Ông chủ Thế giới Di động: Dù bị giảm lương nhưng nhân viên không hề buồn bực hay nói xấu công ty

(Doanhnhan.vn) – Ban lãnh đạo TGDĐ đã có một tháng đi làm không lương, nhằm giảm bớt chi phí bù đắp thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

 Trong tháng 4/2020, khi lệnh giãn cách xã hội đẩy TGDĐ vào thời kỳ kinh doanh khó khăn nhất trong hơn 10 năm, ban lãnh đạo tập đoàn này đã gửi thư thông báo điều chỉnh thu nhập đến gần 70.000 cán bộ nhân viên. Trong thư, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết đây là lần giảm lương thứ hai trong lịch sử của tập đoàn này, sau lần đầu vào năm 2008.

Chia sẻ trong buổi nói chuyện gần đây tại tạp chí Forbes Việt Nam, ông Tài tiết lộ việc giảm lương trên thực tế của nhân viên tập đoàn “không nhiều đến mức gây khó khăn cho các bạn nhân viên”, trên tinh thần ai có lương dưới 3 triệu thì được nhận thêm, ai trên thì bớt đi. Nhóm bị giảm thu nhập mạnh nhất là lãnh đạo cao cấp của tập đoàn khi “không lãnh lương, đi làm không công luôn”.

“TGDĐ đã xây dựng được giá trị yêu thương và niềm tin của đội ngũ rất lớn. Trong lúc công ty làm ăn tốt thì một ngày đẹp trời , điện thoại kêu tít tít, tài khoản có tiền chạy vào rào vào, chả cần hỏi lý do vì sao. Vậy nên, các bạn nhân viên rất tin là công ty này quan tâm đến mình, khi thuận lợi được hưởng lợi và khi khó khăn thì họ sẵn sàng đồng cam cộng khổ

Đó là lý do mà lúc giảm lương nhân viên rất có tinh thần, không có chuyện đình công, buồn bực hay nói xấu công ty. Chuyện giảm lương cũng chỉ diễn ra đúng 1 tháng thôi, tháng 5 vừa rồi thì nó cũng đã "lên đường" rồi".

Dù đứng trước thời khắc khó khăn do dịch bệnh, ông Nguyễn Đức Tài vẫn thừa nhận Thế giới Di động phiên bản 2020 đã may mắn hơn nhiều so với năm 2008 nhờ có chuỗi Bách Hoá Xanh. Lúc này, khi các cửa hàng Thế giới Di động hay Điện Máy Xanh đóng cửa, hàng nghìn nhân viên sẽ được chuyển dịch sang làm việc ở chuỗi Bách Hoá Xanh, tham gia đội ngũ giao hàng cho dịch vụ đi chợ thuê mà tập đoàn này vừa mở.

“Nếu không có chuỗi Bách Hoá Xanh thì chắc mấy nghìn nhân viên ở nhà đúng nghĩa luôn. Mô hình đi chợ thuê vào cuộc, mấy cậu thanh niên ngồi ở nhà và có cái app như Grab vậy đó, tự nhiên công việc phát sinh”.

Thế giới bất định, kinh doanh bền vững không dựa vào công nghệ cao hay vốn mạnh

Giữa những bất định về tương lai của kinh tế thế giới sau bài học với Covid-19, ông chủ TGDĐ cho rằng để tạo dựng kinh doanh bền vững, doanh nghiệp không phải dựa vào những thứ sách vở đang dạy, vào vốn vững mạnh hay công nghệ cao.

“Sau mười mấy năm bôn ba làm kinh doanh, theo cái nhìn nhận và trải nghiệm của tôi, muốn kinh doanh bền vững doanh nghiệp phải dựa vào chữ “Đức”. Tôi cho là cái gì mà nó thực thì nó sẽ tồn tại và phát triển, còn cái gì ảo ảo thì có thể hôm nay nó lên nhanh, nhưng rồi chắc nó cũng ra đi nhanh không kém.

Kinh doanh thật thì khách hàng biết, nhân viên biết, đối tác biết. Kinh doanh ảo, giành giật thì khách hàng, đối tác có thể biết nhưng họ sẽ không nói ra đâu, cho đến khi bạn gặp sự cố thì người ta sẽ dùng nó cười vào bạn. Thành ra, nhìn vào một doanh nghiệp để nói họ có bền vững hay không thì phải xét đến vào tính thật, cái đức trong kinh doanh”. 

Tin Cùng Chuyên Mục