Quản trị tài sản trí tuệ trong kỷ nguyên 4.0

Luật sư Đậu Thị Quyên

Luật sư Đậu Thị Quyên - LP Group đã có tư vấn về những vấn đề doanh nhân và doanh nghiệp cần chú ý trong việc phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ trong Kỷ nguyên 4.0.

Tại Việt Nam, thời gian qua các phương tiện truyền thông liên tục đưa tin các vụ việc liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ, không chỉ đến từ các cá nhân, doanh nghiệp mà còn cả phía các cơ quan quản lý Nhà nước. Điển hình là các vụ việc tạo sóng dư luận mạnh mẽ như Youtube xóa hàng loạt các Fanpage vì cho rằng vi phạm “luật bản quyền” của họ, hay việc RIAV quyết định thu phí các cơ sở kinh doanh karaoke... Mới đây nhất là việc Apple gửi công văn đến các doanh nghiệp Việt Nam yêu cầu chấm dứt các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của họ đối với thương hiệu “trái táo cắn dở”. Vậy nhìn từ góc độ quản trị, doanh nhân và doanh nghiệp cần chú ý những vấn đề nào trong việc phát triển và bảo vệ tài sản trí tuệ trong Kỷ nguyên 4.0?

Quản trị tài sản trí tuệ trong kỷ nguyên 4.0 - Ảnh 1
Luật sư Đậu Thị Quyên - LP Group

Các thách thức phải đối mặt trong kỷ nguyên thông tin

Vô số các tài sản trí tuệ không ngừng được tạo ra hàng ngày, hàng giờ bởi hàng triệu con người trên khắp thế giới cùng chung nhau một môi trường internet. Do vậy, sự trùng hợp các ý tưởng là điều dễ thấy hay sự “sao chép”, “ăn cắp” các tài sản trí tuệ này cũng vô cùng nhanh chóng và “thần tốc”. Đây là thực trạng phổ biến của các nhà sản xuất game và ứng dụng. Rất nhiều trường hợp thực tế phiên bản mới được chào hàng ra công chúng thì đã có phiên bản nhái bắt mắt hơn và hoàn chỉnh hơn được tung ra thị trường, ví dụ như Pokemon Go, Clash Royale… Không giống như các nước phát triển khác có một hệ thống bảo hộ quyền tác giả chặt chẽ, hệ thống pháp luật Việt Nam về xử lý vi phạm quyền tác giả, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ số chưa được hoàn thiện. Điều đó dẫn đến năng lực thực thi quyền của chủ sở hữu không cao, ảnh hưởng đến quyền lợi của người sáng tạo.

Việt Nam đang trở thành “quốc gia khởi nghiệp” khi phong trào này được giới dân doanh và Chính phủ hỗ trợ. Các Co-working Space liên tục được mở ra tạo không gian “sáng tạo” cho khởi nghiệp gia hay rất nhiều các tỉnh, thành xây dựng “vườn ươm doanh nghiệp” để chắp cánh cho các dự án chứa đựng hàm lượng trí tuệ lớn. Song, trên thực tế vẫn có trường hợp các chủ sở hữu của các giải thưởng lớn từ phong trào khởi nghiệp bị tố vi phạm hoặc ăn cắp ý tưởng của nhiều khởi nghiệp gia khác để “thi đấu”.

Các đồng sở hữu không biết quản trị tài sản trí tuệ ngay từ đầu dẫn đến hiện tượng tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ khi “ra riêng”. Hay việc nhà đầu tư từ chối “rót vốn” vào dự án khi chủ sở hữu chưa “trình” được các bằng chứng về quyền sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó là các xung đột về việc phân chia quyền lợi liên quan đến tài sản vô hình này vẫn là các “mô-típ” quen thuộc diễn ra hàng ngày trong xu thế khởi nghiệp mà các doanh nhân phải đối mặt và giải quyết.

Và những lưu ý về tài sản trí tuệ trong kỷ nguyên 4.0

Thay đổi cách thức quản trị cho phù hợp: Không giống như trước đây, cuộc cách mạng công nghiệp mở ra nhiều bài toán quản trị hơn cho các doanh nhân và doanh nghiệp về sở hữu trí tuệ. Thay vì chiếm hữu độc quyền để thu phí cấp phép như cách thức truyền thống thì chủ sở hữu suy nghĩ nhiều hơn đến vấn đề hợp tác cùng nhau khai thác tối đa giá trị quyền sở hữu trí tuệ. Ví dụ như Samsung và Apple thường xuyên có các thỏa thuận sử dụng chung bằng sáng chế để phát triển các dòng sản phẩm. Hay như việc rất nhiều phần mềm được cấp phép sử dụng miễn phí mà không yêu cầu thu phí từ người dùng khi hết hạn miễn phí (WINRAR là một ví dụ), thì chủ sở hữu nhắm tới việc chiếm lĩnh thị phần rồi khai thác các giá trị khác từ người dùng hơn là tiền bản quyền.

