Ông Nguyễn Đức Tài đã từng "đốt" bao nhiêu tiền khi khởi nghiệp cùng Thế giới Di động?

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - "Đó là 6 tháng rất mệt mỏi, bởi tiền ra đến đâu thì mất đến đó. Bỏ 1 tỷ đầu tiên ra, đốt sạch trong 1 tháng, 2 tháng; bỏ thêm 1 tỷ nữa ra thì cũng chuẩn bị đốt sạch luôn", ông chia sẻ về những ngày đầu khởi nghiệp cùng Thế giới Di động.

Tháng 3/2019, ông Nguyễn Đức Tài chính thức từ nhiệm vị trí Tổng Giám đốc Thế giới Di động. Đây là một động thái chuẩn bị cho công cuộc chuyển giao thế hệ, mà như chính ông Tài chia sẻ, nó đã được "chuẩn bị xong xuôi, có lộ trình, hoàn tất đâu đó rồi, đại hội cổ đông hàng năm đến thì làm cái thông báo".

Dù mang chức danh Tổng Giám đốc hay không, vị thế của ông Nguyễn Đức Tài từ lâu đã được khẳng định trên bản đồ doanh nhân Việt. Để có được một cơ ngơi hơn 1900 cửa hàng trên toàn quốc, ông Tài và các cộng sự từng phải nếm trải nhiều khó khăn, thử thách, có lúc tưởng như phải dừng lại vì cạn kiệt nguồn vốn.

Năm 2003, đang làm giám đốc chiến lược tại một doanh nghiệp điện thoại, ông Tài bỏ việc và ra ngoài mở công ty riêng. Nhưng vận may đã không mỉm cười. Ông nhanh chóng nhận thất bại sau vài tháng. Một cái kết buồn được lý giải bởi ba cửa hàng nhỏ tại TPHCM có địa điểm quá xấu, không thể chiếm được lòng tin từ khách hàng.

Ông Nguyễn Đức Tài đã từng

 

"Chúng tôi mất 1 năm để tìm kiếm ra mô hình kinh doanh chuỗi bán lẻ, nên thực hiện trong tâm thế tìm ra cái tạo nên giá trị cho một cộng đồng mà mình không ghét, tránh việc chỉ bám theo cái mình cho là đam mêm, hoặc thấy nó oai".

Không nản chí, ông và cộng sự tiếp tục chuẩn bị những thứ cần thiết cho việc thử sức lại lần thứ hai. Lúc này, mục tiêu của vị doanh nhân này là chọn được những người tử tế có năng lực trung bình, tin và sẵn sàng đi theo leader thay vì săn người "có số má" nhưng thiếu tử tế.

"Đến năm 2004, anh thử thêm một lần nữa khi sáng lập Thế giới Di động cùng 4 người bạn. Lần này, cửa hàng được mở tại các phố lớn và bán các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng".

6 tháng còn lại của năm 2004 được xem là giai đoạn sống còn của công ty này, với mục tiêu duy nhất là tạo ra được ít nhất 1 đồng lợi nhuận. Đây cũng là thời kỳ R&D, doanh nghiệp liên tục thử sai và làm lại, tập trung vào lợi nhuận tức thì. Đây cũng là gia đoạn dễ bị thu hút bởi những thứ thời thượng , không mang lại kết quả ngay.

"Đó là 6 tháng rất mệt mỏi, bởi tiền ra đến đâu thì mất đến đó. Bỏ 1 tỷ đầu tiên ra, đốt sạch trong 1 tháng, 2 tháng; bỏ thêm 1 tỷ nữa ra thì cũng chuẩn bị đốt sạch luôn", ông chia sẻ.

Từ tháng 12/2004 đến tháng 6/2007, Thế giới Di động tập trung tăng doanh thu và lợi nhuận, tránh chiếc bẫy về lợi nhuận ngắn hạn mà đi lệch khỏi tầm nhìn. Khoảng 3 năm này MWG phát triển rất nhanh, một phần vì quy mô còn nhỏ. Sau đó, vào giai đoạn chuyển mình từ doanh nghiệp nhỏ thành doanh nghiệp lớn, Thế giới Di động tập trung xây dựng hệ thống quản trị, đội ngũ, với những vũ khí sắc bén và chiến binh máu lửa.

"Bây giờ, công ty này tập trung tìm kiếm những điều mới, mở rộng các chuỗi mới, đặt niềm tin vào đội ngũ F2 và tránh tư duy 'không thầy đố mày làm nên'.Còn nó đã bước vào giai đoạn bão hòa hay suy vong  hay không thì đứng đây nói hơi sớm, nhưng mình ý thức được thách thức mà giai đoạn này đang đặt ra", ông Tài cho hay.

Theo người đứng đầu Thế giới Di động, giống như nhiều start-up khác, công ty này cũng từng có thời rủng rỉnh được chút tiền thì bắt đầu "múa máy, đầu tư tầm bậy, chưa đi đến đâu rồi cũng bày đặt mua xe pháo…". Dẫu vậy, những người đứng đầu MWG vẫn giữ được mục tiêu của mình và nhanh chóng tập trung vào việc mở rộng thị trường, tăng trưởng, đặt khách hàng lên số 1.

"Thực ra cái trụ sở của TGDĐ mới khai trương tháng 12/2018 thôi, sau khi TGDĐ lên sàn và được định giá 1,5 tỷ đô thì mới được xây, còn trước đó toàn thuê thôi, thuê ở những chỗ rất là bình thường, Còn nếu ngày đầu tiên đã xây thì chắc hết tiền để kinh doanh luôn", người đứng đầu công ty bán lẻ số 1 Việt Nam cười nói.

Tin Cùng Chuyên Mục