Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 1

Lời tòa soạn: 28/7/2000 - thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầu tiên với chỉ vỏn vẹn 2 cổ phiếu, khớp lệnh 1 lần/ngày, 3 ngày 1 tuần. Hai mươi năm qua là chặng đường dài với thị trường chứng khoán của một quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Không khó để nhìn ra những kết quả đạt được của thị trường chứng khoán khi thể hiện rõ vai trò là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế, theo nhiều góc độ về định lượng như quy mô vốn hóa, cơ sở nhà đầu tư, số lượng sản phẩm, giá trị giao dịch hàng ngày… hay định tính như tính chuyên nghiệp của các thành viên….

Người Đồng Hành thu thập các số liệu, viết lại các câu chuyện được chia sẻ từ những nhà đầu tư cá nhân, những người làm công tác quản lý, lãnh đạo các công ty chứng khoán với hy vọng mang lại cho độc giả và nhà đầu tư những câu chuyện thú vị của một chặng đường dài đã qua.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng, đồng thời là một nhà đầu tư cá nhân đã gắn bó với thị trường chứng khoán ngay từ những ngày đầu tiên. 

Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 2

- Những ngày đầu tiên đầu tư chứng khoán, với ông, là như thế nào?

- Tôi vẫn nhớ cho đến tận bây giờ là sự hào hứng. Lần đầu tiên tôi biết đến thị trường chứng khoán (TTCK) là năm 1993, tìm tòi đọc sách dịch tiếng Việt, coi phim Hong Kong thấy doanh nghiệp thâu tóm, sáp nhập… Tôi thấy hay hay nên nghiên cứu, xem chứng khoán là gì mà người ta có thể giàu lên nhanh chóng rồi cũng vì đó mà có thể thù hằn, ghét bỏ nhau.

Tới năm 1998 – 1999, khi đọc tờ báo chứng khoán đầu tiên được phát hành tại Việt Nam, tôi có cơ hội tìm hiểu kỹ hơn. Khi đó, tôi là sinh viên trường Công nghệ thông tin, học chuyên ngành kỹ sư mạng máy tính nhưng cầm báo chứng khoán, nói chuyện về chứng khoán khiến nhiều bạn ngưỡng mộ lắm. Năm 2000, khi biết phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán Việt Nam, tôi còn mất ngủ.

Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 3

Sáng sớm 28/7, tôi phi xe lên sàn giao dịch ở Nguyễn Công Trứ, hồi hộp hơn cả lần đầu gặp người yêu (cười). Nhưng cảm giác hồi hộp chỉ xuất hiện vào ngày hôm đó. Tôi phát hiện ra rằng nhiều người không có kiến thức về chứng khoán và tôi dần trở nên tự tin hơn.

Lên sàn, tôi quen một chị là cổ đông của 2 mã chứng khoán đầu tiên REE và SAM. Chị ấy cảm thấy băn khoăn vì trước có sổ cổ đông, được cầm nắm trên tay, giờ niêm yết sàn chứng khoán thì không biết tài sản đi về đâu. Chị sợ mất, chạy lên sàn canh “như canh con gái mới lớn lần đầu hẹn hò bạn trai”. Cổ phiếu của chị khi ấy ngày ngày đều tăng trần, tiền vô ào ào, chị không ngờ có thể kiếm tiền nhanh như thế.

- Ông đọc về chứng khoán vì thích hay vì cảm thấy sẽ nhanh giàu?

- Mình thích thôi! Hồi đó thấy mua mua bán bán, thông qua chứng khoán người ta làm giàu được, thâu tóm doanh nghiệp, điều khiển được chiến lược của công ty hay nhìn mấy ông chủ tịch cũng oách.

- Ông chọn mua cổ phiếu nào những ngày đầu tiên ấy?

Khi ấy tôi là sinh viên năm cuối, lại là sinh viên nghèo nên không có tiền mua. Hơn nữa thời điểm đó, không ai bán cả, chỉ giữ thôi vì ngày nào cũng tăng trần, dư mua khủng khiếp. Khi tôi gặp chỉ bảo chị kia mấy ngày, giải thích khái niệm niêm yết rồi cách giao dịch nên chị em cũng thân. Thấy tôi sinh viên nghèo nên chị tặng cho một lô 10 cổ phiếu mệnh giá 100.000 đồng “để chị em mình đầu tư chung có nhau cho vui”. Mình trở thành nhà đầu tư bất đắc dĩ thông qua việc cho tặng đó. 

Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 4

- Ông làm gì với lô cổ phiếu được tặng đó?

- Lô cổ phiếu vẫn mang tên chị ấy, khi nào bán sẽ gửi lại cho tôi. Tôi nhớ lô cổ phiếu tăng ầm ầm từ năm 2000 qua tháng 5/2001 lên cả triệu đồng. Tuy nhiên một lần lên sàn, tôi thấy chị ấy ôm bảng điện khóc. Hỏi ra mới biết, chị đã bán cổ phiếu và không ngờ kiếm được số tiền lớn quá sức tưởng tượng. Nhưng chị khóc vì lỡ bán mất mà giá nó lại lên điên cuồng. 

Tuy nhiên, thấy giá cổ phiếu lên quá, chị ấy lại vào mua đúng cổ phiếu đã bán ở đỉnh và điều gì đến cũng phải đến. Từ tháng 6/2001, cổ phiếu tụt dốc không phanh, thấp hơn cả khi bắt đầu. Vì vậy, chị ấy từ bỏ và tôi cũng không còn lô cổ phiếu ban đầu đó nữa. Nên tôi mới nói, một trong những điều tôi thấy trên thị trường là sự cô đơn, không gặp người quen vì đa số họ đã “chết”.

- Thời điểm nào ông tự mua cổ phiếu?

- Tháng 6/2001, TTCK bắt đầu rớt cho tới năm 2003. Cuối năm 2003 đầu năm 2004, TTCK bắt đầu tăng trở lại. Tới năm 2004, tôi chính thức quay lại tham gia thị trường, mua cổ phiếu HAP của Tập đoàn Hapaco. Thời gian này, tôi hàng ngày làm công nghệ thông tin, tối nghiên cứu chứng khoán. Nhưng có lúc trong giờ làm, tôi cũng lên sàn ngồi.

Tới giai đoạn 2006 – 2008, người người chơi chứng khoán, nhà nhà chơi chứng khoán. Thậm chí, tôi gặp ông sếp có nhân viên chơi chứng khoán trong giờ làm việc, nhắc nhở mà người nhân viên đó nộp đơn nghỉ việc, tuyên bố rằng trong một ngày có thể kiếm được số tiền gấp nhiều lần lương. Người ta kiếm tiền bằng cách cứ mua là lời, không phân tích gì hết. Vấn đề là làm sao mua được cổ phiếu? Vì thế, môi giới chứng khoán thời điểm đó rất “hot”.

- Còn ông, vì sao từ một người làm công nghệ thông tin lại đi đầu tư chứng khoán? Thời điểm chuyển việc khi nào? 

- Thật ra tôi vẫn làm song song cả 2. Ngoài việc kỹ sư công nghệ thông tin, tôi đầu tư cho cá nhân mình hoặc nhận của người thân, cũng như tư vấn đầu tư cho nhiều bạn bè.

- Các vị trí công việc ông làm khi chuyển qua lĩnh vực chứng khoán là gì?

- Đầu tiên tôi làm công nghệ thông tin và một vài vị trí khác cho cơ quan Nhà nước, cơ quan của Chính phủ. Sau đó, tôi làm chuyên viên chuyên trách danh mục đầu tư tài chính, đầu tư dự án rồi lãnh đạo bộ phận đầu tư của một số định chế tài chính như ngân hàng. Song song đó, tôi còn làm tư vấn cấu trúc cho doanh nghiệp, tham gia thành viên HĐQT của một số công ty cũng như tổ chức, hiệp hội…

- Vậy thời điểm nào ông đầu tư lời nhất?

Dĩ nhiên là khoảng 2006 – 2008, khi thị trường có thể giao dịch 2 hướng: sáng mua bán qua sàn, chiều kiếm hàng từ cổ phiếu OTC. Tôi nhớ có cổ phiếu ngân hàng trong vài tháng mà giá gấp hơn chục lần, mà chỉ là giao dịch bằng miệng. 

Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 5

- Ông làm gì với tiền lời?

Tôi không tận hưởng được cảm giác chiến thắng trong bao lâu. Bạn sẽ rất khó để thấy nhà đầu tư nào mang được tiền ra khỏi thị trường.

