Nữ CEO đứng sau startup thiết kế Canva: Bỏ công việc giảng dạy để khởi nghiệp, từng thất bại trong cả trăm lần gọi vốn

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Ít ai biết, thành công của Melanie Perkins và đội ngũ chỉ đến sau hành trình 3 năm trời đầy gian nan, thử thách để thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn.

Vừa qua, startup Canva - nền tảng giúp người dùng phổ thông dễ dàng thiết kế các ấn phẩm đồ hoạ, hoạt động như một "Photoshop phiên bản mỳ ăn liền", đã huy động thành công 85 triệu USD trong vòng gọi vốn mới nhất. Điều này giúp Canva được định giá tới 3,2 tỷ USD, trở thành doanh nghiệp hình mẫu cho các startup tại Australia, sau 5 năm được thành lập bởi Melanie Perkins - một cựu gia sư thiết kế đồ hoạ.

Trước đó, năm 2018, Canva đã chính thức đạt danh hiệu "startup kỳ lân" sau khi huy động 40 triệu USD trong vòng gọi vốn.

Ít ai biết, thành công của Melanie Perkins và đội ngũ chỉ đến sau hành trình 3 năm trời đầy gian nan, thử thách để thuyết phục các nhà đầu tư rót vốn.

Năm 19 tuổi, Melanie Perkins nhận thấy nhu cầu thiết kế các ấn phẩm trực tuyến ngày càng nhiều. Nhưng không phải ai cũng có thể sử dụng thành thạo Photoshop hay AI. Nhiều lần, cô được người quen, bạn bè nhờ hướng dẫn sử dụng các công cụ chuyên nghiệp.

Nữ CEO đứng sau startup thiết kế Canva: Bỏ công việc giảng dạy để khởi nghiệp, từng thất bại trong cả trăm lần gọi vốn - Ảnh 1

 

"Có thể mất cả học kỳ để học những thứ rất cơ bản. Thậm chí những thao tác đơn giản nhất như trích xuất tập tin PDF chất lượng cao cũng phải mất tới 22 cú nhấp chuột”, nữ CEO 30 tuổi cho biết.

Tuy nhiên, cô chưa có ý định xây dựng Canva vào lúc đó. Năm 22 tuổi, Perkins cùng bạn trai sáng lập một hệ thống trực tuyến giúp sinh viên thiết kế kỷ yếu theo ý thích mang tên Fusion Books. Ngày nay, Fusion Books là nhà xuất bản kỷ yếu lớn nhất nước Úc và đã có mặt tại Pháp và New Zealand.

Quãng thời gian này, cô còn làm việc tại Đại học Tây Úc trong vai trò giảng viên thiết kế đồ hoạ. Càng ngày, cô càng thấy tiềm năng phát triển của ngành này. Từ thành công của Fusion Books, Melanie Perkins cùng hai người bạn sáng lập nên Canva, đồng thời nghỉ công việc giảng viên để tập trung phát triển dự án mới.

Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư nổi tiếng Bill Tai, cô đã rất hụt hẫng. Đáp lại sự kỳ vọng của Melanie, Bill Tai dường như không mấy mặn mà, và chỉ lo nghe điện thoại suốt buổi gặp. 

"Ông ý có vẻ không thích startup của tôi, vì hành động nghe điện thoại suốt buổi. Tuy vậy, tôi đã bất ngờ khi ông ấy giới thiệu tôi với một mạng lưới các nhà đầu tư, kỹ sư và nhà phát triển ở Thung lũng Silicon. Và cuối cùng, Bill cũng đầu tư vào Canva".

Nữ CEO đứng sau startup thiết kế Canva: Bỏ công việc giảng dạy để khởi nghiệp, từng thất bại trong cả trăm lần gọi vốn - Ảnh 2

 

Nhưng rồi cô dần quen với cảm giác thất vọng, bởi suốt 3 năm ròng, nữ sáng lập này phải nhận lấy hàng trăm lời từ chối khác nhau. 

Khác biệt giữa văn hoá Úc và văn hoá Mỹ là một rào cản lớn: "Người Úc thường giữ thái độ khiêm nhường khi nói về thành tích của bản thân. Còn ở Mỹ, ai cũng phải thể hiện thật nhiều nếu muốn nhà đầu tư rót vốn." - cô giải thích.

"Sau 3 năm trời, tôi mới gặp được nhà đầu tư đầu tiên chịu rót vốn cho Canva" - Perkins cho biết. 

"Nhưng hành trình này vô cùng hữu ích, những lời từ chối chứng tỏ rằng chúng tôi phải chỉnh sửa bản giới thiệu, thiết lập chiến lược toàn diện. Do đó ngay sau cú rót vốn từ nhà đầu tư, dự án có thể triển khai nhanh chóng và hiệu quả", cô đánh giá.

Ở thời điểm hiện tại, Canva có hơn 10 triệu người dùng đăng ký tại 190 quốc gia khác nhau. Nền tảng này được dịch sang 100 ngôn ngữ và có thư viện hơn 3 triệu hình ảnh. Công ty có hơn 250 nhân viên và được định giá 1 tỷ USD vào tháng 1 năm ngoái. Tham vọng của Canva trong tương lai là có 3,2 tỷ người dùng toàn cầu.

Nói về lời khuyên dành cho giới khởi nghiệp, cô nhấn mạnh tầm quan trọng của đức tính kiên trì, nhẫn nại. Bởi lẽ, việc phát triển một công ty không phải câu chuyện thành công "một sớm một chiều". "Bị từ chối là một phần của quá trình đó", Perkins nói.

Tin Cùng Chuyên Mục