Quảng Ninh: Doanh nghiệp "tố" bị Cục Thú y nhiều lần "làm khó"?

Ngọc Trìu

Doanh nghiệp chờ được Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiểm dịch lô hàng nội tạng động vật trên cạn nhập khẩu từ nước ngoài về nhưng bất ngờ bị từ chối dù không hề bị pháp luật nghiêm cấm.

Doanh nghiệp kêu khó

Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Quảng Ninh (gọi tắt là Công ty Thủy sản Quảng Ninh) hoạt động từ năm 2009 với ngành nghề chính là chế biến thủy sản xuất khẩu. Do khó khăn về việc thiếu hụt nguồn nguyên liệu, sự mất ổn định của ngành điện nên từ năm 2010 công ty chuyển hướng sang kinh doanh, chế biến xuất khẩu các sản phẩm động vật trên cạn (thịt, phụ phẩm, nội tạng). Công ty đã được Cục Thú y kiểm tra, đánh giá và cấp giấy chứng nhận điều kiện vệ sinh thú y số 80/TY-CNVSTY vào năm 2015.

Đầu năm 2017, Công ty Thủy sản Quảng Ninh ký kết hợp đồng nhập khẩu 42.750 tấn (tương đương 1.500 container - PV) gồm phụ phẩm và phủ tạng trâu, bò, lợn đông lạnh với công ty Yicheng Foods Limited (có địa chỉ tại Unit 716, Hewleft Center Hoi Yuen road, Kwun Tong Kowloon, Hong Kong). Cửa khẩu xuất thành phẩm được ấn định là Móng Cái (Quảng Ninh).

Ông Nguyễn Văn Xuân (Phó Giám đốc Công ty Thủy sản Quảng Ninh) cho biết, ngày 29/4/2017, công ty có công văn số 03/17/TT/DKKD-QNSF và các giấy tờ liên quan đăng ký kiểm dịch nhập khẩu các loại phủ tạng (sản phẩm động vật trên cạn) theo quy định tại Điều 11 Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT là đúng quy định Việt Nam về nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu và Phụ lục số I tại Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT về Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch.

Gần 2 tuần sau, tức ngày 11/05/2017, Cục Thú Y có văn bản số 863/TY-KD ngày 8/5/2017 do Phó Cục trưởng Đàm Xuân Thành ký về việc kiểm dịch nhập khẩu các loại nội tạng để gia công xuất khẩu. Theo nội dung công văn: Các sản phẩm do Công ty đề nghị nêu trên không thuộc quy định của Việt Nam về nhập khẩu để gia công, chế biến xuất khẩu.

Để giải thích và trình bày mặt hàng kinh doanh đúng quy định của pháp luật, ngày 13/5/2017, Công ty Thủy sản Quảng Ninh đã gửi công văn số 26/17/CV-QNSF nói rõ: Căn cứ Mục a, Khoản 2, Điều 3 Luật Thú Y số 79/2015/QH13, giải thích từ ngữ “Sản phẩm động vật trên cạn là thịt, trứng, sữa, mật ong, sáp ong, sữa ong chúa, tinh dịch, phôi động vật, huyết, nội tạng, da, lông, xương, sừng, ngà, móng và các sản phẩm khác có nguồn gốc từ động vật trên cạn”.

Còn chính tại Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT, tại Khoản 2, Mục II phụ lục I Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch. Trong đó nêu rõ “Sản phẩm động vật bao gồm thịt, phụ phẩm, phủ tạng và các sản phẩm từ thịt, phụ phẩm, phủ tạng... dưới dạng tươi sống, hun khói, phơi khô, hun khói, phơi khô, ướp muối, đông lạnh, đóng hộp” đều phải thực hiện đăng ký kiểm dịch với Cục Thú Y và kiểm dịch nhập khẩu trước khi thông quan.

Quảng Ninh: Doanh nghiệp
Doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa pháp luật không cấm nhưng Cục Thú y từ chối kiểm dịch. (Ảnh minh họa)

Những tưởng sự việc sẽ được xem xét giải quyết nhưng đến ngày 7/6/2017, Công ty lại nhận được công văn số 926/TY-KD ngày 16/5/2017 về việc kiểm dịch nhập khẩu các loại phụ phẩm và phủ tạng của trâu, bò, lợn để gia công xuất khẩu được Phó Cục Trưởng Đàm Xuân Thành ký.