- Ông có thể nói rõ hơn vì sao không mang được tiền ra khỏi thị trường?

Vì lòng tham nên tiền được liên tục tái đầu tư, lợi nhuận của những khoản đầu tư trước được lấy hết để “all in” (đầu tư tất cả tiền) cho các khoản sau đó nên một khi mất là mất hết. Lòng tham che mờ khiến mình quên mất kỷ luật, nguyên tắc đầu tư, quản trị tiền, quản trị rủi ro.

Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 6

- Có lẽ năm 2008, ông cũng bị thiệt hại nhiều?

Đó là lần đầu tiên trong đời, tôi mất tiền khủng khiếp tới vậy. Năm 2001, thị trường đi xuống nhưng lô cổ phiếu là được cho, không phải tài sản của mình và số tiền cũng nhỏ. Còn năm 2008, chính xác là tôi phá sản.

Tôi nhớ khi đó tôi có chút tiếng tăm trên thị trường, nhiều người gửi gắm niềm tin, cơ hội và cả tiền. Mẹ tôi đi chợ mà bà bán cá còn bảo về hỏi tôi “mua con gì, bán con gì” để “đu theo”. Bà bán bánh canh thì cử chồng đi làm bảo vệ công ty chứng khoán để nghe lỏm các thông tin mua bán, tạo quan hệ với môi giới chứng khoán và các nhà đầu tư khác. Bà ấy kể với tôi kiếm được tỷ mấy, chuẩn bị chuyển từ bán bánh canh sang làm nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn. Tôi kêu đừng có chuyển và đến giờ phút này, bà ấy vẫn bán bánh canh cho tôi ăn.

- Những thiệt hại đó với cá nhân ông cụ thể là gì?

- Do giá cổ phiếu xuống thảm hại, mọi người đều lỗ. Tôi vay mượn gia đình, bạn bè, hàng xóm, rồi huy động tiền từ người khác nữa. Phá sản, tôi phải làm đủ nghề để trả nợ. Sáng tôi đi làm văn phòng, tối đi dạy, khuya đi làm những công việc chân tay khác.

Tôi chưa có tiền trả, họ chửi bới, sỉ nhục, tìm đủ mọi cách, thậm chí dùng bạo lực. Lúc đó tôi chỉ ước mơ trả hết được nợ và có một chiếc xe máy, không ước gì hơn. Suốt 8 năm ròng sau đó kể từ khi mắc nợ (2009), tôi mới trả hết. Nhưng tôi chỉ trả khoảng 98%, còn 2% không phải không trả được, mà là chủ nợ cũng phải trốn bặt vô âm tín…bởi thiếu nợ chủ nợ khác. 

Tôi nhớ lần đầu tiên tôi đi dạy lớp cơ bản về TTCK là năm 2009, được trả tổng cộng 930.000 đồng. Họ trả vào buổi cuối cùng, bước ra cửa lớp thì chủ nợ trực sẵn. Mấy năm đầu tiên sau khi phá sản, tôi không được cầm tiền đi làm thêm để xài mà chỉ có trả nợ thôi.

Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 7

- Tại sao một người vỡ nợ vì chứng khoán lại đi dạy về thị trường?

- Tôi đi dạy kiến thức tài chính đầu tư, dạy để mọi người biết để đừng lâm vào hoàn cảnh như mình, có kiến thức để đầu tiên có thể tồn tại, từ đó để chiến thắng. Chứ nợ từ đầu tư thì chỉ có đầu tư mới có thể trả được vì nó có thể lớn tương đương với nợ của tổ chức chứ đơn thuần là nợ cá nhân ở những lĩnh vực bình thường khác.

Giờ hết nợ, tôi giờ vẫn đi dạy cho nhiều nơi từ tổ chức tài chính, trường học đến các nhà đầu tư. Tôi dạy nhờ vào trải nghiệm của bản thân và của cả nhiều người khác không còn cơ hội ngồi đây để giúp mọi người hiểu về thị trường, tránh phải trả giá quá đắt.

Đứng lớp với tôi giờ là niềm vui với mong muốn chia sẻ kiến thức cho những người khác để họ không mắc phải sai lầm như mình, giúp người ta kiếm được tiền. 

Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 8

- Kinh nghiệm, bài học tâm đắc nhất nhất của ông sau thất bại đầu tư này là gì?

- Tôi cho rằng phải đi theo thị trường thì mới kiếm được tiền, đôi khi vô lý không thể tưởng tượng được nhưng thị trường luôn luôn đúng. Quy luật duy nhất là thị trường không có quy luật.

 - Vậy theo ông, nhà đầu tư thế nào thì trưởng thành?

- Với tôi, nhà đầu tư trưởng thành là đầu tư chục năm vẫn còn “sống” và thật sự kiếm được tiền trên thị trường một cách bền vững, xem đây là công việc nghiêm túc không phải chụp giật nhất thời. Thậm chí, nếu bạn đầu tư quá lâu mà vẫn mất tiền thì chưa trưởng thành, như một người bạn tôi đầu tư 8 năm, mua được xe SH sau khi bán một chiếc Mercedes. Một trong những thất bại đầu tư trên thị trường, tôi cho rằng xoay quanh chữ lòng tham.

Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 9

- Nhà đầu tư cần làm gì để khắc phục thất bại đó?

- Có một câu nói thế này: Những nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới không phải giỏi tài chính mà là tâm lý. Đầu tư là quá trình dài, bao gồm trải nghiệm và tâm lý đầu tư tốt. Những người kiểm soát được lòng tham và sự sợ hãi sẽ không bị mắc lừa. Tâm lý vững vàng, kiến thức nền tảng về đầu tư tốt giúp tạo thành bản lĩnh thì không sợ không kiếm được tiền.

Chính tôi, năm 2007, TTCK lập đỉnh 1.179 điểm thì khi 1.152 điểm, tôi đã rút rồi. Nhưng mọi người nói với một người nhiều kinh nghiệm như tôi mà ai cũng đang mua còn tôi lại bán thì mất hết cơ hội. Tôi cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu, nghĩ hay mình sai. Và tôi quay lại mua đúng đỉnh. Và, tôi mất 8 năm để trả giá cho sai lầm đó.

- Hiện tại, ông có đầu tư không?

- Có, chỉ là tỷ trọng ít đi. Tôi trữ tiền mặt và đầu tư an toàn nhiều hơn vì khi đã có tuổi, cơ hội làm lại ít hơn. Với lại, càng ở lâu càng “biết sợ” thị trường hơn. 

Ông Phan Dũng Khánh: Một lần đầu tư sai, 8 năm ròng rã làm đủ nghề trả nợ - Ảnh 10

- Vậy, nguyên tắc đầu tư hiện tại của ông là gì?

- Kiếm được tiền là đúng, mất tiền là sai. Còn tiền là còn cơ hội, mất tiền là mất cơ hội. Khi mất tiền thì phải ngồi coi lại mình sai ở đâu và quyết định hành động phù hợp. Tóm lại, tôi luôn quan sát dòng chảy của vốn - thứ làm dịch chuyển thị trường (dòng tiền ngắn hoặc dài hạn) đồng thời đi theo nó vì thị trường luôn đúng.

Trước kia, tôi theo hướng “lướt sóng”. Tuy nhiên nhiều năm trở lại đây, tôi có kế hoạch đầu tư dài hạn, kể cả có đầu tư ngắn hạn cũng trong tầm nhìn dài hạn. Kể cả được “phím hàng” cũng phải tính toán, đưa nó vào kế hoạch dài hạn. Điều đó giúp tôi xử lý kịp thời nếu trong ngắn hạn xảy ra sự cố.

- Ông nghĩ bao giờ sẽ nghỉ hưu trong nghề đầu tư?

- Đầu tư chứng khoán và tài chính như cái nghiệp của tôi. Hơn nữa, tôi nghĩ nó là thu nhập bị động, không giống như những việc khác.

- Sau cùng, thần tượng của ông trong đầu tư là ai?

Tôi không thần tượng cụ thể người nào. Thần tượng của tôi có ở mọi nơi, là người chỉ bảo tôi đầu tư, hoặc người giúp tôi biết cách vượt qua những thất bại, thậm chí cả những người thất bại vì giá trị bài học thất bại bao giờ cũng rất lớn. Tất cả đều là những người thầy của tôi.

Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện.

Phỏng vấn và hình ảnh: Khổng Chiêm

Thiết kế: Bảo Linh

NDH