Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dược Mỹ phẩm CVI: “Tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của doanh nhân chân chính”

Vân Hương - Trịnh Hiền

"Hiểu đúng và nghiêm túc tuân thủ pháp luật cũng là trách nhiệm của một doanh nhân chân chính, vừa phòng tránh những rủi ro pháp lý, vừa kịp thời nắm bắt cơ hội, tạo tiền đề vững chắc cho doanh nghiệp trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn và hiệu quả”.

“Thượng tôn pháp luật, liên tục cập nhật thông tin chính sách mới áp dụng triệt để trong thực tiễn kinh doanh là kim chỉ nam xuyên suốt, tạo nên thành công của Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI trong gần 6 năm qua. Hiểu đúng và nghiêm túc tuân thủ pháp luật cũng là trách nhiệm của một doanh nhân chân chính, vừa phòng tránh những rủi ro pháp lý, vừa kịp thời nắm bắt cơ hội, tạo tiền đề vững chắc cho doanh nghiệp trong việc đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn và hiệu quả”. 

Đó là chia sẻ của ông Phan Văn Hiệu - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI (CVI Pharma) về bí quyết quan trọng quyết định sự thành công của DN trong bối cảnh chung của đất nước, để đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng trên trường quốc tế. 

Theo ông, tinh thần thượng tôn pháp luật đã tạo tiền đề vững chắc cho CVI Pharma hướng đến sự phát triển bền vững ngay từ khi khởi nghiệp, để hiện thực hóa sứ mệnh tiên phong ứng dụng khoa học và công nghệ vào nâng tầm giá trị thảo dược.

Với hành lang bảo vệ vững chắc ấy, mặc dù trải qua bao thăng trầm, nhưng CVI vẫn trở thành điểm sáng của ngành dược phẩm tạo ra các sản phẩm bảo vệ sức khỏe “Made in Vietnam” đột phá về chất lượng, dẫn đầu xu hướng công nghệ.

Cuộc “phiêu lưu” mạo hiểm của “người dược sĩ nông dân”

Mặc dù là  “thuyền trưởng” lèo lái con tàu CVI Pharma với hơn 300 nhân sự, nhưng ông Phan Văn Hiệu vẫn chỉ tự nhận mình là “người dược sĩ nông dân”. Ông bảo: “Mình xuất thân từ nông dân, rồi sau này “dấn thân” vào cuộc phiêu lưu đầy mạo hiểm này, cũng chỉ với mục đích duy nhất là khai thác tối đa giá trị của dược liệu Việt, mang đến những lợi ích tốt nhất về sức khỏe, kinh tế, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người nông dân cả nước”. 

Nói vậy bởi khi học tại Trường Đại học Dược Hà Nội, được tiếp cận với nhiều công trình nghiên cứu có giá trị về dược liệu quý của các thầy giáo, nhưng sau khi nghiệm thu thường cất vào trong ngăn kéo, hoặc không có hướng ứng dụng do thiếu thực tế hay được chuyển giao với một giá rất rẻ. Ông thấy đây là sự lãng phí chất xám vô cùng lớn.

Từ đó, ông bắt đầu nhen nhóm ý định thành lập một DN dược phẩm, kết nối chuỗi giá trị, phát triển các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu sẵn có trong nước bằng việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sử dụng, nâng tầm các thảo dược truyền thống.

Và Công ty Dược Mỹ phẩm CVI ra đời năm 2013 với sứ mệnh là cầu nối để những dược liệu thế mạnh của Việt Nam không chỉ đáp ứng nguồn nguyên liệu tạo ra sản phẩm bảo vệ sức khỏe trong nước mà còn hướng đến xuất khẩu ra thị trường quốc tế. 

Nhắc lại thời gian đầu khởi nghiệp, Doanh nhân Phan Văn Hiệu luôn nhấn mạnh rằng việc thành lập Công ty CP Dược Mỹ phẩm CVI là quyết định vô cùng mạo hiểm, chẳng ai dám tin ông sẽ thành công với lối đi hoàn toàn khác biệt ấy. 

Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dược Mỹ phẩm CVI: “Tuân thủ pháp luật là trách nhiệm của doanh nhân chân chính” - Ảnh 1

Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch HĐQT Cty CP Dược Mỹ phẩm CVI

Ông chia sẻ, khó khăn đầu tiên khi thành lập công ty là những thủ tục pháp lý mới mẻ và có chút phức tạp với một người dược sĩ: “Tôi phải thuê luật sư để tư vấn, giải thích cặn kẽ nhiều khái niệm cũng như các điều khoản luật. Bởi theo tôi, khi đã là một doanh nhân thì phải đặt trách nhiệm với DN lên hàng đầu.

