không trả được nên chuyển qua nợ nhóm 5.

Phải chăng nợ xấu nhóm 5 tăng của nhiều ngân hàng thể hiện hoạt động sản xuất kinh doanh của một số DN không hiệu quả, gặp khó khăn, nên không có khả năng trả nợ vốn vay. Nợ nhóm 5 là nợ quá hạn trên 360 ngày, hoặc là nợ đã được tái cơ cấu lại lần 2 hay lần 3, nhưng chưa được giải quyết. Như vậy, không phải do tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung gây ra, mà nó đến từ nội tại hoạt động của DN, chuyên gia kinh tế Phạm Nam Kim đặt câu hỏi.

Theo số liệu của NHNN, tín dụng của các ngân hàng đổ vào bất động sản hiện ở mức 7-8% tổng dư nợ cho vay nền kinh tế. Song, các chuyên gia kinh tế lo ngại, dư nợ cho vay bất động sản thực tế cao hơn con số được công bố. Bởi chưa tính đến dư nợ cho vay bất động sản “núp bóng” tiêu dùng. 

Qua báo cáo có thể thấy, những ngân hàng có dư nợ cho vay bất động sản lớn thì tỷ lệ nợ nhóm 5 cũng lớn. Chẳng hạn như Sacombank, có dư nợ cho vay bất động sản chiếm khoảng 17% tổng dư nợ tín dụng, thì nợ nhóm 5 chiếm tới 93%.

 

Ông Phạm Nam Kim cho rằng, với một ngân hàng, thông thường cơ cấu nợ sẽ giống hình tam giác ngược và nợ nhóm 5 sẽ ở dưới cùng, tức là nhóm có tỷ lệ thấp nhất. Nhưng nhiều ngân hàng tại Việt Nam đang có nợ nhóm 5 chiếm tỷ lệ lớn nhất là điều đáng quan ngại.

Nợ nhóm 5 coi như mất khả năng thu hồi và sẽ ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của ngân hàng, vì phải trích lập dự phòng rủi ro 100%. Nợ nhóm 5 lớn sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro lớn và làm giảm lợi nhuận của các ngân hàng.

Theo quy định, vào quý 4 hàng năm, cũng là thời điểm kết thúc năm tài chính, báo cáo tài chính của các ngân hàng phải được kiểm toán độc lập. Ngân hàng phải phân loại nợ chính xác và hạch toán đầy đủ các khoản nợ, thì nợ nhóm 5 sẽ bộc lộ đầy đủ hơn.

Các chuyên gia cũng cho biết, trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng sẽ tăng lên trong quý 4/2018. Nhiều ngân hàng sẽ phải chi hàng nghìn tỷ đồng để bù đắp cho nợ nhóm 5. Như vậy sẽ giảm lợi nhuận và uy tín của các ngân hàng. Cùng với đó, các khoản thuế phải nộp cho Nhà nước sẽ giảm và lợi nhuận chi trả cho các cổ đông bị ảnh hưởng.

Lợi nhuận của ngân hàng giảm sẽ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán. Để có lợi nhuận cao, chỉ có cách nâng lãi suất cho vay hoặc tăng phí dịch vụ bù đắp. Vì vậy, lãi suất cho vay và phí dịch vụ nhiều ngân hàng có thể sẽ tăng trong thời gian tới.

Điều này sẽ bất lợi cho khách hàng. Nếu phí dịch vụ tăng, khách hàng sẽ chịu thiệt thòi vì chi phí tăng. Nếu lãi suất tăng, DN vay vốn thêm khó khăn. Nhất là với các DN nhỏ, phải chịu lãi suất cao thì hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ gặp khó khăn, không thể mở rộng đầu tư.

Trong khi đó, Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu ngành ngân hàng giảm lãi suất, giảm chi phí để hỗ trợ cộng đồng DN, thì xu hướng tăng lãi suất hay phí dịch vụ sẽ đi ngược lại mong muốn này.

Các chuyên gia kinh tế nhìn nhận, cạnh tranh ngày càng gay gắt, những năm tới DN Việt Nam sẽ gặp nhiều thách thức và cần sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các ngân hàng. Nhưng ngân hàng trong tình trạng hiện nay sẽ khó hỗ trợ tốt các DN.

Tin Cùng Chuyên Mục