Phân cấp, phân quyền trong quản trị doanh nghiệp: Đảm bảo tính hợp lý & chặt chẽ!

Sinh Hùng

Theo Luật sư Nguyễn Hữu Lẫm - Giám đốc Công ty Luật Tràng An (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân cấp, phân quyền trong doanh nghiệp phải bảo đảm tính hợp lý và chặt chẽ…

Trong giao dịch thương mại và hoạt động quản trị doanh nghiệp (QTDN), một trong những công cụ được xem là hữu hiệu nhất chính là phân cấp, phân quyền.Đây cũng là điều kiện tiên quyết, để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và bền vững. Tuy nhiên, theo Luật sư Nguyễn Hữu Lẫm - Giám đốc Công ty Luật Tràng An (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) phân cấp, phân quyền trong doanh nghiệp phải bảo đảm tính hợp lý và chặt chẽ…

 Nói về sự cần thiết của việc phân cấp, phân quyền trong hoạt động QTDN, Luật sư Nguyễn Hữu Lẫm cho biết, phân cấp là phân chia quyền quản trị trong doanh nghiệp (cấp trên - cấp dưới). Nó có thể rộng hay hẹp phụ thuộc vào nhiều yếu tố.Quy mô phân cấp khác nhau sẽ có những ưu, nhược điểm khác nhau.Phân quyền trong quản trị nghĩa là quyền hành trong QTDN, là năng lực quyết định chỉ huy với cấp dưới một cách hợp pháp và chính đáng. Nó cũng là công cụ để nhà quản trị thực hiện chức năng theo từng cấp bậc của mình.

 Theo Luật sư Lẫm, tất cả quyền lực trong tay ông chủ chỉ phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ, quy mô gia đình. Nếu doanh nghiệp muốn mở rộng,  phát triển vững mạnh thì  điều kiện tiên quyết cần cho doanh nghiệp chính là sự phân cấp, phân quyền. Bởi có phân cấp, phân quyền thì doanh nghiệp mới hoạt động hiệu quả, bảo đảm sự chính xác và lớn mạnh.

Nếu không có sự phân cấp, phân quyền thì người đại diện doanh nghiệp sẽ phải tự mình đảm nhiệm một khối lượng công việc khổng lồ, dẫn đến sự quá tải hay không thể xem xét kĩ lưỡng, hoặc đưa ra quyết định một cách vội vàng dễ dẫn đến sai sót. Nhưng ngược lại nếu phân quyền tối đa thì khối lượng công việc giảm tải, sự ủy quyền rộng lên do quyền hạn được phân một cách tối đa cho cấp dưới. Tuy nhiên, phạm vi ủy quyền càng rộng thì khả năng phát sinh rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp càng cao nên việc phân quyền rộng phải đi liền với quy trình chi tiết. Vì vậy phân cấp, phân quyền trong doanh nghiệp phải bảo đảm tính hợp lý, chặt chẽ để doanh nghiệp phát triển một cách toàn diện và vững mạnh.

Phân cấp, phân quyền trong quản trị doanh nghiệp: Đảm bảo tính hợp lý & chặt chẽ! - Ảnh 1
Luật sư Nguyễn Hữu Lẫm

Theo pháp luật hiện hành, việc phân cấp, phân quyền trong doanh nghiệp được quy định như thế nào, thưa luật sư?

- Thông thường doanh nghiệp tự xây dựng quy chế phân quyền chi tiết để giúp doanh nghiệp có thể vận hành được một cách trơn tru (như điều lệ, quy chế nội bộ…).Vấn đề phân quyền trong doanh nghiệp dẫn đến hai mối quan hệ tồn tại song song là mối quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền chịu sự điều chỉnh quy định của Bộ luật Dân sự. Cụ thể, Khoản 2 Điều 586 Bộ luật Dân sự quy định bên ủy quyền vẫn phải “chịu trách nhiệm về cam kết do bên được uỷ quyền thực hiện trong phạm vi uỷ quyền”. Người được ủy quyền chỉ chịu trách nhiệm pháp lý, bồi thường thiệt hại khi họ thực hiện công việc vượt quá phạm vi được ủy quyền dẫn đến thiệt hại cho bên ủy quyền. Khi thực hiện đúng phạm vi ủy quyền nhưng quá trình thực hiện công việc có xảy ra sai sót dẫn đến thiệt hại thì cho dù họ có lỗi, năng lực kém hoặc vì bất kỳ nguyên nhân chủ quan nào khác, Công ty vẫn khó có thể yêu cầu họ bồi thường.

