"Phao" dự phòng của nghề công chứng

YẾN NHI

Nếu công chứng viên (CCV) có một sai sót trong khi thảo một hợp đồng tiền tỉ, khách hàng có thể sẽ phá sản và cả đời không còn cơ hội “gỡ gạc” lại. Được coi là nghề đặc thù “sai một li, đi một dặm” nên nghề công chứng phải có bảo hiểm nghề nghiệp.

Thực tế thì nhiều tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) hiện không mua hoặc không muốn mua bảo hiểm này, bất chấp quy định pháp luật.

Không để “tai bay vạ gió”

Trên thế giới, các CCV khi hành nghề buộc phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bởi đối tượng chịu thiệt hại trực tiếp nếu CCV mắc sơ suất chính là người dân.

Ở Việt Nam, kế thừa Luật Công chứng năm 2006, Luật Công chứng sửa đổi năm 2014 tiếp tục quy định TCHNCC có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do lỗi của CCV của TCHNCC gây ra cho người yêu cầu công chứng.

Điểm tiến bộ là Luật năm 2014 không phân biệt các phòng công chứng và các văn phòng công chứng như Luật cũ, mà tất cả các TCHNCC đều có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngày càng nhiều khách hàng tại các TCHNCC cho rằng họ sẽ yên tâm hơn nếu được biết CCV là người sẽ thực hiện việc công chứng cho mình đã được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Liên, một khách hàng của Văn phòng công chứng Hà Nội cho biết: Vì làm trong lĩnh vực ngân hàng nên hàng tháng chị thường xuyên phải đến đây công chứng các hợp đồng, giao dịch cần thiết cho khách hàng của ngân hàng.

Trong đó có rất nhiều hợp đồng, giao dịch có giá trị kinh tế lớn, lên tới hàng tỷ đồng hoặc hơn thế. Chị khẳng định việc tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV có ý nghĩa quan trọng không chỉ đối với văn phòng công chứng mà cả đối với phía khách hàng của văn phòng công chứng.

“Tôi đã đi công chứng nhiều hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn. Nếu có sơ suất trong việc công chứng khiến tôi bị thiệt hại thì lúc ấy chỉ còn biết trông chờ vào bồi thường của bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với CCV” - chị Liên nói.

Rất nhiều ý kiến đồng tình cho rằng công chứng là dịch vụ pháp lý nên trước hết yêu cầu đúng pháp luật là tiên quyết. Khách hàng đến công chứng sẽ yên tâm khi biết CCV đã được mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của TCHNCC. TCHNCC có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV hành nghề tại tổ chức mình.

Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày mua bảo hiểm hoặc kể từ ngày thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm, TCHNCC có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV cho Sở Tư pháp.

(Trích Điều 37 Luật Công chứng năm 2014)

Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp sẽ đem lại lợi ích rõ ràng cho cả khách hàng và CCV. Giả sử hợp đồng chuyển nhượng bất động sản đã được công chứng nhưng nội dung đó trái luật mà CCV không phát hiện được (do sơ suất hay do nhận thức pháp lý hạn chế) thì theo Luật Công chứng, các TCHNCC có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại này cho khách hàng.

Còn đối với các TCHNCC đã tham gia bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp, khoản bồi thường sẽ do công ty bảo hiểm chi trả.

Chưa thực sự mặn mà

Hướng dẫn quy định này, Nghị định số 29/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng năm 2014 nêu rõ, TCHNCC phải mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV chậm nhất trong vòng 60 ngày, kể từ ngày CCV được đăng ký hành nghề với mức phí theo thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và TCHNCC hoặc tổ chức xã hội - nghề nghiệp của CCV (trường hợp được ủy quyền mua bảo hiểm), nhưng tối thiểu là 3 triệu đồng/năm đối với mỗi CCV.

Doanh nghiệp bảo hiểm sẽ chi trả và bồi thường thiệt hại về vật chất của người tham gia ký kết và cá nhân, tổ chức liên quan trực tiếp đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng.

Trong đó, thiệt hại phải do lỗi của CCV gây ra trong thời hạn bảo hiểm; trường hợp CCV câu kết, thông đồng làm sai lệch nội dung của văn bản, hồ sơ công chứng; tạo điều kiện cho người tham gia hợp đồng, giao dịch thực hiện giao dịch giả tạo..., doanh nghiệp bảo hiểm sẽ không phải chi trả và bồi thường thiệt hại.

Sự hướng dẫn kịp thời việcmua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp từ phía cơ quan quản lý nhà nước về công chứng sẽ góp phần bảo đảm an toàn cho CCV khi hành nghề cũng như quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên, các TCHNCC, doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm dường như không mấy mặn mà trong việc triển khai mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tính khả thi của việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp trên thực tế dường như không cao.

Mặc dù từ đầu năm 2008, các TCHNCC đã triển khai hoạt động rầm rộ song cho đến nay, chỉ có một số lượng nhỏ các TCHNCC đã mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp. Điều này không hẳn xuất phát từ ý chí chủ quan của các tổ chức mà có nguyên nhân khách quan từ phía tổ chức bán bảo hiểm.

Trưởng Văn phòng Công chứng Bà Rịa - Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) Đặng Tuấn Phong từng than thở: “Hiện tại mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp rất khó vì bảo hiểm không bán hoặc bán rất hạn chế”. Rủi ro từ hoạt động công chứng rất khó đánh giá nên sự lưỡng lự của các công ty bán bảo hiểm là điều dễ hiểu.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, Hiệp hội Công chứng (không phải là các TCHNCC) thường đứng ra mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các CCV. Khi có rủi ro xảy ra, bảo hiểm chịu trách nhiệm một phần, CCV sẽ chịu trách nhiệm phần còn lại.

Ở nước ta, Hiệp hội Công chứng liên tiếp được thành lập tại nhiều địa phương thì phải chăng đã đến lúc cần tính toán đến giải pháp này.

Tin Cùng Chuyên Mục