Quyết định kiểm soát giá dầu thô của OPEC có thật sự gây bất lợi cho các nước châu Á?

Hiếu Nguyễn (theo Nikkei Asian Review)

(Doanhnhan.vn) - Sẽ thật là nông cạn và sai lầm khi tranh cãi về việc các nền kinh tế "khát dầu mỏ" tại Châu Á sẽ phải chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước thành viên quyết định giảm sản lượng dầu trên thế giới - Trang Asian Nikkei phân tích.

Ngày 12/3 vừa qua, Ả rập Xê út và Nga đã đi tới một thỏa thuận mang tính lịch sử, chấm dứt cuộc chiến về giá dầu. Cùng với đó, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Nga và các quốc gia sản xuất dầu mỏ khác (OPEC+) đã nhất trí cắt giảm sản lượng với mức kỷ lục: 9,7 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu, nhằm hỗ trợ giá dầu trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Mức giảm này sẽ còn 8 triệu thùng/ngày từ tháng 7 - 12.2020 và 6 triệu thùng/ngày từ đầu năm 2021 đến tháng 4.2022.

Quyết định kiểm soát giá dầu thô của OPEC có thật sự gây bất lợi cho các nước châu Á? - Ảnh 1

 

Thị trường dầu mỏ không đánh giá cao thỏa thuận trên. Nhu cầu dầu mỏ trên toàn cầu đã giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày, tương đương 30% lượng cung ứng dầu, do dịch bệnh khiến ngành hàng không và các phương tiện khác giảm hoạt động.

Trong khi đó, giá dầu thô đang ở mức giảm kỷ lục sau 18 năm. Khi nguồn cung ứng giảm bớt và nhu cầu tăng cao trở lại sẽ làm tăng giá dầu trong những tháng tới.

Có những ý kiến cho rằng quyết định này có thể ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế của các nước Châu Á bởi đây là những nước đứng đầu trong thị trường tiêu thụ dầu như: Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc... Họ được xem là các nước "được hưởng lợi" khi giá dầu thô trên thế giới giảm kỉ lục như hiện nay.

Tuy nhiên, nhìn nhận việc bình ổn giá dầu ảnh hưởng tiêu cực cho châu Á thực chất là góc nhìn sai lầm. Bởi lẽ, họ đã quên mất rằng nếu giá dầu liên tục giảm mà không có động thái bình ổn lại giá từ OPEC thì nguy cơ mất ổn định từ chính các nguồn cung ứng hoàn toàn có thể xảy ra.

Một loạt các nhà sản xuất lớn ngoài OPEC và liên minh ngoài OPEC bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Brazil và Na Uy đang dự báo sản lượng dầu sẽ giảm đột biến trong những tháng tới khi các công ty dầu mỏ phải đối mặt với căng thẳng tài chính và thiếu người mua bắt đầu ngừng sản xuất hệ thống giếng khoan và mỏ.

Canada và Na Uy đang dự tính áp đặt các biện pháp cắt giảm bắt buộc đối với các nhà sản xuất dầu trong nước. Các công ty dầu mỏ toàn cầu, các công ty dầu khí quốc gia và các nhà sản xuất độc lập đều đã tuyên bố cắt giảm sâu vốn cũng như chi phí hoạt động cho năm 2020, và thậm chí là 2021. Tính đến nay, số tiền cắt giảm đã lên tới 59 tỷ đô la. 

Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay là thị trường đá phiến của Mỹ. Các nhà sản xuất đá phiến đang cắt giảm các mục tiêu chi tiêu và sản xuất. Nhiều nhà sản xuất tư nhân và quy mô nhỏ rục rịch... phá sản, số khác tiến hành hợp nhất. Trong một diễn biên khác, Hoa Kỳ dự báo sụt giảm sản lượng hàng năm là 2 triệu thùng/ ngày vào cuối năm nay, trái ngược với mức tăng trưởng hàng năm mạnh mẽ kể từ năm 2017.

Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế toàn cầu, khiến nó có khả năng rơi vào suy thoái khó có thể phục hồi ngay lập tức. Và khi kinh tế bị đóng băng, các nước châu Á cũng không thể mua được sản lượng dầu cần thiết dù giá có rẻ đến mức nào. 

Do đó, việc thị trường dầu cần phải được duy trì sự cân bằng cần thiết, từ đó giá dầu không bị đẩy lên quá cao, rơi vào tình trạng từ "thấp kỷ lục" vọt lên "chạm đỉnh" không chỉ là quyết định có lợi cho các nước xuất khẩu dầu, mà đối với các nước tiêu thụ tại châu Á, quyết định này cũng đem lại lợi ích lâu bền cho nền kinh tế của họ. Đây cũng chính là điều OPEC và các nước thuộc thành viên mong muốn.