Ông Chủ Vinamit và bài học để đời về bản quyền thương hiệu

Phong Vũ

Là thương hiệu của mình xây dựng, phát triển và phân phối, nhưng phải mất 4 năm theo đuổi kiện tụng, ông chủ Công ty CP Vinamit mới “đòi lại” tên thương hiệu tại thị trường tỷ dân Trung Quốc.

Hành trình khởi nghiệp

Vào những ngày đầu lập nghiệp, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Vinamit cũng từng trải qua quãng thời gian vất vả tìm tòi học tập tại một công ty nông trường ở Đồng Nai.

Với khả năng của mình cùng nhiệt huyết tuổi trẻ, ông được cơ quan tin tưởng, cho phụ trách công tác xuất khẩu các loại cây gỗ. Cũng từ đó, doanh nhân này được tiếp xúc với nhiều người ở công ty Napolimex, đồng thời có cơ hội rời nông trường về Sài Gòn, tiếp cận lĩnh vực mây tre lá.

Cũng từ việc tiếp cận với lĩnh vực này và tìm tòi các sản phẩm xuất khẩu, ông Viên đã tiếp cận được các thị trường lớn ở nước ngoài như Hongkong, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan… Kể từ đó, con đường lập nghiệp của vị doanh nhân này như mở ra một chân trời mới.

Ông Nguyễn Lâm Viên – CEO Vinamit
Ông Nguyễn Lâm Viên – CEO Vinamit

Quay trở lại với Vinamit, được thành lập vào năm 1988 từ ý tưởng phát triển “nghề cũ” của ông Viên đó là nghiên cứu chế biến sau thu hoạch cho lĩnh vực nông nghiệp.

 “Nông nghiệp mới thực sự là của Việt Nam mình, sản phẩm nông nghiệp sẽ không bao giờ cạn... Khi đó chưa có khái niệm chế biến sau thu hoạch. Tôi chỉ nghĩ đến cách làm sản phẩm gì từ nông nghiệp để người dân không phải đem trái cây trồng xong đi đổ, cho bò ăn…” ông Viên chia sẻ.

Nghĩ là làm, ông Viên đã đi tìm các nông sản được sản xuất tự nhiên để chế biến xuất khẩu vì cho rằng đó là những thực phẩm tốt cho sức khỏe người sử dụng. Thời điểm đó, với việc học tập về công nghệ sấy khô trái cây trong điều kiện chân không, ông Viên đã chọn trái mít làm xuất phát điểm vì có thể nhập nguyên liệu quanh năm. Và từ đó, câu chuyện về mít sấy đã bắt đầu.

Bài học về thương hiệu

Sau khi thành công với sản phẩm mít sấy ở trong nước, ông Viên bắt đầu tiến vào thị trường tỷ dân – Trung Quốc. Cũng từ lần tiến ra thế giới này, vị doanh nhân này đã học được một bài học đắt giá về bản quyền thương hiệu.

Trong một bài phỏng vấn trước đây, doanh nhân Nguyễn Lâm Viên cũng từng kể lại câu chuyện này như một kinh nghiệm để đời cho thế hệ sau. Đó là khi công ty của ông nhận được thông báo phải gỡ bỏ sản phẩm từ phía đối tác là các hệ thống siêu thị.

Sau khi tìm hiểu, ông được biết sản phẩm mít sấy khô với thương hiệu Đức Thành (thương hiệu của Vinamit từ ngày đầu thành lập) được đưa sang Trung Quốc năm 1997 đã bị kiện về vấn đề bản quyền.

Dù đã đăng ký bảo hộ bản quyền, nhưng do không nắm rõ luật pháp của Trung Quốc là phải đăng ký tên bàn địa kèm thương hiệu gốc mới được bảo hộ đầy đủ. Do đó, sau khi một đối tác của Vinamit bí mật đi đăng ký độc quyền thương hiệu độc quyền của Đức Thành đúng quy định, ông Viên phải đối mặt với việc bị mất thương hiệu đã tốn công gây dựng nhiều năm. Chưa kể, doanh nhân này còn có nguy cơ đối mặt với án tù vì tội làm giả thương hiệu.

Ông Chủ Vinamit và bài học để đời về bản quyền thương hiệu - Ảnh 1

Sau khi tìm hiểu kĩ lại luật pháp của nước bạn, ông Viên bắt đầu tìm kiếm bằng chứng để lấy lại thương hiệu và cũng tránh được các vấn đề pháp lý khác. Ông này lý giải, theo luật Trung Quốc, nếu chứng minh được việc ăn cắp do một sự thân quen, một mối quan hệ mà người ta biết rằng có lợi trong tương lai thì Vinamit có thể sẽ thắng.

“Tôi đưa ra được nhiều bằng chứng, trong đó, bằng chứng quan trọng nhất là người đó là anh ruột của một khách hàng thân thiết. Khách hàng đó từng có hợp đồng làm nhà phân phối của tôi. Tuy nhiên nghe thì dễ, nhưng chứng minh hai người này là anh em ruột, rồi chứng minh tôi và người đó có hợp đồng với nhau bằng các chứng từ là cả quá trình. Cuối cùng, phải rất cảm ơn nhóm luật sư tại Bắc Kinh và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã hỗ trợ ”, ông Viên kể lại trên 5W1H Podcast.

