Ông Trương Gia Bình: FPT sẽ tăng gấp đôi doanh số tại Nhật Bản

Theo Như Tâm/NDH

Trả lời Nikkei, chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết tập đoàn này dự định tăng cường hoạt động và nhân lực ở Nhật Bản, coi đây là trọng tâm trong chiến lược tại châu Á.

“Đến năm 2020, chúng tôi muốn tăng 2,5 lần số nhân viên tại Nhật Bản lên khoảng 3.000 người và doanh thu lên 500 triệu USD, ông Bình nói, cho biết thêm FPT đang tích cực cân nhắc hoạt động mua lại ở quốc gia này.

Nhật Bản là một thị trường then chốt của FPT, tạo ra hơn 60% tổng doanh thu phần mềm ở nước ngoài. FPT Japan Holdings, tên đơn vị của FPT tại Nhật Bản, đã gần đây tăng cường tuyển dụng, bổ sung khoảng 100 nhân viên/tháng.

Ngoài nhân lực địa phương, FPT còn tìm kiếm các kỹ sư Việt Nam thành thạo tiếng Nhật. Đại học FPT, Hà Nội, giảng dạy tiếng Nhật song song với các ngành như kỹ sư công nghệ thông tin (IT). FPT còn phối hợp với các trường ngôn ngữ tại Nhật Bản và dự kiến lập một trường riêng tại đất nước Mặt trời mọc trong năm 2019.

Ông Trương Gia Bình: FPT sẽ tăng gấp đôi doanh số tại Nhật Bản - Ảnh 1
Ông Trương Gia Bình. Ảnh: Nikkei.

“Ngôn ngữ là vấn đề lớn nhất” cản trở công ty nước ngoài tiến vào thị trường Nhật Bản, ông Bình nói.

“Trong thế giới phần mềm nói riêng, bạn cần phải hiểu chính xác nhu cầu của khách hàng. Tiếng Anh được sử dụng rộng rãi tại những nước châu Á khác nhưng tại Nhật Bản, bạn không thể làm ăn mà không nắm rõ tiếng Nhật”.

FPT muốn tranh thủ nhu cầu IT mạnh mẽ từ các công ty Nhật Bản, do những yếu tố như chuẩn bị cho Olympic Tokyo 2020 thúc đẩy. Doanh nghiệp Nhật Bản đã chi 16,86 nghìn tỷ yên (149 tỷ USD) cho đầu tư liên quan đến IT như phát triển hệ thống cùng các trung tâm dữ liệu trong năm 2017, xếp thứ ba chỉ sau Mỹ và Trung Quốc, theo IDC Japan.

Ông Bình còn muốn FPT Japan đảm nhiệm hoạt động của FPT tại Trung Quốc và Hàn Quốc vì chi nhánh này có nhiều kinh nghiệm.

“Trung Quốc và Hàn Quốc là những khu vực chúng tôi chú ý nhiều nhất” về tăng trưởng ở châu Á, ông chia sẻ. “Chúng tôi bắt đầu kinh doanh tại hai quốc gia này khoảng từ hai năm trước nhưng vẫn còn trong giai đoạn khởi đầu”.

Khi được hỏi về sự cạnh tranh tại Nhật Bản, ông Bình cho biết công ty tham vấn IT Tata Consultancy Services và Infosys của Ấn Độ là hai đối thủ chính của FPT về khía cạnh chi phí. Nhưng “họ chú trọng vào các khu vực nói tiếng Anh – chúng tôi đã có lợi thế ở Nhật Bản”.

Các công ty Ấn Độ cũng đang tiến vào thị trường Nhật Bản. Tata Consultancy Services đã ký bản ghi nhớ chung với Đại học Tokyo hồi tháng 10 để phối hợp nghiên cứu và trao đổi nhân lực trong những lĩnh vực như robot. Infosys đang tuyển dụng kỹ sư Nhật Bản và muốn tăng doanh số ở Nhật Bản trong 3 – 4 năm tới lên 6 lần so với con số 50 tỷ yên trong năm 2017.

Tin Cùng Chuyên Mục