Pháp luật là hành lang duy nhất bảo vệ, là nền tảng vững chắc để công ty tránh rủi ro, phát triển đúng hướng và tạo môi trường làm việc an toàn, tin cậy cho người lao động trong lĩnh vực kinh doanh khá đặc thù. Do vậy, người đứng dầu DN cần phải hiểu đúng và nghiêm túc tuân thủ pháp luật”. 

Hoàn tất xong các thủ tục thành lập công ty là bắt đầu những chuỗi ngày mò mẫm đến hàng chục trường đại học khối ngành Y, Dược, Trung tâm nghiên cứu... ông Hiệu đã gặp gỡ hàng trăm nhà khoa học, từ dược học, bào chế, hóa học, thực vật học, dược liệu… đến các thầy thuốc y học cổ truyền để tìm kiếm cơ hội hợp tác. 

“Để hợp tác được với các nhà khoa học là điều rất khó khăn. Chúng tôi thường phải mất cả tháng trời để thuyết phục các nhà khoa học, các cơ quan nhà nước hợp tác, chuyển giao công nghệ sản xuất. Tuy nhiên, sau khi được các nhà khoa học đồng ý, vấn đề khó khăn lại nằm ở phía DN. Vừa phải giải quyết những vướng mắc về cơ chế hợp tác, chuyển giao, rồi nguồn lực đầu tư, vừa phải xây dựng lòng tin giữa các bên, xây dựng một kế hoạch đầu tư, nghiên cứu, phát triển kinh doanh một cách khoa học, bài bản, dám chấp nhận rủi ro…” - ông Hiệu bày tỏ.

Song khó khăn nhất lại là việc biến ý tưởng thành sản phẩm bởi phải trải qua rất nhiều giai đoạn, để nâng cấp hoàn thiện đề tài rồi mới có thể ứng dụng. Lúc này, một rủi ro lớn nữa là khi nghiên cứu thành công sản phẩm, chuẩn bị đăng ký sở hữu trí tuệ thì có khi lại có đơn vị làm sản phẩm giống hệt và truyền thông đến người dùng...

Khó khăn chồng chất khó khăn. Song với tâm thế sẵn sàng đối mặt nên người sáng lập CVI luôn tâm niệm: Khi đã chọn lối đi khác biệt thì phải sẵn sàng chấp nhận rủi ro. Cách duy nhất để vượt qua đó là tạo ra các giá trị gia tăng cho sản phẩm phải làm thật tốt và bài bản, để phát triển bền vững.

Với sản phẩm chiến lược của công ty là CumarGold, CumarGold Kare và Decumar, trong đó, CumarGold là thành công đầu tiên minh chứng cho hướng đi mới khác biệt của CVI Pharma. Sản phẩm tạo ra tiếng vang lớn trong ngành khi lần đầu tiên một DN dược phẩm nhận chuyển giao nguồn nguyên liệu Nano Curcumin chiết xuất từ cây nghệ vàng của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ để bào chế ra viên nang mềm CumarGold - Hỗ trợ điều trị đau dạ dày.

Đây cũng là mở đầu cho kỷ nguyên ứng dụng công nghệ Nano hiện đại vào lĩnh vực sản xuất dược phẩm, chăm sóc sức khỏe cộng đồng. 

Không chỉ dừng lại ở các sản phẩm bảo vệ sức khỏe, CVI còn liên tục cho ra đời các dòng mỹ phẩm chăm sóc da như Decumar với những bước tăng trưởng thần kỳ khi chỉ sau 4 năm đã vươn lên trở thành nhãn hàng trị mụn hàng đầu dành cho lứa tuổi teen với hàng triệu tuýp được bán ra mỗi năm. 

Với 3 nhãn hàng dẫn đầu thị trường như CumarGold, CumarGold Kare, Decumar, cùng những con số tăng trưởng vượt bậc về doanh thu (hơn 60% mỗi năm), CVI đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, vinh dự đón nhận nhiều giải thưởng cao quý như: Top 10 “Thương hiệu Việt Nam tin dùng”, Top 10 “Sản phẩm - dịch vụ tốt nhất cho người tiêu dùng”, “Sản phẩm vàng vì sức khỏe cộng đồng”, Thương hiệu Uy tín Chất lượng...

