Nóng tuần qua: Đại gia đa cấp một thời tưởng “chết”, hóa ra sống khỏe

Theo Phương Linh/24h

Thiên Ngọc Minh Uy, cái tên nổi tiếng và cũng nhiều tai tiếng một thời trong giới đa cấp hóa ra không “chết” như nhiều người vẫn nghĩ. Số thuế thu nhập doanh nghiệp 1 năm nộp ngân sách lên tới 200 tỷ đủ để Thiên Ngọc Minh Uy xếp trên nhiều doanh nghiệp “tai to mặt lớn” khác.

Nghi vấn Thiên Ngọc Minh Uy nộp thuế khủng

Thiên Ngọc Minh Uy là cái tên bất ngờ xuất hiện trong top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam 2017. Vị trí của công ty nổi tiếng kinh doanh đa cấp một thời là 81, cao hơn nhiều doanh nghiệp lớn khác như: FPT, Tân Hiệp Phát, Tập đoàn KIDO,…

Tuy nhiên, điều nghi vấn là Thiên Ngọc Minh Uy là cái tên đã đi vào dĩ vàng từ cách đây hơn 1 năm. Trước đó, công ty đã chính thức ngừng hoạt động bán hàng đa cấp và được Bộ Công Thương chấp thuận từ tháng 4 năm nay.

Giải thích cho nghi vấn này, đại diện ngành thuế cho biết, thực tế, phía Thiên Ngọc Minh Uy vẫn đang hoạt động, đơn vị này chỉ ngừng kinh doanh đa cấp. Theo giấy phép kinh doanh, Thiên Ngọc Minh Uy vẫn đang hoạt động mảng buôn bán đồ dùng gia đình.

Về số liệu nộp thuế năm 2017, ngành thuế thống kê, số thuế nộp của Thiên Ngọc Minh Uy năm 2017 tại Cục Thuế Hà Nội là hơn 2 tỷ đồng và tại Thành phố Hồ Chí Minh là trên 204 tỷ đồng.

Nóng tuần qua: Đại gia đa cấp một thời tưởng “chết”, hóa ra sống khỏe - Ảnh 1
Thiên Ngọc Minh Uy là cái tên bất ngờ xuất hiện trong top 1.000 doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam 2017.

Grab có thể sẽ bị quản lý giống như taxi truyền thống

Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi vừa đưa khái niệm về kinh doanh vận tải ô tô. Theo đó, kinh doanh vận tải bằng xe ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ nhằm mục đích sinh lợi. Các công đoạn trên bao gồm cả điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải.

Với quy định trên, mô hình như Grab, Uber có thể sẽ là đơn vị kinh doanh vận tải. Trước đó, đã có nhiều tranh cãi về việc, Grab, Uber là doanh nghiệp vận tải hay doanh nghiệp công nghệ. 

Để đảm bảo công bằng giữa xe hợp đồng điện tử và taxi, Bộ GTVT cũng đưa ra điều kiện kinh doanh đối với 2 nhóm này tương tự nhau. 

Hiện tại, Grab và Uber vẫn nhận mình là doanh nghiệp công nghệ. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, Uber hay Grab khẳng định mình chỉ cung cấp phần mềm hỗ trợ vận tải không nằm ngoài mục đích lách thuế, cũng như né các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải.

Nóng tuần qua: Đại gia đa cấp một thời tưởng “chết”, hóa ra sống khỏe - Ảnh 2

Theo dự thảo mới, Grab sẽ được định danh là đơn vị kinh doanh vận tải thay vì doanh nghiệp công nghệ như hãng này vẫn tự nhận.

Mối lương duyên đổ vỡ Ba Huân – VinaCapital

Công ty cổ phần Ba Huân vừa có văn bản gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hỗ trợ chấm dứt hợp tác với Quỹ đầu tư VinaCapital.

Nóng tuần qua: Đại gia đa cấp một thời tưởng “chết”, hóa ra sống khỏe - Ảnh 3

Bà Phạm Thị Huân, giám đốc công ty, người được mệnh danh “nữ hoàng hột vịt” cho biết, một trong những lý do khiến doanh nghiệp đưa ra quyết định này vì nhận thấy thỏa thuận hợp tác giữa bản tiếng Anh và tiếng Việt có nội dung không đúng hoặc không như trao đổi ban đầu. Cụ thể, VinaCapital “tự động” đưa vào tỷ suất hoàn vốn đầu tư 22% một năm - gấp ba lần lãi suất vay vốn ngân hàng.

Nóng tuần qua: Đại gia đa cấp một thời tưởng “chết”, hóa ra sống khỏe - Ảnh 4

Quỹ đầu tư này ra điều kiện Ba Huân chịu phạt trả lại vốn đầu tư cộng dồn với lãi suất 22% hoặc chuyển giao tối thiểu 51% cổ phần nếu không hoàn thành kế hoạch kinh doanh sau ba năm từ khi nhận vốn đầu tư.

Phía ngược lại, VinaCapital khẳng định không có ý định chiếm quyền điều hành hay thâu tóm Ba Huân.

Hai bên đã chính thức ngồi lại với nhau và ra quyết định thoả thuận chấm dứt việc đầu tư.

Thaco – Hoàng Anh Gia Lai và cuộc “hôn nhân” tỷ đô

Nóng tuần qua: Đại gia đa cấp một thời tưởng “chết”, hóa ra sống khỏe - Ảnh 5
Cái bắt tay tỷ đô của Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Bầu Đức.

Công ty ô tô Trường Hải (Thaco) do ông Trần Bá Dương làm chủ tịch sẽ rót vốn vào các công ty của Bầu Đức với tổng dòng tiền gần một tỷ USD.

Trước đó, Hoàng Anh Gia Lai đang rơi vào tình trạng thiếu vốn để gia tăng diện tích cây ăn trái, thiếu vốn thanh toán nợ đến hạn.

Chủ tịch Thaco cho hay, theo cam kết trong thỏa thuận đầu tư vào Công ty Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (mã chứng khoán: HNG), cá nhân ông sẽ chịu trách nhiệm chính trong việc tái cấu trúc toàn diện công ty, trong đó có cơ cấu nợ và thu xếp vốn để doanh nghiệp phát triển bền vững. Tổng vốn đầu tư ước khoảng 12.000 tỷ đồng.

Riêng đối với dự án HAGL Myanmar, Thaco và Đại Quang Minh sẽ chịu trách nhiệm chính về đầu tư phát triển giai đoạn 2 với số vốn đầu tư hơn 7.400 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2020.

Tham dự lễ công bố tối 8/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hợp tác chiến lược giữa Thaco và HAGL là một cuộc "hôn nhân môn đăng hộ đối".

Tin Cùng Chuyên Mục