Phúc Khang Corporation càng mở rộng quy mô, kinh doanh càng thụt lùi

Quỳnh Chi

Trong khi tài sản và vốn chủ sở hữu của Phúc Khang Corporation liên tục tăng qua các năm thì doanh thu và lợi nhuận lại giảm. 

Làn sóng phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay vẫn ồ ạt mặc dù đã có những cảnh báo rủi ro, đặc biệt là với các doanh nghiệp bất động sản - một ngành nghề tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Mới đây, Công ty TNHH MTV Quản lý Đầu tư Phúc Khang (PKIM) tiếp tục công bố phát hành thành công 500 tỷ đồng trái phiếu.

Lô trái phiếu này được phát hành hôm 23/11/2020, có kỳ hạn 48 tháng, được  phát hành bởi Công ty cổ phần Chứng khoán Tiên Phong và Ngân hàng Tiên Phong (TPBank).

Công ty Quản lý Đầu tư Phúc Khang thoạt nhiên là một pháp nhân còn xa lạ trên thị trường doanh nghiệp bất động sản, tuy nhiên cái tên Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Phúc Khang (Phúc Khang Corporation) của vợ chồng doanh nhân Trần Tam (sinh năm 1974) và Lưu Thị Thanh Mẫu (sinh năm 1978) lại khá quen thuộc với giới đầu tư phía Nam.

PKIM thực chất là công ty con và do Phúc Khang Group sở hữu 100% vốn điều lệ. Công ty được thành lập ngày 27/10/2017 với số vốn điều lệ 160 tỷ đồng. Chủ tịch kiêm người đại diện trước pháp luật là bà Lưu Thị Thanh Mẫu.

Ông Trần Tam - Chủ tịch HĐQT Phúc Khang Corporation. Nguồn: PKC.
Ông Trần Tam - Chủ tịch HĐQT Phúc Khang Corporation. Nguồn: PKC.

Trụ sở chính của PKIM được đặt tại của Phúc Khang Group, đồng thời cũng là nơi ở của vợ chồng vị doanh nhân sáng lập theo địa chỉ Ngô Thời Nhiệm, quận 3, TP HCM. Ngành nghề chính của công ty là kinh doanh bất động sản. 

Chỉ cách vài ngày thương vụ phát hành trái phiếu, Phúc Khang Corporation đã thế chấp toàn bộ số cổ phần tại PKIM với tổng giá trị là 374,5 tỷ đồng vào TPBank.

Đầu tư bất động sản "xanh" có thực sự hiệu quả?

Phúc Khang Corporation hiện có một loạt dự án ở phía Nam được phát triển theo hướng dự án xanh. Ở TP HCM, đơn vị này phát triển dự án Diamond Lotus Riverside (16.600 m2 tại quận 8), Diamond Lotus Lakeview (11.459 m2 tại quận 11), Rome by Diamond Lotus (Thủ Thiêm, Quận 2), Eco Town (3 ha tại Hóc Môn). Phúc Khang Corporation hiện cũng phát triển một số dự án ở vùng ven như Eco Sun (79.000 m2) tại Đồng Nai), Eco Village (95 ha) và Làng Sen Việt Nam (65 ha) tại Long An.

Doanh nghiệp này hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản từ tháng 4/2009 với số vốn điều lệ ban đầu là 200 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật là ông Trần Tam. Vợ của ông Tam, bà Lưu Thị Thanh Mẫu giữ chức Tổng giám đốc công ty. Đầu năm 2019, công ty đã nâng vốn điều lên 450 tỷ đồng. 

Tập trung vào lĩnh vực bất động sản xanh nhưng trong 4 năm trở lại đây từ 2016 - 2019, kết quả kinh doanh của Phúc Khang Corporation không thực ấn tượng khi tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu ở mức thấp.