Còn mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Lao động. Theo đó, người lao động thực hiện công việc được giao nếu gây thiệt hại cho Công ty nhưng làm đúng nhiệm vụ được giao từ cấp trên (căn cứ Hợp đồng lao động, Quy chế phân quyền, Giấy ủy quyền…) thì cũng không có cơ sở để yêu cầu họ bồi thường thiệt hại. Mức bồi thường thiệt hại của người lao động theo pháp luật lao động quy định trong nhiều trường hợp không tương xứng với thiệt hại thực tế phát sinh.

Thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn nhầm lẫn giữa hai khái niệm phân quyền và ủy quyền.Xin luật sư giúp họ phân biệt rõ ràng ranh giới của chúng? 

- Như trên tôi đã nói, phân quyền trong quản trị là quyền hành trong quản trị doanh nghiệp, là năng lực quyết định chỉ huy với cấp dưới một cách hợp pháp và chính đáng. Nó là công cụ để nhà quản trị thực hiện chức năng theo từng cấp bậc của mình. Còn ủy quyền là quá trình người quản trị cấp trên trao quyền ra quyết định và điều hành hoạt động cho cấp dưới trong một phạm vi nào đó hoặc là giao một phần công việc cho người dưới quyền chịu trách nhiệm thi hành; Đồng thời giao cho họ quyền hành tương xứng với trách nhiệm được giao.

Thực tế cho thấy, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng: Phân quyền cho cấp dưới để giảm tải công việc quản lý, cũng như “đùn đẩy” trách nhiệm pháp lý cho họ khi rủi ro xảy ra. Quan điểm của luật sư về vấn đề này thế nào?

- Nói phân quyền cho cấp dưới để giảm tải công việc quản lý là đúng nhưng để “đùn đẩy” trách nhiệm pháp lý cho họ khi rủi ro xảy ra là sai. Tuy phân quyền là quy định trong nội bộ doanh nghiệp nhưng mối quan hệ giữa người ủy quyền và người được ủy quyền lại thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật Dân sự. Theo đó, quy định bên ủy quyền vẫn phải chịu trách nhiệm về cam kết do bên được ủy quyền thực hiện trong phạm vi ủy quyền. Người được ủy quyền chỉ chịu trách nhiệm pháp lý, bồi thường thiệt hại khi họ thực hiện công việc vượt quá phạm vi được ủy quyền dẫn đến thiệt hại cho bên ủy quyền. Ngược lại khi thực hiện đúng phạm vi ủy quyền nhưng trong quá trình thực hiện công việc có xảy ra sai sót dẫn đến thiệt hại thì cho dù họ có lỗi, năng lực kém hoặc vì bất kỳ nguyên nhân chủ quan nào khác doanh nghiệp khó có thể yêu cầu họ bồi thường.

Từ đó cho thấy phạm vi ủy quyền càng rộng bao nhiêu thì khả năng phát sinh rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp và cho người quản lý từ cấp thấp lên cấp cao càng lớn bấy nhiêu. Việc phân quyền rộng phải đi liền với quy trình chi tiết để điều chỉnh và hướng dẫn người được phân quyền làm theo và trở thành cơ sở đánh giá tính hợp lý hay chưa hợp lý, hợp pháp hay không hợp pháp và kết luận một nhân sự có vượt quá phạm vi được ủy quyền hay không. 

Xin trân trọng cảm ơn Luật sư!

Tin Cùng Chuyên Mục