Nửa đầu năm "điêu đứng" vì Covid-19, thị trường khách sạn phía Nam vẫn chưa tìm thấy "điểm sáng" để phục hồi

Quỳnh Chi

Thị trường khách sạn phía Nam rơi vào trạng thái ảm đạm khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4 vào cuối quý II và kéo dài sang quý III/2021. Mọi dự báo về sự phục hồi của thị trường này trong năm 2021 vẫn bỏ ngỏ.

Hàng loạt khách sạn dùng làm nơi cách ly

Làn sóng Covid thứ 4 một lần nữa đánh mạnh vào ngành du lịch nội địa và từ đó tác động đáng kể đến thị trường khách sạn, đặc biệt là khu vực phía Nam. Cụ thể, báo cáo của Savill ghi nhận, trong quý II/2021, nhu cầu lưu trú khách sạn tại TP.HCM sụt giảm, 17 dự án khách sạn buộc phải tạm ngưng hoạt động.

Tuy nhiên, cũng có 28 dự án hoạt động trở lại, một nửa trong số đó được sử dụng làm cơ sở cách ly tập trung có tính phí. Ngoài ra, nhu cầu cách ly tập trung đến từ nguồn khách nhập cảnh, quan chức Nhà nước và khách trong nước tiếp tục tăng. Đa số các khách sạn cách ly tập trung ở quận 1, 3, 5, 7 và Tân Bình. Kéo theo đó, công suất toàn thị trường trong quý II/2021 đạt 18%, tăng nhẹ 1% theo quý. Giá phòng cũng tăng trung bình 3%/quý, đạt 69USD/phòng/đêm.

Bà Võ Thị Khánh Trang, Phó giám đốc bộ phận Nghiên cứu, Savills Việt Nam cho hay: “Khảo sát của Savills dựa trên tình hình hoạt động các khách sạn còn mở cửa mà không bao gồm các khách sạn tạm dừng đón khách do không thể duy trì hoạt động dưới tác động của dịch Covid-19. Con số 18% hiện đã là mức công suất rất thấp so với trung bình 70% của thời kì trước khi dịch bùng phát trên phạm vi toàn thế giới.

Tại thời điểm khảo sát, đa phần lượng phòng đã được cho thuê đến từ nhu cầu cách ly nhập cảnh và cách ly phòng dịch, ngoài ra các dự án vẫn ghi nhận một lượng nhu cầu hạn hữu hơn đến từ các chuyên gia, khách đi công tác cần thiết phải lưu trú dài hạn tại TP.HCM”.

Nhiều khách sạn phía Nam phải đóng cửa bởi dịch bệnh. Ảnh minh hoạ
Nhiều khách sạn phía Nam phải đóng cửa bởi dịch bệnh. Ảnh minh hoạ

Kịch bản dự báo còn bỏ ngỏ

Theo Savills, dự báo, sau đại dịch của ngành khách sạn vẫn đầy hứa hẹn, với sự tham gia của các thương hiệu vận hành quốc tế nổi tiếng. Đến cuối năm 2023, TP.HCM sẽ có thêm 2.500 phòng khách sạn, 70% đến từ các thương hiệu tên tuổi như Fusion, Hilton và InterContinental.

Bà Trang nhận định thêm, dịch Covid-19 bắt đầu xâm nhập Việt Nam từ cuối 2019, cho đến nay biến động của ngành du lịch nói chung và ngành kinh doanh dịch vụ lưu trú nói riêng phụ thuộc hoàn toàn vào công tác kiểm soát dịch bệnh của Chính phủ. Minh chứng rõ, nhu cầu dịch chuyển và lưu trú của khách du lịch nội địa là rất lớn, có thể quan sát rất rõ ở các giai đoạn dịch bệnh được kiểm soát.

Bà Trang cho hay: “Hiện nay, Việt Nam đang trải qua đợt bùng phát dịch thứ 4, cũng là đợt bùng phát nghiêm trọng nhất với so ca nhiễm tăng nhanh và vẫn chưa có dấu hiệu chững lại. Do đó mọi dự báo về ngành du lịch trong năm 2021 vẫn còn phải bỏ ngõ khi các biện pháp hạn chế đi lại ngày càng bị thắt chặt. Kéo theo đó, thị trường khách sạn cũng sẽ phụ thuộc vào sự hồi phục của ngành du lịch”.

Trong trung và dài hạn, việc đẩy mạnh tiêm chủng vacxin đã được chính phủ nước ta cũng như các nước trên thế giới xác định là chiến lược chính yếu để kiểm soát đại dịch và là chìa khóa mở cửa biên giới toàn cầu. Đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều quốc gia bắt đầu thí điểm “hộ chiếu vacxin” và từng bước dỡ bỏ một số hạn chế trong cách ly phòng dịch.

Tuy nhiên, với tỷ lệ tiêm chủng trung bình trên thế giới còn ở mức thấp thì việc dựa vào “hộ chiếu vacxin” để vực dậy ngành du lịch chỉ là tiền đề hữu hạn. Việc phục hồi hoàn toàn của ngành du lịch, theo nhiều chuyên gia và tổ chức, chỉ có thể xảy ra khi toàn thế giới đạt được "miễn dịch cộng đồng", dự kiến nhanh nhất là vào năm 2023 khi ít nhất 70% dân số được tiêm chủng đầy đủ.

Tin Cùng Chuyên Mục