Tháng 7/2017 đã đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của CVI khi là DN dược phẩm đầu tiên ở Việt Nam nhận được giấy phép đầu tư nhà máy tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hiện nay, tiến độ thi công nhà máy đang được đẩy mạnh để đi vào hoạt động cuối năm 2019. 

CVI cũng đang tập trung toàn bộ nguồn lực cũng như cơ sở vật chất để đảm bảo nhà máy vận hành tốt nhất. Nhà máy sẽ được đầu tư công nghệ mới, tiên tiến nhất tại Việt Nam cho chiết xuất dược liệu. Với hệ thống quản trị chuyên nghiệp, bao gồm ba đơn nguyên: Nhà máy chiết xuất dược liệu công nghệ cao siêu tới hạn; Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Nano; Nhà máy dược phẩm đạt tiêu chuẩn GMP- WHO… với tham vọng sản xuất 100 triệu sản phẩm mỗi năm.

CVI cũng sẽ đầu tư sản xuất mỹ phẩm công nghệ cao tại nhà máy Hòa Lạc trên cơ sở liên kết chuyển giao công nghệ với Hàn Quốc. Mục tiêu đặt ra là trở thành một trong những DN sản xuất mỹ phẩm có nguồn gốc thiên nhiên hàng đầu Việt Nam. 

Hiểu luật không bao giờ là “đủ”

Về tầm quan trọng của pháp luật đối với sự tồn tại và phát triển của các DN tại Việt Nam, theo ông Hiệu thì đất nước đang trong quá trình hội nhập, công nghiệp hóa và hiện đại hóa, vì vậy điều quan trọng là phải hiểu các quy định của pháp luật. Nếu không hiểu luật, DN như bị lạc trong trận chiến mê hoặc và vướng vào rủi ro pháp lý.

Trong thời hội nhập, rủi ro còn lớn hơn vì ngoài lượng kiến thức pháp lý khổng lồ trong nước thì khi tiếp cận thị trường quốc tế đòi hỏi DN phải có kiến thức cũng như sự hiểu biết nhất định về thị trường, truyền thống văn hóa, đặc biệt là luật pháp của các quốc gia đối tác và luật pháp quốc tế nói chung. 

“Khi vướng vào rủi ro pháp lý, dù nhiều hay ít, cũng sẽ gây ra nhiều tổn thất và bất lợi cho DN, thiệt hại vật chất đầu tiên là tiền. Để giải quyết những rủi ro đó, các DN không có kiến thức pháp lý phải tìm đến những người có thể giúp họ tìm ra giải pháp tốt nhất có thể và chi phí cho việc đó không hề nhỏ. Bên cạnh đó, thời gian và nỗ lực để giải quyết chúng khiến họ mệt mỏi, không thể tập trung vào công việc... và một khoản lỗ lớn không thể tính được bằng tiền vốn là “thương hiệu” của DN” - ông Hiệu nhận định.

Theo ông Hiệu, không có khái niệm “đủ” khi tìm hiểu về các quy định của pháp luật, bởi ngoài các quy định pháp lý trong nước, còn rất nhiều các quy định, hiệp định, cam kết quốc tế chúng ta cần phải tìm hiểu, đó là chưa kể đến việc các quy định của pháp luật thường xuyên thay đổi, cập nhật để phù hợp với sự phát triển kinh tế của xã hội. 

Nhận thức được tầm quan trọng của pháp luật đối với sự phát triển bền vững của DN, nhất là DN mang sứ mệnh hỗ trợ bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho khách hàng như CVI nên ngoài việc trau dồi kiến thức pháp luật qua sách, báo, tạp chí thì việc tham khảo ý kiến của những người có chuyên môn về luật, chuyên gia, luật sư, ý kiến của phòng Pháp chế Công ty là nguyên tắc luôn được Doanh nhân Phan Văn Hiệu đề cao và chú trọng trong sự nghiệp kinh doanh của mình.

CVI luôn quan tâm chú trọng đến công tác pháp chế và quản trị rủi ro trong DN. CVI đã thành lập phòng pháp chế và kiểm soát rủi ro để tư vấn các quy định pháp lý và đưa ra những cảnh báo kịp thời cho Ban Lãnh đạo.

Bên cạnh đó, toàn bộ cán bộ nhân viên của CVI luôn có những buổi tuyên truyền về các quy định của pháp luật có liên quan để nâng cao nhận thức tinh thần thượng tôn pháp luật, tạo hành lang an toàn pháp lý trong quá trình phát triển bền vững của DN.

Tin Cùng Chuyên Mục