Phúc Khang Corporation càng mở rộng quy mô, kinh doanh càng thụt lùi - Ảnh 1

Cụ thể, năm 2016 và 2017, doanh thu thuần của Phúc Khang Corporation lần lượt đạt 101,6 tỷ đồng và 132,2 tỷ đồng, lãi thuần ở mức 0,2 tỷ đồng và 1,19 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận rất thấp, chỉ 0,19% và 0,9%

Năm 2018, doanh thu thuần sụt giảm nghiêm trọng khi đạt với 85,1 tỷ đồng, đi kèm lợi nhuận thuần vỏn vẹn 1,47 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 1,7%.

Năm 2019, Phúc Khang Corporation tiếp tục ghi nhận doanh thu thuần giảm còn 55,1 tỷ đồng, báo lãi thuần ở mức 2,46 tỷ đồng, tương ứng biên lợi nhuận 4,4%.

Nếu nhìn vào các chỉ số tuyệt đối của doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp so với quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu thì thấy rõ sự bất cân đối. Trong khi tài sản và vốn chủ sở hữu liên tục tăng qua các năm thì doanh thu và lợi nhuận lại giảm. 

Theo đó, tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Phúc Khang Corporation đạt 2.590 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm đầu năm; vốn chủ sở hữu tăng gấp hơn 6 lần lên mức 1.196 tỷ đồng.

Tuy nhiên, Phúc Khang Corporation mới chỉ là một mắt xích hạt nhân lõi trong hệ sinh thái Phúc Khang Group. Để đánh giá một cách toàn diện về quy mô thực chất của công ty vợ chồng doanh nhân kín tiếng này cần phải xét tới kết quả kinh doanh của các công ty khác trong tổ hợp gồm nhiều thành viên này.

Hé lộ hệ sinh thái Phúc Khang Group

Bên cạnh Phúc Khang Corporation, vợ chồng Chủ tịch HĐQT Trầm Tam và bà Lưu Thị Thanh Mẫu còn là cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Phúc Long Vân (Phúc Long Vân). Công ty này được thành lập vào tháng 2/2015, trụ sở chính đặt tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Trong đó, Phúc Khang Corporation sở hữu 12,25 triệu cổ phần, ông Tam và bà Mẫu đứng tên 10,25 triệu cổ phần.

Tại thời điểm ngày 21/6/2019, Phúc Long Vân có vốn điều lệ 250 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bắt đầu có sự thay đổi. Ngoài Phúc Khang Corporation nắm 34% vốn điều lệ thì xuất hiện thêm 2 tổ chức khác nắm cổ phần của Phúc Long Vân là: Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng Tân Đô (Tân Đô CIC) và Công ty cổ phần Bất động sản Tân Vạn Hưng, lần lượt nắm 51% và 15%. Vợ chồng vị chủ tịch không còn nắm giữ trực tiếp bất cứ cổ phần nào.

Tuy chỉ còn là đại diện Phúc Khang Group, không phải là cổ đông nắm giữ đa số vốn điều lệ nhưng người đại diện trước pháp luật kiêm vị trí Chủ tịch HĐQT tới hiện tại của Phúc Long Vân vẫn là ông Trần Tam.

Vào giữa năm 2019, Phúc Long Vân đã phát hành thành công 1.350 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 48 tháng, lãi suất cho kỳ đầu tiên cố định ở mức 11,75%. Trước đó vài ngày, Phúc Long Vân đã thế chấp toàn bộ quyền tài sản và lợi ích phát sinh liên quan tới dự án đầu tư Khu dân cư Phúc Long Vân tại Xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An tại Ngân hàng PVComBank.

Và ngoài lĩnh vực kinh doanh chính, vợ chồng chủ tịch Trần Tam còn thể hiện sự quan tâm khác với giáo dục khi thành lập Công ty TNHH Giáo dục Sen Kim Cương Việt Nam do bà Mẫu là Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm người đại diện pháp luật.

Tin Cùng Chuyên Mục