POPs và Truyền hình FPT tố nhau, sự thật thuộc về ai?

Theo Thế Lâm/Lao Động

Trong khi POPs cho biết đã đâm đơn kiện Truyền hình FPT từ tháng 4.2019, thì những ngày qua, hai phía vẫn tiếp tục tố qua tố lại nhau về việc xâm phạm bản quyền nội dung thuộc quyền sở hữu và quyền khai thác của cả hai phía.

POPs và Truyền hình FPT tố nhau, sự thật thuộc về ai? - Ảnh 1

 

Tố xuôi và tố ngược

Ở chiều tố xuôi, POPs cáo buộc rằng, tính đến thời điểm hiện tại Truyền hình FPT đã xâm phạm và khai thác, thu lợi trái phép từ 303 nội dung thuộc sở hữu của POPs và hơn 1.500 nội dung của đối tác mà POPs được cấp phép.

Truyền hình FPT thuộc FPT Telecom bác bỏ các cáo buộc của POPs, rằng: “Không xâm phạm bản quyền như POPs cáo buộc trong cuộc họp ngày 9.5. Các bằng chứng POPs đưa ra là thiếu căn cứ. Biên bản làm việc ghi nhận một chiều”.

Tuy nhiên trong một động thái mới nhất, POPs cũng chỉ ra rằng đến thời điểm 25.5.2019, trường hợp nội dung như “Doraemon” POPs được ủy quyền phân phối  vẫn còn trên hệ thống của Truyền hình FPT.

Theo Truyền hình FPT,  phía này đã gặp gỡ để trao đổi hợp tác với POPs nhưng đến lần thứ 3 vẫn bất thành. Truyền hình FPT còn cho rằng POPs “cố tình sử dụng truyền thông như một công cụ gây sức ép, yêu cầu Truyền hình FPT trả số tiền lớn hoàn toàn không có căn cứ”.

Ở chiều tố ngược, ngày 22.5.2019, Cty CP sở hữu trí tuệ Bross và cộng sự được FPT Telecom ủy quyền đã gửi đến bà Esther Nguyễn - Giám đốc của POPs - thư cảnh báo về hành vi xâm phạm quyền tác giả của Truyền hình FPT trên Internet.

Cụ thể, Truyền hình FPT cảnh báo việc POPs trong hai năm gần đây đã sao chép, sử dụng và truyền đạt đến công chúng video ca nhạc “Tâm sự với anh” do ca sĩ Hoàng Nhã Vy trình bày thuộc quyền sở hữu của Cty TNHH sự kiện truyền thông Phúc Lâm (đã cấp quyền sử dụng, khai thác độc quyền và thực thi bảo vệ quyền tác giả cho Truyền hình FPT) trên nền tảng YouTube và ứng dụng POPs trên điện thoại có kèm phát quảng cáo.

Thế nhưng phía POPs cũng đã phủ nhận cáo buộc và cho rằng ca sĩ Hoàng Nhã Vy đã đồng ý cho POPS được sử dụng và phân phối ca khúc này.

Tòa sẽ phân định sự thật

Phía Truyền hình FPT cho rằng POPs muốn phía FPT đưa ra một khoản tiền bồi thường không tưởng lên đến hàng chục triệu đôla với một lý luận tính toán không có căn cứ. FPT cũng cho rằng sẵn sàng “hầu tòa” đến cùng.

Tuy nhiên cách nhìn nhận từ POPs thì lại khác. Cty này cho rằng, mức yêu cầu bồi thường được cho rằng khoảng 15 triệu đôla là dựa trên các thiệt hại mà POPs cùng với các đối tác của mình trong suốt quá trình bị Truyền hình FPT khai thác trái phép hơn 1.800 nội dung.

Sự “đấu tố” và đôi co qua lại giữa hai bên, rằng ai vi phạm của ai, có vi phạm hay không và mức bồi thường được đặt ra trên những căn cứ và tính toán như thế nào… có lẽ sẽ chẳng bao giờ kết thúc nếu không có một cơ quan pháp luật ở giữa đứng ra giải quyết.

Thực tế cũng đã cho thấy, hai bên đã gặp nhau đến 3 lần trao đổi nhưng không giải quyết được khúc mắc, mà thậm chí ngược lại vấn đề còn được “bung bét” trên truyền thông.

Chính vì thế, con đường duy nhất để cho cả hai chứng minh việc có vi phạm hay không và phải thực sự thuyết phục được từ các bằng chứng cả cáo buộc và phản bác chứ không chỉ bằng “võ mồm”.

Và có lẽ, vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung, quyền tác giả và chống nạn xâm phạm các quyền này cũng cần được làm rõ và xử nghiêm từ trường hợp cuộc “đấu tố” giữa POPs và Truyền hình FPT.

Tin Cùng Chuyên Mục