Nổi lên nhanh chóng với loạt dự án lớn, tình hình tài chính của nhóm MIKGroup đang ra sao?

Theo Nhịp sống kinh tế

Tròn 5 năm sau ngày thành lập, MIKGroup từ không tên tuổi đã nhanh chóng vươn mình vào top những doanh nghiệp bất động sản top đầu, ngang hàng với những cái tên giàu truyền thống như Hà Đô, Khang Điền, Phát Đạt…

CTCP Tập đoàn MIKGroup Việt Nam vừa quyết định bổ nhiệm ông Nguyễn Trường Sơn đảm nhiệm chức vụ Tổng giám đốc cùng vai trò Người đại diện theo pháp luật, thay thế cho ông Trần Như Trung sau tròn một năm đảm nhiệm.

Ông Sơn sinh năm 1969, cũng đang là Phó Chủ tịch Tập đoàn MIKGroup. Ông này từng là Chủ tịch VPBank AMC.

Theo tìm hiểu, MIKGroup mới đây đã thực hiện tăng vốn điều lệ đăng ký từ 5.500 tỷ đồng lên gần 6.400 tỷ đồng, con số này gấp hơn 213 lần so với vốn thành lập năm 2014. Tốc độ tăng vốn nhanh chóng đi cùng sự lớn mạnh về quy mô của công ty bất động sản này, MIKGroup được giới đầu tư liệt vào hàng "ngôi sao mới nổi" trên thị trường.

Nổi lên nhanh chóng với loạt dự án lớn, tình hình tài chính của nhóm MIKGroup đang ra sao? - Ảnh 1

Theo dữ liệu của chúng tôi, tính đến hết năm 2019, tổng tài sản của MIKGroup (công ty mẹ) đạt gần 12.300 tỷ đồng, tăng 30% so với trước đó một năm.

Do đóng vai trò là công ty holding nên cơ cấu tài sản của công ty mẹ MIKGroup khá đơn giản, chiếm phần lớn là hơn 7.000 tỷ đồng phải thu ngắn hạn, bao gồm 4.579 tỷ đồng phải thu về cho vay ngắn hạn và 2.236 phải thu ngắn hạn khác (2.236 tỷ đồng). Một cấu phần quan trọng khác là khoản đầu tư vào công ty con (4.518 tỷ đồng).

Khối tài sản này được hình thành từ một nửa là vốn chủ sở hữu, và một nửa nợ phải trả. Toàn bộ nợ phải trả của MIKGroup là ngắn hạn, bao gồm khoản người mua trả triền trước ngắn hạn (2.391 tỷ đồng) và vay nợ cho thuê tài chính ngắn hạn (3.088 tỷ đồng), gấp 2,8 lần so với đầu năm. Các số liệu chỉ ra rằng, việc sử dụng đòn bẩy của MIKGroup đang gia tăng, nhưng công ty này vẫn chưa dùng đến nợ dài hạn.

Năm 2018, MIKGroup ghi nhận gần 2.000 tỷ doanh thu từ hoạt động kinh doanh và 530 tỷ doanh thu tài chính, qua đó đạt lợi nhuận sau thuế 471 tỷ đồng. Sang năm 2019, doanh thu sụt giảm xuống còn 837 tỷ đồng và LNST đạt 105 tỷ đồng.

MIKGroup (số liệu công ty mẹ)  
MIKGroup (số liệu công ty mẹ)  

Cơ cấu sản phẩm của hệ sinh thái MIKGroup tương đối đa dạng, từ khu căn hộ cao cấp, villa – nhà phố, cho đến bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn…

Công ty này sở hữu hai khách sạn đã đi vào vận hành là Sol By Meliá Phú Quốc và Crowne Plaza Phú Quốc Starbay, một khu nghỉ dưỡng Movenpick Resort Waverly Phú Quốc. MIKGroup cũng đã và đang phát triển nhiều tổ hợp biệt thự tọa lạc tại khu vực quận 9, TP HCM, hay quận Long Biên, Hà Nội.

