Quảng cáo xe buýt thất bại, TPHCM tính giảm giá

Theo TBKTSG

Sự phát triển của nhiều hình thức quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời bằng màn hình LED đã khiến quảng cáo trên xe buýt của TPHCM không còn hấp dẫn. Trải qua bốn lần đấu giá đều thất bại khi không có doanh nghiệp nào tham gia, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TPHCM đang trình phương án giảm giá.

Quảng cáo xe buýt thất bại, TPHCM tính giảm giá - Ảnh 1
Chỉ có một số xe buýt có dán quảng cáo do đấu thầu thành công đợt 1- Ảnh: Anh Quân

Trao đổi với báo chí tại cuộc gặp ngày 19-6, ông Võ Khánh Hưng, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết hiện nay quảng cáo trên thân xe buýt chỉ đấu thầu thành công được một lần duy nhất. Những lần đấu giá sau không có doanh nghiệp nào tham gia.

Chỉ đến năm 2016, TPHCM mới bắt đầu cho thí điểm dịch vụ quảng cáo trên thân xe buýt. Một năm sau, đề án quảng cáo trên xe buýt chính thức được chính quyền thành phố phê duyệt và thực hiện. Thế nhưng, chỉ có một số tuyến đấu giá thành công, từ đó đến nay đã qua bốn lần đấu giá đều thất bại khi không có doanh nghiệp nào tham gia.

Lý giải cho việc thất bại quảng cáo trên xe buýt, ông Hưng cho biết, việc quảng cáo trên xe buýt và các nhà chờ hiện nay có nhiều thay đổi với nhiều công nghệ khác nhau, đặc biệt là quảng cáo ngoài trời bằng màn hình LED. Loại hình quảng cáo này có lợi thế quảng cáo được nhiều sản phẩm, xuất hiện được nhiều lần nên quảng cáo trên xe buýt bị lép vế.

Trong bốn lần đấu giá sau, Sở GTVT TPHCM đã chia ra làm nhiều gói thầu khác nhau nhưng đấu thầu đều thất bại. Sau đó, Sở GTVT đề xuất giảm giá để thu hút nhà đầu tư. Hiện nay, phương án giảm giá đang xin ý kiến của chính quyền thành phố.

Về phía doanh nghiệp, ông Đặng Văn Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Quảng cáo Phước Sơn, cho biết nguyên nhân thất bại của bốn lần đấu giá quảng cáo xe buýt tại TPHCM là Nhà nước ôm đồm quá nhiều và dựa trên tư duy của người quản lý mà không nắm được thị trường và nhu cầu của người thuê quảng cáo.

Cách đây 10 năm nhu cầu quảng cáo ngoài trời nhiều, nhưng hiện nay quảng cáo ngoài trời đã giảm đến 30% vì khách hàng chuyển qua quảng cáo trực tuyến, nên quảng cáo xe buýt không còn hấp dẫn.

Không những vậy, nhiều xe buýt tại TPHCM đã cũ và xuống cấp, trong khi giá quảng cáo đưa ra rất cao so với các tỉnh thành khác và so với giá quảng cáo trực tuyến. Theo ông Sơn, ở các tỉnh thành lân cận như Đồng Nai, Long An, phí quảng cáo trên xe buýt chỉ hơn chục triệu đồng, cao nhất là 30 triệu/xe/năm, còn TPHCM từ 90-100 triệu xe/năm là quá cao.

Để thu được tiền quảng cáo trên xe buýt nhằm giảm trợ giá, ông Đặng Phước Sơn cho rằng trước hết cơ quan quản lý cần thuê một đơn vị tư vấn độc lập đánh giá lại thị trường, sau đó tổ chức các hội thảo mời các công ty quảng cáo cùng nhau ngồi lại phân tích để đánh giá và có cái nhìn tổng thể về nhu cầu quảng cáo xe buýt tại TPHCM.“Tôi cho rằng không cần phải đấu giá làm gì mà nên giao cho các hợp tác xã xe buýt tự mời gọi quảng cáo rồi trả một phần chi phí để chủ xe bảo trì, bảo dưỡng, tạo bộ mặt đẹp cho xe buýt, khi đó mời gọi quảng cáo mới hiệu quả. Nếu để tình trạng như hiện nay, khi quảng cáo họ không được hưởng lợi gì nên không mặn mà”, ông Sơn đề xuất.

Tin Cùng Chuyên Mục