Ông Trương Gia Bình: "Thời gian đang đứng về phía FPT"

Quỳnh Chi

Ban lãnh đạo FPT tiết lộ kết quả kinh doanh quý I/2021 với doanh thu dự kiến tăng trưởng trên 14% và lợi nhuận tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chiều nay 8/4, Công ty cổ phần FPT (mã CK: FPT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 theo hình thức trực tuyến. Tại Đại hội, cổ đông FPT đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu doanh thu đạt 34.720 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế dự kiến 6.210 tỷ đồng, lần lượt tăng 16,4% và 18% so với thực hiện năm 2020.

Chia sẻ tại Đại hội, Ban lãnh đạo FPT tiết lộ kết quả kinh doanh quý I/2021 với doanh thu dự kiến tăng trưởng trên 14% và lợi nhuận tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Trương Gia Bình: "Thời gian đang đứng về phía FPT" - Ảnh 1

Năm 2020, FPT ghi nhận doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt 29.830 tỷ đồng và 5.263 tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 7,6% và 12,8% so với cùng kỳ. Với kết quả đạt được, cổ đông FPT đã thông qua phương án phân phối lợi nhuận với tỷ lệ cổ tức cho năm 2020 là 20%.

Công ty đã tạm ứng 10% trong năm 2020 và sẽ trả 10% còn lại vào quý II/2021 sau khi ĐHCĐ phê duyệt. Đồng thời, FPT cũng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 15% từ nguồn lợi nhuận giữ lại.

Đối với năm 2021, FPT dự kiến sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 20% (01 cổ phiếu nhận 2.000 đồng) căn cứ vào số lượng cổ phiếu sau khi đã thực hiện chia cổ tức bằng cổ phiếu. Mức chia cụ thể sẽ được ĐHĐCĐ 2022 quyết định.

Ngoài ra, cổ đông FPT cũng đã thông qua việc bán toàn bộ 82.376 cổ phiếu quỹ đang nắm giữ cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn người lao động (ESOP) với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 3 năm kể từ ngày hoàn tất bán.

Về thắc mắc của cổ đông về mức chia cổ tức thấp, lãnh đạo FPT cho biết, công ty hiện đang bỏ ra khoảng 1.600 tỷ tiền mặt để trả cổ tức, tương đương 40% - 45% lợi nhuận. Lý do công ty giữ lại 55% - 60% lợi nhuận tiền mặt là do công ty đang đầu tư rất nhiều tiền vào các mảng, các mảng cũng đang tăng trưởng tốt.

Tăng trưởng chuyển đổi số ít nhất 30% trong năm tới

Về định hướng chiến lược 2021-2023, Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT phát biểu: “Chúng ta đang sống trong thời kỳ khó khăn: chiến tranh thương mại, dịch bệnh,… Song thời gian đang đứng về phía FPT. Covid-19 ảnh hưởng tới các doanh nghiệp trên thế giới, do đó họ đưa ra chiến lược "Do more with less" và FPT là công ty có thể đưa ra các giải pháp phục vụ chiến lược này”.

Chuyển đổi số là vấn đề tốc độ và hiện có nhiều tập đoàn muốn hợp tác với FPT, ông Trương Gia Bình cho biết. FPT bắt đầu công ty không chỉ là dịch vụ mà còn cung cấp giải pháp cho chuyển đổi số. Nền kinh tế số thực chất là nền kinh tế nền tảng. Chúng tôi hiểu và cũng đưa ra các nền tảng đó. Chúng tôi có nền tảng về AI, về giáo dục, y tế, giao thông,…. Vấn đề là hiện chúng tôi phải đi cùng các doanh nghiệp khác để tạo ra hệ sinh thái.

Ông Trương Gia Bình khẳng định, chuyển đổi số tiếp tục là trọng tâm trong chu kỳ phát triển tiếp theo và hứa hẹn mang về nguồn thu bền vững trong dài hạn cho công ty. Tăng trưởng chuyển đổi số ít nhất 30% trong năm tới.

Lãnh đạo FPT cho biết, doanh thu chuyển đổi số hiện tại chủ yếu đến từ thị trường nước ngoài. Trên 3.000 tỷ doanh thu từ chuyển đổi số năm 2020, thì ở thị trường nước ngoài chủ yếu tập trung vào mảng cloud, robotic, AI, Connected Vehicles.

Thị trường trong nước khá khiêm tốn đang cần thời gian để ghi nhận thêm doanh thu. Năm qua, FPT đã ký được hợp đồng chuyển đổi số trị giá vài trăm nghìn đô với Minh Phú. Đây cũng là điều đáng khích lệ đối với FPT.

Về biên lợi nhuận “mỏng” của mảng công nghệ thông tin, lãnh đạo FPT cho biết, doanh thu mảng công nghệ thông tin ở Việt Nam khoảng 4.800 tỷ đồng tuy nhiên biên lợi nhuận trước thuế chỉ khoảng 5,6%. Với các dự án công nghệ thông tin, do có phần cứng khiến biên công ty lợi nhuận thấp. Trong 3 năm tới, biên lợi nhuận sẽ đạt khoảng 10%. Trong đó doanh thu phần cứng sẽ giảm, đồng thời sẽ tăng sản xuất phần mềm Made by FPT, dự kiến đóng góp 30%.

 “Giải quyết tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE không khó”

Nói về việc giải quyết tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE, ông Trương Gia Bình cho biết “Sàn HoSE sử dụng phần mềm của Thái Lan, sàn HNX là phần mềm của FPT. Hiện sàn Hà Nội đã làm rất tốt nhiều năm nay. Do đó, giải quyết tình trạng của sàn HoSE là không khó”.

Đại diện FPT khẳng định, công ty hiện còn cung cấp phần mềm cho ngành tài chính công ngành thuế, kho bạc, hải quan,… nên hoàn toàn tự tin để xử lý lệnh HoSE.

"Chúng tôi hiểu biết hệ thống chứng khoán Việt Nam, có kinh nghiệm để giải quyết tình trạng đối với sàn HoSE. Khó khăn của chúng tôi không nằm ở ngân sách mà là khi thay đổi hệ thống sẽ phải thay đổi quy trình, con người. Chúng tôi hy vọng có thể khắc phục được khó khăn này", vị đại diện nói.

Tin Cùng Chuyên Mục