Giống như hầu hết các nhà phát triển bất động sản lớn khác, mỗi dự án của MIKGroup được thực hiện bởi một công ty thành viên khác nhau. Công ty mẹ chỉ đóng vai trò đầu mối thu xếp tài chính, phát triển thương hiệu…

Các đơn vị phát triển dự án chính của hệ sinh thái MIKGroup có thể kể đến như CTCP HBI với dự án Imperia Garden, Valencia Garden, Imperia Smart City; CTCP Đầu tư Mai Linh với dự án The Matrix One hay CTCP Terra Gold với dự án Imperia Sky Garden…

Trong số này chỉ có Terra Gold là bàn giao sản phẩm trong năm 2019 nên ghi nhận doanh thu, lợi nhuận đáng kể. Cụ thể, doanh nghiệp này đạt doanh thu gần 4.000 tỷ đồng và 338 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2019.

Với giá trị hàng tồn kho còn hơn 1.400 tỷ đồng cuối kỳ, nhiều khả năng Terra Gold sẽ có thể tiếp tục đem về doanh thu lớn trong tương lai.

Nổi lên nhanh chóng với loạt dự án lớn, tình hình tài chính của nhóm MIKGroup đang ra sao? - Ảnh 2

Đối với HBI, sau khi đạt hơn 5.200 tỷ doanh thu vào năm 2017 - có thể chủ yếu nhờ ghi nhận dự án Imperia Garden tại Thanh Xuân, Hà Nội, doanh nghiệp này bước vào chu kỳ phát triển dự án mới. Doanh thu trong năm 2018 - 2019 khá khiêm tốn, lần lượt 709 tỷ và 155 tỷ đồng.

Cuối năm ngoái, HBI nhận chuyển nhượng 4 lô đất tại dự án Vinhomes Smart City và đã triển khai xây dựng dự án Imperia Smart City tại đây. Nhờ dự án mới này, quy mô tài sản cuối năm 2019 của HBI đã tăng vọt lên hơn 3.600 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hàng tồn kho với gần 3.000 tỷ đồng.

Để có nguồn lực thực hiện, vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 510 tỷ lên 1.150 tỷ đồng thời phát hành lô trái phiếu trị giá 1.814 tỷ đồng vào cuối tháng 11/2019. Cuối tháng 4/2020, HBI tiếp tục huy động thêm gần 229 tỷ đồng trái phiếu.

Nổi lên nhanh chóng với loạt dự án lớn, tình hình tài chính của nhóm MIKGroup đang ra sao? - Ảnh 3

Một dự án đáng chú ý khác là The Matrix One cũng được MIKGroup thâu tóm giữa năm 2018 gián tiếp qua ba pháp nhân. Tiền thân dự án này được giao cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) để triển khai tổ hợp khách sạn dầu khí (PVN Tower) cao 102 tầng, vốn đầu tư 1 tỷ USD.

Tuy vậy, PVN sau đó nhả lại dự án này cho Tổng công ty Xây lắp Dầu khí (PVC) để tập trung kinh doanh cốt lõi. Nhưng năng lực kém cỏi của PVC không đủ để phát triển dự án dẫn đến phải chuyển nhượng cho một chủ đầu tư mới – CTCP Đầu tư Mai Linh (2015), lấy tên Golden Palace A.

Sau đó vài năm, chủ sở hữu của Mai Linh cũng quyết định thoái vốn, dự án thuộc về tay MIKGroup như hiện tại. Ngoài ra, còn nhiều công ty phát triển dự án không có mối quan hệ sở hữu trực tiếp với MIKGroup, mà liên hệ qua các cá nhân đứng tên.

Bản thân MIKGroup và hệ sinh thái bao quanh đang cho thấy sự mở rộng nhanh chóng. Một thế lực bất động sản mới đã được hình thành và cũng đang dần hé lộ những sự thật thú vị.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục