“Ông vua bánh kẹo Việt” và câu chuyện gây dựng đế chế Kinh Đô từ 3 chỉ vàng lò bánh mì tư nhân

Thạch Đào

Có một thời, mỗi người Việt Nam đều quen thuộc với slogan giản dị mà ấm áp: “Thấy Kinh Đô là thấy Tết”. Bánh kẹo Kinh Đô, cùng với nhiều tên tuổi khác như Tràng An, Hải Hà… đã gắn bó thân thiết với tuổi thơ ngọt ngào của rất nhiều người; song ít ai biết rằng: doanh nhân Trần Kim Thành – người gây dựng nên “đế chế” bánh kẹo Kinh Đô đã khởi nghiệp từ 3 chỉ vàng và một lò bánh mì tư nhân.

Sản xuất bánh kẹo là nghề cha truyền con nối

Ông Trần Kim Thành (SN 1960) là một doanh nhân người Việt gốc Hoa. Ông lớn lên trong một gia đình có truyền thống sản xuất bánh kẹo. Cha mẹ ông có một tiệm bánh kẹo nhỏ, nên tuổi thơ của doanh nhân này đã gắn liền với những món đồ ngọt ngào đó. Từ hồi 5-6 tuổi, ông Thành đã ước mơ trở thành nhà khoa học; thần tượng của ông là Einstein, Newton… Ông theo học ngành Vật lý ở Đại học, sau đó một thời gian mới chuyển sang tìm hiểu về lĩnh vực kinh tế. Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành một doanh nhân, nhưng chính tính cách ưa thích sự thử thách đã thúc đẩy ông dấn thân vào kinh doanh.

Doanh nhân Trần Kim Thành. Nguồn: Internet
Doanh nhân Trần Kim Thành. Nguồn: Internet

Ý tưởng kinh doanh của ông không được gia đình tán thành, bởi vậy, mỗi ngày, ông Thành đều phải làm hết công việc ở nhà để phụ giúp cha mẹ thì mới có thể bắt tay vào việc riêng của mình. “Đối tác” đầu tiên của ông là Kao Siêu Lực (người được mệnh danh là “vua bánh mì” Sài Gòn lúc bấy giờ); hai người cùng góp vốn đi bán bột mì, nhưng lại bị quỵt nợ, đòi tiền không được, đành phải quay về làm bánh.

Ngày đó, mỗi buổi sáng, ông Thành chỉ làm 9kg bánh. Ông tự xây lò, mày mò làm thử rồi nhờ những người bán bánh đánh giá, góp ý để điều chỉnh công thức. Sau 6 tháng, sản phẩm của ông được hoàn thiện và nhận được đơn hàng là 3kg bánh đầu tiên. Lúc này, vấn đề khiến ông gặp khó lại là khâu phân phối. Mới đầu, ông Thành bỏ mối cho bốn đại lý lớn, thân quen ở miền Tây. Tuy nhiên, sau khi một đại lý dừng đặt hàng, ông mất ngay 25% thị phần. Điều này khiến ông Thành nhận ra rằng không thể tiếp tục phụ thuộc vào 4 đại lý lớn này và bắt đầu tìm đến nhiều nhà phân phối khác, dần dần mở rộng ra khắp đất nước.

Khi đã mở được một mạng lưới đại lý rộng lớn, ông Thành lại phải đối mặt với vấn đề lớn hơn, đó là việc quản lý trở nên khó khăn, phức tạp. Để giải quyết bài toán này, ông lại phải đặt ra những tiêu chuẩn mới, tìm kiếm những nhà phân phối số một của khu vực. Năm 1993, ông thành lập Công ty Xây dựng và Chế biến thực phẩm Kinh Đô, tập trung vào sản xuất bánh snack.

Sản phẩm snack mang thương hiệu Việt này đã thành công trong việc thống lĩnh thị trường trong nước với mẫu mã đẹp, hương vị độc đáo, đánh bật sản phẩm snack của Thái Lan. Từ sự thành công này, Kinh Đô tiếp tục tiến sâu hơn vào thị trường bánh kẹo với nhiều sản phẩm đa dạng như bánh cookie, cracker, bánh trung thu, kẹo và mứt tết…

