Qua thời kỳ đỉnh cao, cổ tức tiền mặt lại “trở về” với cổ đông ngân hàng

Túc Mạch

Không còn yêu cầu không chia cổ tức bằng tiền mặt từ NHNN, đồng thời giá cổ phiếu sụt giảm mạnh so với đỉnh, nhiều ngân hàng đã bắt đầu ra thông báo trả cổ tức bằng tiền mặt để “xoa dịu” các cổ đông.

Theo đó vào thời điểm năm 2020, khi dịch bệnh COVID-19 đang hoành hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt để nhằm dành nguồn lực xử lý các khoản nợ xấu, trái phiếu VAMC và phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Ngoại lệ duy nhất đối với việc trả cổ tức tiền mặt là đối với các ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank) do yêu cầu từ Kho bạc Nhà nước.

Thời điểm đó, các ngân hàng chọn phương án phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, nhằm giúp tăng thêm vốn điều lệ, nâng cao tỷ lệ an toàn vốn, thông qua đó có thêm dư địa để tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra cũng có nhiều nhà băng chọn phương án giữ lại toàn bộ lợi nhuận, để đảm bảo hoạt động kinh doanh.

Đến ngày 13/1, Thống đốc NHNN đã ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm ngành ngân hàng năm 2023, trong đó không còn yêu cầu các ngân hàng không chia cổ tức bằng tiền mặt mà chỉ khuyến khích trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và khả năng cấp tín dụng cho nền kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Đây cũng là nút mở pháp lý cho việc trả cổ tức bằng tiền mặt cho các cổ đông, trong thời điểm thị trường chứng sụt giảm.

Theo đó, với đà suy giảm chung của thị trường, nhiều cổ phiếu ngân hàng cũng giảm mạnh so với thời kỳ đỉnh cao cách đây 1-2 năm. Việc tiếp tục trả cổ tức bằng cổ phiếu có thể khiến một bộ phận cổ đông không hài lòng, nhất là những cổ đông lâu năm, thích tiền mặt hơn là cổ phiếu.

Ngân hàng tiên phong trong việc trả cổ tức phải nhắc đến VIB. Đây là nhà băng đầu tiên thông báo chi trả cổ tức tiền mặt trong năm nay. Theo thông báo của VIB, ngày 10/2/2023 là ngày đăng ký cuối cùng chi trả tạm ứng cổ tức bằng tiền năm 2022 với tỷ lệ 10% (1 cổ phiếu được hưởng 1,000 đồng). Ngày 9/2/2023 là ngày giao dịch không hưởng quyền và 03/3/2023 là ngày thanh toán.

Với đợt trả cổ tức này, ước tính VIB sẽ phải tạm ứng hơn 2.100 tỷ đồng để trả cổ tức cho hơn 2.1 tỷ cổ phiếu đang lưu hành. Trước đó vào năm 2022, VIB đã chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 35%.

Ngoài ra mới đây, ngân hàng TPBank cũng thông báo về việc trả cổ tức bằng tiền mặt. Ngày 21/2/2023 là ngày đăng ký cuối cùng thực hiện quyền trả cổ tức bằng tiền mặt cho cổ đông và ngày 3/3/2023 là ngày thanh toán.

Tuy nhiên, sau đó TPBank đã dời ngày đăng ký cuối cùng để chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm 2023 từ lợi nhuận chưa phân phối còn đến năm 2021 sau khi trích lập các quỹ sang ngày 21/3/2023. Ngày thực hiện thanh toán dời sang 3/4/2023. Lý do đưa ra là để rà soát và hoàn thiện thủ tục của Ngân hàng.

Tỷ lệ chi trả cổ tức của TPBank là 25% (1 cổ phiếu được nhận 2,500 đồng) và với hơn 1.58 tỷ cp đang lưu hành, ước tính TPBank sẽ dành ra hơn 3.954 tỷ đồng cho đợt chi trả cổ tức này.

Bên cạnh các ngân hàng đã chốt quyền, trong kế hoạch năm nay, nhiều ngân hàng cũng dự kiến sẽ trả cổ tức bằng tiền. Cụ thể, trong kế hoạch phân phối lợi nhuận đã được trình tại ĐHĐCĐ 2022 của ACB, Ngân hàng dự kiến chia cổ tức với tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt.

Trước đó, Chủ tịch HĐQT VPBank cũng từng chia sẻ tại ĐHĐCĐ 2022 về việc dự kiến từ năm 2023 sẽ trình ĐHĐCĐ chia cổ tức tiền mặt với tỷ lệ 30% lợi nhuận sau thuế hàng năm.

Tương tự, tại ĐHĐCĐ 2021, Chủ tịch của Sacombank cũng từng đề cập về việc có thể chi trả cổ tức cho cổ đông, chậm nhất là đến năm 2023.

Tin Cùng Chuyên Mục