Tại công văn này, Cục Thú Y tiếp tục không chấp thuận cho Công ty TNHH Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Quảng Ninh đăng ký kiểm dịch và nhập khẩu sác sản phẩm phủ tạng của động vật trên cạn, đồng thời tại mục 2 của công văn có nội dung: “Cục Thú Y xin trao đổi như sau: Sản phẩm động vật được định nghĩa trong Luật Thú y là áp dụng chung cho việc xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, vận chuyển trong nước”.

Pháp luật không cấm, tại sao doanh nghiệp bị làm khó?

Trao đổi với phóng viên, ông Xuân cho rằng: "Các văn bản pháp luật hiện hành, không có quy định nào về việc cấm nhập khẩu sản phẩm động vật là phủ tạng vào Việt Nam để gia công, chế biến hàng xuất khẩu".

Ông Xuân nêu quan điểm, tại khoản 1, Điều 11, Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT có nêu: Việc kiểm dịch nhập khẩu động vật, sản phẩm động vật để gia công, chế biến hàng xuất khẩu được thực hiện theo quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật nhập khẩu, sẽ dẫn chiếu đến quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư về Danh mục động vật, sản phẩm động vật trên cạn thuộc diện phải kiểm dịch, trong đó tại mục II quy định như sau: “II. SẢN PHẨM ĐỘNG VẬT: "Thịt, phủ tạng, phụ phẩm và sản phẩm từ thịt, phủ tạng, phụ phẩm của động vật quy định tại mục I của Danh mục này ở dạng tươi sống, hun khói, phơi khô, sấy, ướp muối, ướp lạnh, đông lạnh, đóng hộp.”

Do đó, việc công ty hay bất cứ doanh nghiệp nhập khẩu phủ tạng của động vật về Việt Nam phải đăng ký và thực hiện việc kiểm dịch trước khi thông quan mới đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, tại khoản 2, Điều 11 Thông tư số 25/2016/TT- BNNPTNT có ghi rõ: "2. Sản phẩm động vật trên cạn, bao gồm: Thịt, tai, đuôi, chân, cánh của gia súc, gia cầm nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, chế biến hàng xuất khẩu phải được cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu thực hiện việc kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu...".

Vậy đối với các sản phẩm nội tạng không được liệt kê trong Khoản 2 thì cần được Cục Thú y kiểm dịch trước khi gia công xuất khẩu. Rõ ràng, chức năng của Cục Thú y là có nhưng tại sao lại "nhanh chóng" từ chối kiểm dịch và làm khó doanh nghiệp như trường hợp này?

Sau khi nhận được Công văn số 863, Công ty Thủy sản Quảng Ninh đã có ý kiến với Cục Thú y bằng Công văn 26/17/CV-QNSF trình bày vướng mắc và đề nghị Cục Thú y phối hợp. Tuy nhiên, Cục Thú y vẫn tiếp tục từ chối doanh nghiệp. Thậm chí, đã 2 lần Ban Giám đốc Công ty Thủy sản Quảng Ninh đến trụ sở Cục Thú y liên hệ làm việc (đã gửi lịch làm việc qua đường email điện tử từ trước đó) nhưng lãnh đạo Cục Thú y đều không tiếp mà chỉ cử cán bộ pháp chế "nói chuyện". Các buổi nói chuyện đều không có văn bản hay biên bản cụ thể mà cán bộ Cục Thú y chỉ nói: "Sẽ báo cáo lãnh đạo rồi trao đổi lại sau".

Có thể thấy, việc Công ty Thủy sản Quảng Ninh gửi hồ sơ xin đăng ký kiểm dịch đối với một số sản phẩm phụ tạng của động vật nhập khẩu vào Việt Nam để gia công, chế biến hàng xuất khẩu là hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam về nhập khẩu hàng hóa, đăng ký kiểm dịch động vật và sản phẩm động vật trên cạn. Điều đáng nói, hàng hóa nhập khẩu mà công ty kinh doanh thuộc trách nhiệm kiểm dịch của Cục Thú y và không hề bị pháp luật nghiêm cấm.

Doanhnhan.vn sẽ tiếp tục thông tin về sự việc này.

Tin Cùng Chuyên Mục