Linh hoạt trong sáng tạo và bảo vệ: Thay vì luôn luôn đóng vai “là cảnh sát của chính mình” để xem liệu có bên thứ ba nào xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình không, thì nhiều chủ sở hữu chuyển sang đầu tư thời gian và công sức vào việc sáng tạo các sản phẩm mới. Liệu rằng họ có “bỏ mặc” cho các vi phạm diễn ra tràn lan hay không? Câu trả lời là họ không bỏ mặc, các chủ sở hữu đang tính toán bài toán về thời điểm và lợi ích khi theo đuổi vụ việc. Rất nhiều các cá nhân và doanh nghiệp Việt Nam sử dụng phần mềm không có bản quyền của Microsoft, hay vô tư kinh doanh trên thương hiệu của Apple. Nhưng giờ đây họ đã phải nhận công văn từ các đơn vị này yêu cầu chấm dứt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

Cơ hội thương mại hóa rất lớn: Nhiều người cứ nghĩ rằng thương mại hóa tài sản trí tuệ là một việc làm khó khăn. Song, ở góc độ quản trị, sự sáng tạo và chất xám luôn có giá trị thương mại, đặc biệt là trong Kỷ nguyên 4.0 thì cơ hội lại càng nhiều. Chỉ cần một Vlog hay một đoạn phim, một ca khúc, một dòng status trên Facebook…hoàn toàn có thể tạo ra thu nhập cho chủ sở hữu. Trong doanh nghiệp, một ý tưởng hay giải pháp giải quyết các tình thế khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt, cũng có khả năng thương mại hàng loạt để tạo ra thu nhập. Ví dụ như bài toán cắt giảm lao động trong doanh nghiệp bằng phương pháp công nghệ, hay cắt giảm phi phí đầu tư…đều là kết quả của các giải pháp mang tính trí tuệ và góp phần tạo ra dòng tiền trong doanh nghiệp.

Doanh nghiệp và doanh nhân cần làm gì?

Hiểu bản chất của tài sản trí tuệ: Đó không chỉ đơn giản là một đối tượng như nhãn hiệu, slogan. Đó là một loại tài sản với đầy đủ tính năng pháp lý để “mua bán” như bao loại tài sản hữu hình khác. Giá bán cũng phong phú và đa dạng mà không có một “giá thị trường” nào có thể áp đặt lên giá trị của quyền sở hữu trí tuệ trong thời đại ngày nay.

Liên tục tạo lập và bảo vệ: Sức mạnh của quyền sở hữu trí tuệ sẽ thực sự phát huy khi cả tổ chức đồng loạt nhận thức đúng và đủ về giá trị của quyền sở hữu trí tuệ để liên tục tạo lập và thực hiện việc bảo vệ nó. Theo mô hình kinh doanh truyền thống, phải có dòng vật chất tức nhà xưởng, máy móc, thì mới tạo ra được dòng tri thức và từ dòng tri thức mới tạo ra được dòng tiền. Song, thời đại 4.0 đã tạo ra các công ty không bị phụ thuộc vào dòng vật chất như xe cộ, nhà xưởng, mà được xây dựng và phát triển trên “nền tảng” của công nghệ, của sự “vô hình”.

Quản trị thông minh: Đừng nghĩ đến việc bảo hộ các đối tượng nhỏ lẻ. Hãy khai thác đối đa các đơn vị sở hữu trí tuệ như một sản phẩm của nhân viên, một ý tưởng của người quản lý, một chiến dịch thực hiện trên thực tế…Đừng nghĩ nhiều tới “độc quyền” mặc dù độc quyền là một trong những quyền năng lớn nhất mà quyền sở hữu trí tuệ trao cho chủ sở hữu nó. Hãy nghĩ tới các giá trị và phương thức khai thác, bởi luôn có một giới hạn về thời gian bảo hộ của các đối tượng sở hữu trí tuệ, trong khi một công nghệ được cho rằng tân tiến hôm nay thì vẫn có thể bị lỗi thời trong ngày mai bởi đơn giản đây là Kỷ nguyên 4.0. Cần có cơ chế quản trị theo hệ thống và linh hoạt theo từng đối tượng chứ không cứng nhắc như tài sản hữu hình.