Sau 4 năm kể từ khi vụ kiện xảy ra, cuối năm 2013, trải qua 3 phiên tòa, toà án thương mại tại Bắc Kinh ra phán quyết chính thức thừa nhận Vinamit là chủ sở hữu hợp pháp của thương hiệu Đức Thành. Cũng từ vụ việc này, ông Viên đã đưa ra lời khuyên cho những người đi sau rằng đừng nên xem nhẹ việc đăng ký bản quyền thương hiệu, dù là thương hiệu nhánh, vì chi phí ban đầu sẽ thấp hơn quá trình đòi lại thương hiệu rất nhiều.

Hết lòng vì thực phẩm sạch

Để có một Vinamit như ngày hôm nay, ngay từ khi mới thành lập, ông Viên đã luôn định hướng phát triển một cách khắt khe nhất với chất lượng sản phẩm. Vị doanh nhân này đã tự đi tìm các vùng nông sản được sản xuất tự nhiên để chế biến xuất khẩu vì cho rằng đó là những thực phẩm tốt cho sức khỏe người sử dụng.

Những chuyến đi như thế đã giúp ông nhận thấy rằng ở nhiều địa phương, nông dân vẫn giữ phương thức sản xuất theo kiểu tự nhiên với nhiều loại cây trồng trên quy mô lớn, không sử dụng phân bón, thuốc BVTV hóa chất.

CEO Nguyễn Lâm Viên nhận chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ
CEO Nguyễn Lâm Viên nhận chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Chẳng hạn, ở U Minh Thượng và U Minh Hạ (Cà Mau), có một cánh rừng chuối xiêm ước rộng 6.000-10.000 ha. Chuối ở đây được trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng hóa chất. Không chỉ thu mua sản phẩm, tại những vùng còn sản xuất tự nhiên như thế, từ năm 2003 đến nay, ông Viên đã tổ chức liên kết với nông dân hình thành nên những vùng nguyên liệu lớn, như vùng trồng chuối ở Cà Mau và Tuyên Quang, vùng trồng mít ở Đăk Lăk, Đăk Nông và Tây Ninh, vùng trồng khoai lang ở Đăk Nông …

Nhờ liên kết với nông dân, tổng diện tích vùng nguyên liệu của Vinamit đã lên tới gần 20.000 ha. Tất cả đều được sản xuất theo kiểu tự nhiên, hữu cơ, không sử dụng hóa chất.

Có thể nói, để hữu cơ hóa hoàn toàn là một con đường chông gai và Vinamit đã 2 lần phải trả giá đắt do những sơ suất khiến không thể khống chế được sự phát triển của vi khuẩn làm hàng hóa bị hư hỏng. Lần đầu tiên đó là vào năm 1996 với thiệt hại 500.000 USD. Lần thứ 2 là năm 2010 với thiệt hại tới gần 150 tỷ đồng. Tuy vậy, Vinamit vẫn tiếp tục kiên trì đi theo con đường này và nhờ đó đã đưa được sản phẩm vào nhiều thị trường khó tính.

Kiên trì đi theo hướng hữu cơ, ông Viên đã trở thành một doanh nhân có niềm đam mê đặc biệt và rất am tường nông nghiệp hữu cơ. Ông có thể nói vanh vách hàng giờ về việc phải chọn đất như thế nào, xử lý đất ra sao, cách nào để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả nhất mà không phải dùng tới thuốc hóa học …

Trong khâu chế biến thực phẩm, Vinamit từ lâu cũng đã đi theo hướng không sử dụng chất bảo quản để đảm bảo cho các sản phẩm của mình vẫn hoàn toàn hữu cơ. Có thể nói đây là một con đường chông gai và Vinamit đã 2 lần phải trả giá đắt do những sơ suất khiến không thể khống chế được sự phát triển của vi khuẩn làm hàng hóa bị hư hỏng.

Lần trả giá đầu tiên là năm 1996 với thiệt hại 500.000 USD. Lần thứ 2 là năm 2010 với thiệt hại tới gần 150 tỷ đồng. Tuy vậy, Vinamit vẫn tiếp tục kiên trì đi theo con đường này và nhờ đó đã đưa được sản phẩm vào nhiều thị trường khó tính.

Kiên trì với định hướng đó, Vinamit đã đầu tư nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ như hệ thống máy ly tâm chuyền, tách nước, hệ thống máy sấy lạnh, ứng dụng công nghệ kỹ thuật từ điện khí lạnh đến điện toán… để có thể giữ được sự sống còn nguyên vẹn các vitamin, vi lượng trong sản phẩm giúp cho nông sản sau sơ chế vẫn như mới hái từ vườn trồng.

Ngoài ra, công ty cũng sở hữu nhiều bằng độc quyền sáng chế được ở cấp ở Mỹ như “Phương pháp đông khô chân không dòng đối lưu hoàn toàn tự động”; “Thiết bị làm khô đông lạnh đối lưu và phương pháp vận hành giống nhau”; “Bột nước ép trái cây cô đặc và phương pháp chuẩn bị giống nhau bằng cách sử dụng máy ép trái cây trục vít phi tuyến tính và thiết bị đông khô dòng đối lưu”; “Bột nước mía cô đặc và phương pháp chuẩn bị giống nhau bằng  thiết bị đông khô dòng đối lưu”…

Với quan điểm hữu cơ là con đường tốt nhất để phát triển nông nghiệp Việt Nam, ông Viên luôn mong muốn lôi kéo thêm nhiều người tham gia vào làm nông nghiệp hữu cơ, nhất là thế hệ trẻ tuổi đầy năng động và hoài bão.

Tin Cùng Chuyên Mục