Bắt đầu “đường đua” mới trong lĩnh vực M&A

Năm 2002, với sự phát triển vượt bậc, Kinh Đô chính thức chuyển thể từ công ty TNHH sang công ty Cổ phần Kinh Đô với vốn điều lệ là 150 tỉ đồng. Đó khởi sự khởi đầu của một loạt những bước tiến sau này của Kinh Đô như: thành lập CTCP Địa ốc Kinh Đô và CTCP Kinh Đô Bình Dương; đồng thời đưa cổ phiếu NKD của Kinh Đô Miền Bắc lên sàn chứng khoán. Với biểu tượng vương miện màu đỏ, giá cổ phiếu KDC của Kinh Đô đã có lúc đạt 250.000 đồng/CP. Khởi nguồn là một công ty gia đình, hiện nay, Kinh Đô đã được biết tới là một trong những doanh nghiệp M&A tiêu biểu.

“Ông vua bánh kẹo Việt” và câu chuyện gây dựng đế chế Kinh Đô từ 3 chỉ vàng lò bánh mì tư nhân - Ảnh 1

Sau khi bán lại  mảng bánh kẹo cho Tập đoàn Mondelēz International của Mỹ trong một thương vụ trị giá gần 10.000 tỷ đồng..., thương hiệu Kinh Đô đã được thay thế bằng KIDO. Tập đoàn KIDO được thành lập và bước vào cuộc đua khắc nghiệt trên thị trường dầu ăn, mì gói.

Hiện nay, sau khi thực hiện nhiều thương vụ M&A với bước đi rõ ràng và tầm nhìn chiến lược, ông Trần Kim Thành được giới doanh nhân nể phục gọi bằng danh hiệu “ông vua M&A” trong ngành thực phẩm. Trong đó, thương vụ thành công lớn phải kể tới là mua lại nhà máy kem Wall của Unilever vào năm 2003. Năm 2005, Kinh Đô tiếp tục nắm cổ phần chi phối của Tribeco; năm 2007 đầu tư vào Nutifood; năm 2008 mua lại Vinabico; năm 2010 thực hiện hoán đổi cổ phiếu để nắm giữ 100% cổ phần Kinh Đô Miền Bắc và KIDO.

Năm 2012, hãng bánh kẹo nổi tiếng Nhật Bản là Ezaki Glico đã chi gần 660 tỉ đồng để nắm 10,5% cổ phần của Kinh Đô. Năm 2016 và 2017 tiếp tục đánh dấu những thành công của thương hiệu này khi liên tiếp sát nhập và nắm cổ phần chi phối 2 công ty là CTCP Dầu thực Vật Tường An và Tổng Công ty Công nghiệp Dầu Thực vật Việt Nam (Vocarimex); qua đó chiếm lĩnh hơn 30% thị phần dầu ăn trong thị trường nội địa. Năm 2018, KIDO có tên trong Top 10 doanh nghiệp có chiến lược M&A tiêu biểu do Diễn đàn M&A Việt Nam trao thưởng.

Được mệnh danh là “ông vua M&A” nhưng ông Trần Kim Thành cũng không tránh khỏi những thất bại; chặng đường kinh doanh của ông cũng gặp khá nhiều gập ghềnh, trắc trở. Năm 2012, Kinh Đô đã thoái vốn toàn bộ tại Tribeco và Nutifood. Khoản đầu tư vào ngân hàng Eximbank cũng không được như mong đợi; đối tác Nhật Bản đã rút vốn... Tuy nhiên, cho đến hiện nay, khi đã bước qua tuổi 60, doanh nhân Trần Kim Thành vẫn được đánh giá là người lãnh đạo tài năng, xứng đáng với chiếc “vương miện” KIDO và tiếp tục nằm trong danh sách dẫn đầu những thương vụ M&A đình đám.

Nhắn nhủ với các startup, ông Trần Kim Thành bày tỏ: “Chúng ta có thể mua được tài sản, máy móc thiết bị nhưng không thể mua được sự nhiệt huyết, chuyên tâm của nhân sự đối với công việc. Bao nhiêu máy móc thiết bị, tài sản cũng là do con người vận hành. Một khi những người có thể mang lại giá trị phù hợp với mục tiêu của công ty mà nghỉ việc, xem như doanh nghiệp mua công ty mục tiêu là không có giá trị”. Đây chính là tâm huyết lớn nhất trong sự nghiệp cả đời của ông: đi lên từ một công ty gia đình thành một “đế chế”, tất cả đều dựa vào sự coi trọng nhân tài và bí quyết nhân trị khéo léo, hợp lòng người.

Tin Cùng Chuyên Mục