Nội chiến dai dẳng đến đối đầu trực diện giữa các nhóm cổ đông tại Coteccons

Hiếu Nguyễn

(Doanhnhan.vn) - Hai nhóm cổ đông tại Coteccons xảy ra "tình trạng cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" suốt nhiều năm nay.

Mâu thuẫn nội bộ giữa nhóm cổ đông lớn Kustocem Pte. Ltd. (Kusto) và ban lãnh đạo Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) đang bị đẩy lên đỉnh điểm sau khi Kusto yêu cầu ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch HĐQT và ông Nguyễn Sỹ Công, Tổng giám đốc CTD từ chức. Kusto nhấn mạnh việc bị xâm phạm quyền cổ đông tại Coteccons. 

Ngay sau đó, Tổng giám đốc Coteccons có thông cáo cho rằng nhóm cổ đông này đã có những cáo buộc vô căn cứ nhằm "hoàn tất thâu tóm Coteccons" tiếp tục đẩy diễn biến thêm phần căng thẳng. Thực tế, mối bất hòa giữa các cổ đông Coteccons đã kéo dài từ nhiều năm qua và các bên liên quan không ngần ngại công kích trực diện lẫn nhau.

Nội chiến dai dẳng đến đối đầu trực diện giữa các nhóm cổ đông tại Coteccons - Ảnh 1

 

Từ năm 2012, Kusto - một tập đoàn đầu tư tư nhân quốc tế có trụ sở chính tại Singapore đã có những cuộc tiếp xúc với Coteccons - doanh nghiệp luôn nằm trong nhóm nhà thầu xây dựng lớn nhất thị trường Việt Nam với mong muốn cùng đồng hành mở rộng thị trường và phát triển đội ngũ. Khi đó của công ty này trên dưới 4.000 tỷ đồng/năm và lợi nhuận bình quân trên 200 tỷ đồng.

Tuy nhiên, 2012 cũng là giai đoạn thị trường bất động sản gặp khó khăn, các khoản nợ đọng công trình lớn nên dòng tiền của CTD âm nhiều năm liên tiếp. Tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp giảm liên tiếp trong 3 năm từ 2010-2012. 

Vào thời điểm đó, lãnh đạo Coteccons cũng đánh giá đối tác có cùng tầm nhìn và chiến lược kinh doanh. Không lâu sau đó, Kusto trở thành cổ đông lớn của CTD thông việc đợt phát hành hơn 10 triệu cổ phiếu, huy động 500 tỷ đồng.

Được bổ sung dòng tiền, những năm sau đó doanh thu Coteccons cũng ghi nhận đà tăng trưởng nhanh, Chỉ trong 5 năm, từ mức xấp xỉ 4.000 tỷ đồng năm 2012 đã tăng lên gấp gần 7 lần vào năm 2017, với 27.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân của nhà thầu giai đoạn 2013-2017 cũng lên tới 45%/năm. Lợi nhuận bình quân năm giai đoạn này cũng tăng tới 54%/năm.

Tuy nhiên, sự bất hòa giữa các cổ đông và ban lãnh đạo Coteccons manh nha vài năm nay khi xuất hiện những công ty liên quan tới Coteccons như Ricons, Unicons, BM Windows... có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh, trong khi hiệu quả kinh doanh lẫn lợi nhuận của Coteccons đều suy giảm. 

Phía Kusto cho rằng, đây là nhóm công ty tuy trên danh nghĩa nằm trong Coteccons Group, nhưng thực chất đều là những nhà thầu phụ và có hoạt động liên quan với Coteccons. Thậm chí, một số còn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Coteccons. Nhóm ông Nguyễn Bá Dương và cổ đông ngoại đã nhiều lần thương thảo về việc sáp nhập Unicons (đơn vị khi đó CTD nắm 27% vốn) và Ricons (CTD đang nắm 20% vốn) . 

Tuy nhiên, việc sáp nhập mới được thực hiện đối với Unicons. Còn với Ricons, trước thềm đại hội thường niên năm 2019 của CTD, Kusto quyết liệt bác bỏ phương án phát hành cổ phiểu để sáp nhập công ty này bởi cho rằng điều đó sẽ không mang lại bất cứ lợi ích và giá trị cho hoạt động vận hành của Coteccons. Nếu phương án sáp nhập được thông qua, tỷ lệ sở hữu của nhóm nhà đầu tư Kusto tại Coteccons cũng sẽ bị sụt giảm. Mối lo bị pha loãng tỷ lệ sở hữu, sợ bị mất quyền chi phối được cho là nguyên nhân chính dẫn tới sự việc trên. 

Mặt khác, nhóm Kusto nhấn mạnh vấn đề xung đột lợi ích đang tồn tại trong mối quan hệ giữa Coteccons - Ricons. Theo nhóm cổ đông ngoại, cả hai công ty có cùng ngành nghề kinh doanh, thực tế còn là đối thủ cạnh tranh trong một phân khúc thị trường, tuy nhiên, một số thành viên HĐQT Conteccons và những người liên quan có sở hữu số cổ phần đáng kể trong Ricons. Đơn cử như ông Trần Quang Quân, người vừa nắm giữ vị trí Chủ tịch Ricons, lại nằm trong ban điều hành của Coteccons, hay bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc (vợ ông Nguyễn Bá Dương) cũng nắm cổ phần tại Ricons.

Trong khi đó, tình hình kinh doanh của Coteccons và Ricons lại hoàn toàn trái ngược nhau. Lợi nhuận ròng sau thuế của Ricons năm 2015 mới chỉ bằng 11% lợi nhuận ròng sau thuế của Coteccons và đã tăng lên thành 51% trong năm 2019.

Với việc không có bất cứ sở hữu nào tại Ricons, Kusto không nhận được lợi ích gì từ đà tăng trưởng vượt bậc trên. Trong khi đó, tình hình kinh doanh tại Coteccons lại liên tục sụt giảm, đặc biệt trong 2 năm trở lại đây. Gần đây nhất, năm 2019 doanh thu của nhà thầu này giảm tới 17%, còn lợi nhuận giảm 53% về mức thấp nhất 5 năm. Cuối năm 2019, Coteccons không hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh và ghi nhận năm thứ 2 liên tiếp dòng tiền âm. 

Về phía Coteccons, trong văn bản vừa phát đi, ông Nguyễn Sỹ Công, CEO Conteccons cho rằng, hiện Kusto nắm giữ 18,23% số cổ phần CTD có quyền biểu quyết. Thêm vào đó, ông Công cho rằng Công ty TNHH MTV Kinh doanh và Đầu tư Thành Công (nắm 14,67% cổ phần) cũng là thuộc nhóm Kusto. Do đó, ông Công cho rằng nhóm Kusto "hiện chiếm tỷ lệ sở hữu rất lớn".

Theo CEO Conteccons, từ tháng 10/2019 đến nay, nhóm cổ đông này từng nhiều lần gửi yêu cầu tổ chức Đại hội cổ đông bất thường nhằm bãi miễn tư cách thành viên HĐQT của Chủ tịch là ông Nguyễn Bá Dương và Tổng giám đốc là ông Nguyễn Sỹ Công.  

Ông Công cũng cho rằng Kusto đã và đang đi ngược lại những cam kết ban đầu trong việc phát triển Coteccons, cũng như chưa có đóng góp trực tiếp nào đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Thậm chí, theo Tổng giám đốc Coteccons, nhóm Kusto còn lợi dụng ưu thế cổ đông lớn nhiều lần phủ quyết những nghị quyết đại hội cổ đông đã được thông qua trước đó. 

Tin Cùng Chuyên Mục