Ông Nguyễn Hồng Lam: “Bảo vệ thương hiệu Việt: Phải tạo ra văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ!”

Đoan Trang

Cũng như các doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính khác, Ô mai Hồng Lam – một thương hiệu thuần Việt không ít lần bị các bạn hàng “copy trái phép” thương hiệu. Để tự bảo vệ mình, Hồng Lam đã đưa ra rất nhiều phương thức hiệu quả...

Giải pháp mấu chốt mà doanh nhân Nguyễn Hồng Lam – Giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Lam cho rằng cần phải có để giải trừ vấn nạn trên là: “Phải tạo ra văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ!”

Ông Nguyễn Hồng Lam: “Bảo vệ thương hiệu Việt: Phải tạo ra văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ!” - Ảnh 1

 Ông Nguyễn Hồng Lam - Giám đốc Công ty Cổ phần Hồng Lam

 
Hệ thống bảo hộ sản phẩm trí tuệ cũng phải được nâng cao và có chế tài xử lý các đơn vị vi phạm một cách nghiêm minh. Đặc biệt, phải tạo ra  văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ thì mới có thể giải quyết triệt để bài toán nan giải này!

Theo tôi được biết ông đã học chuyên ngành điện ảnh ở nước ngoài và từng làm việc trong môi trường phim ảnh, vậy mối duyên nào đã đưa đẩy ông đến với con đường kinh doanh?

Tôi đến với nghề kinh doanh ô mai cũng từ một chữ Duyên. Ban đầu, tôi được đào tạo chuyên ngành điện ảnh bên Nga, sau đó tham gia hoạt động trong quân đội. Năm 1992, tôi chuyển sang buôn  bán hoa quả khô nhưng vì có niềm đam mê với ô mai, tôi quyết định chuyển sang học chế biến sản phẩm này.

Tôi học các bà, các mẹ nội trợ, đặc biệt là học hỏi kinh nghiệm từ những người bạn xuất thân từ gia đình tôn nữ làm ô mai trong cung đình Huế. Vừa học, tôi vừa nghiên cứu, sáng tạo ra những loại ô mai mới. Nước mình có khí hậu nhiệt đới, hoa quả dồi dào, đây cũng là một lợi thế để phát triển ngành chế biến hoa quả khô. Càng theo đuổi, tôi càng tìm thấy đam mê và muốn gắn bó với công việc này!

Từ hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh rẽ ngang sang kinh doanh, con đường ấy chắc hẳn rất gập ghềnh, trắc trở… Những gian nan, vất vả ấy đã mang đến cho ông sự trải nghiệm, bài học kinh nghiệm gì?

Cũng như tất cả các startup trẻ hiện nay, khi nhập môn với nghề, tôi đã vấp phải rất nhiều khó khăn, thử thách: Thứ nhất, ô mai là một sản phẩm cổ truyền, công thức chế biến được giữ bí mật hoàn toàn, thường được “cha truyền con nối”. Gia đình tôi không có truyền thống làm ô mai, vì vậy khi mới bước vào nghề tôi phải tự học từ những bài học đầu tiên.

Thứ hai, ô mai sản xuất chủ yếu theo hộ gia đình, cách chế biến trước đây hoàn toàn mang tính thủ công, chưa có máy móc, công nghệ dành riêng cho sản phẩm đặc biệt này. Hầu hết máy móc hiện tại ở Hồng Lam đều là thành quả của quá trình tự nghiên cứu và sáng tạo.

Thứ  ba, các sản phẩm nông sản khác biệt rất lớn và có tính mùa vụ tập trung rất cao, tạo nên sức ép về cơ sở hạ tầng của công ty. Do đó, chúng tôi đã phải nỗ lực rất nhiều để nghiên cứu giải quyết bài toán trên.

Thứ tư, sản phẩm của chúng tôi chủ yếu là những sản phẩm đồi rừng nên chất lượng đầu vào rất khác nhau, sản lượng bấp bênh do ảnh hưởng của khí hậu. Trong khi đó, Hồng Lam phải đảm bảo đầu ra với chất lượng ổn định và sản lượng ngày càng lớn. Ngoài ra, thị phần cho ngành kinh doanh ô mai còn rất nhỏ, vì vậy Hồng Lam phải cân bằng giữa nhu cầu thị trường và tổ chức sản xuất công nghiệp.

Từ khi khởi nghiệp cho đến nay, tôi  luôn phải giải quyết những bài toán vô cùng phức tạp. Nhưng chính những khó khăn ấy đã giúp doanh nghiệp (DN) đứng vững trong suốt 22 năm qua. Châm ngôn mà tôi luôn tâm niệm, đeo đuổi và hoàn thiện mình là: “Theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”. Có lẽ, đó cũng chính là điều quan trọng dẫn lối đến thành công ngày hôm nay của Hồng Lam.

