Ông Nguyễn Duy Hưng: "Để có thể tăng lương, giảm giờ làm thì chính sách trước hết phải nhắm tới tăng cường hiệu quả cho doanh nghiệp"

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Dưới góc nhìn của một chủ doanh nghiệp, ông Hưng nhấn mạnh việc tăng hay giảm giờ làm của người lao động không thể tùy tiện quyết định, mà phải đảm bảo tương xứng với "hiệu quả doanh nghiệp".

Sau nhiều lần tranh luận, việc góp ý sửa đổi vào dự thảo Bộ luật Lao động hiện vẫn là chủ đề "nóng" trong Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV. 

Cụ thể, các Đại biểu Quốc hội đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề giờ làm việc của người lao động: nên giảm xuống 44 giờ/tuần (nay là 48 giờ) hay nâng khung giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ/năm theo đề xuất của Chính phủ.

Bên ngoài nghị trường, vấn đề này cũng thu hút nhiều bình luận của các doanh nhân, chủ doanh nghiệp. Mới đây, ông Nguyễn Duy Hưng - Chủ tịch Công ty Chứng khoán SSI, đã đưa ra quan điểm trên trang Facebook cá nhân.

Ông Nguyễn Duy Hưng:

 

Dưới góc nhìn của một chủ doanh nghiệp, ông Hưng nhấn mạnh việc tăng hay giảm giờ làm của người lao động không thể tuỳ tiện quyết định, mà phải đảm bảo tương xứng với "hiệu quả doanh nghiệp":

Lương của người lao động do doanh nghiệp sử dụng lao động trả được trích từ thu nhập thông qua sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ấy. Vậy muốn tăng thu nhập cho người lao động hay giảm giờ làm thì phải đồng nghĩa với việc làm sao để tăng hiệu quả cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần được nhìn nhận như một công cụ tạo ra giá trị cho xã hội và tất cả các thành tố gắn vào đều được hưởng lợi. Ngân sách hưởng lợi qua thu thuế, cổ đông hưởng lợi qua việc dùng lợi nhuận chia cổ tức cũng như tăng giá trị cổ phiếu nắm giữ, người lao động hưởng lợi thông qua lương được trả cũng như chính sách phúc lợi khác... Và những điều này đều phụ thuộc vào hiệu quả của doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Duy Hưng:

 

Đề xuất "tăng lương, giảm giờ" nhận được sự ủng hộ của nhiều ĐBQH. Nhưng theo ông Hưng, nếu không có những bước đi đúng đắn, đề xuất này có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí "phá sản":

Hiệu quả của doanh nghiệp không phải tự nhiên trên trời rơi xuống mà phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nhưng có 2 yếu tố quan trọng nhất liên quan đến những tranh luận trên nghị trường Quốc hội, đó là các chính sách của nhà nước, cũng như hiệu suất của người lao động.

Cho nên để có thể tăng lương, giảm giờ làm thì chính sách trước hết phải nhắm tới tăng cường hiệu quả cho doanh nghiệp. Nếu không sẽ khó đạt được mục tiêu vì hoàn toàn có thể dẫn tới khả năng doanh nghiệp gặp khó khăn, thậm chí phá sản. Lúc ấy người lao động mất việc sẽ “không phải” đi làm nữa chứ cần gì giảm giờ làm.

Ông Nguyễn Duy Hưng kết luận:

Đúng là chúng ta cần phải có chiến lược tổng thể nhắm tới phát triển bền vững, lấy công bằng xã hội và giảm khoảng cách giàu nghèo làm mục tiêu hành động. Nhưng tất cả phải dựa trên cơ sở triết học thì mới khả thi, còn nếu không sẽ lại luẩn quẩn quanh câu chuyện muôn thủa “Con gà và quả trứng cái gì có trước?”

Trước đó, ông Đỗ Cao Bảo - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, cũng bày tỏ sự không đồng tình với việc "tăng lương, giảm giờ làm". Lấy dẫn chứng các nước phát triển như Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, ông Bảo thẳng thắn: "Đất nước chúng ta đang nghèo hơn Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore rất nhiều, con người không thông minh hơn họ, bước vào kinh tế thị trường sau họ, năng lực cạnh tranh quốc gia thua xa họ, thế mà số giờ làm thêm mới chỉ bằng 25% đến 55% của họ, nay muốn nâng lên có 35% đến 80% của họ thôi mà đã không thể nâng nổi."

Tin Cùng Chuyên Mục