Sau vất vả, khó nhọc sẽ là những kết quả, thành công và trái ngọt. Xin ông hãy chia sẻ về những kết quả, thành công đó?

Như tôi đã nói, ban đầu tôi chỉ dừng lại ở việc đi buôn sản phẩm, sau đó tôi quyết định thử tiếp cận với nghề từ cuốn nữ công gia chánh, chế biến thử sản phẩm và đưa ra thị trường. Chính khách hàng là những người đóng góp lớn nhất giúp sản phẩm Hồng Lam ngày càng hoàn thiện hơn. Sau 3 năm với hàng trăm lần nấu ô mai thất bại, tôi đã có thể sản xuất ra sản phẩm cơ bản được thị trường chấp nhận.

Ông Nguyễn Hồng Lam: “Bảo vệ thương hiệu Việt: Phải tạo ra văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ!” - Ảnh 2

 

Mỗi năm, Hồng Lam có hơn 4 triệu lượt khách ghé thăm, ô mai Hồng Lam trở thành một trong những thương hiệu đi đầu về ngành chế biến hoa quả sau thu hoạch ở Việt Nam. Đối với tôi, thành công lớn nhất chính là tình cảm của khách hàng dành cho thương hiệu trong suốt 22 năm qua.

Mỗi ngày, tôi đều nhận được những cuộc gọi, hay email của khách hàng gửi đến, bày tỏ tình cảm với Hồng Lam. Nhiều khách hàng phương xa, là kiều bào nước ngoài, họ mong mỏi hương vị quê nhà qua những gói quà ô mai... đối với tôi, đây là thành quả lớn nhất và cũng đáng tự hào nhất!

Hiện nay các thương hiệu Việt đang bị vi phạm một cách tràn lan và trắng trợn. Theo ông, đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này?

Nguyên nhân đầu tiên dẫn đến tình trạng này là do DN không đăng ký bản quyền kịp thời nên họ chắc chắn sẽ bị tấn công. Đến ngay các sản phẩm của Hồng Lam, dù tuân thủ nghiêm ngặt việc đăng ký thương hiệu nhưng vẫn bị DN khác copy. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan là yếu tố khách quan.

Hiện tại, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ của chúng ta vẫn chưa chắc chắn để bảo vệ DN. Ngoài ra, văn hóa tư duy, sáng tạo của chúng ta vẫn chưa cao nên tình trạng “ăn cắp” ý tưởng, vi phạm bản quyền thương hiệu, hình ảnh… mới có đất sống.

Tình trạng vi phạm bản quyền thương hiệu không chỉ làm ảnh hưởng tới hình ảnh, uy tín của các DN làm ăn chân chính mà còn dẫn đến những hậu quả khó lường khác. Nếu DN của ông bị “ăn cắp” thương hiệu, ông sẽ làm gì để bảo vệ và gìn giữ hình ảnh của công ty? Đâu là giải pháp hữu hiệu để phòng và chống “căn bệnh” trầm kha này, thưa ông?

Thực tế, công ty tôi bị rất nhiều DN khác, trong đó có những tập đoàn rất lớn nhái thương hiệu, hình ảnh, kiểu dáng công nghiệp… Trong trường hợp phát hiện sai phạm, Hồng Lam thường cử nhân viên gián tiếp hoặc trực tiếp nhắc nhở đối tác, đề nghị họ rút hình ảnh sản phẩm vi phạm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng thường xuyên thay đổi mẫu mã sản phẩm (bao bì, nhãn mác…), vừa làm mới sản phẩm của mình để tránh tình trạng bị vi phạm bản quyền. Cùng với đó, Hồng Lam còn bảo vệ mình bằng cách cập nhật, áp dụng các phần mềm hỗ trợ khách hàng phát hiện sản phẩm thật - giả (QR Code, Vn check…).

Để phòng chống “căn bệnh” này, theo tôi việc đầu tiên các DN cần làm là phải tuân thủ quy định của pháp luật trong việc đăng ký bản quyền nhãn hiệu, hình ảnh, kiểu dáng công nghiệp… Bên cạnh đó, hệ thống bảo hộ sản phẩm trí tuệ cũng được nâng cao và có chế tài xử lý các đơn vị vi phạm một cách nghiêm minh. Đặc biệt, phải tạo ra văn hóa tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ thì mới có thể giải quyết triệt để bài toán nan giải này.

Xin cám ơn ông!

Tin Cùng Chuyên Mục