Quyết thâu tóm Viglacera, Gelex lần thứ 2 nâng giá chào mua cổ phần

Quỳnh Chi

Gelex tăng giá chào mua cổ phiếu VGC từ 21.500 đồng lên 23.500 đồng, áp dụng cả những cổ đông đã đồng ý bán cổ phiếu cho tổng công ty này.

Quyết thâu tóm Viglacera, Gelex lần thứ 2 nâng giá chào mua cổ phần

Nghị quyết của Tổng công ty cổ phần Thiết bị Điện Việt Nam (Gelex) được Tổng giám đốc Nguyễn Văn Tuấn ký và ban hành ngày 18/9 cũng là lần thứ hai Gelex tăng giá chào mua cổ phiếu VGC của Tổng công ty Viglacera. Theo đó, tổng công ty nâng giá chào mua cổ phiếu VGC lên 23.500/đồng, tăng 5.800 đồng, tương đương mức tăng 33% so với dự kiến ban đầu cách đây gần một tháng.  

Thông tin chào mua 95 triệu cổ phần Viglacera được Gelex công bố hồi cuối tháng 8. Kế hoạch của tổng công ty này là thời gian giao dịch dự kiến từ ngày 26/8 đến 25/9 với mức giá 17.700 đồng/cổ phiếu. Sau 2 tuần, tức là đến ngày 11/9, Gelex nâng giá chào mua lên 21.500 đồng/cổ phiếu. Và hiện chỉ còn một tuần là kết thúc thời gian mua, Gelex tiếp tục nâng giá chào mua lần 2, lên 21.500 đồng.

Trụ sở Tổng công ty Viglacera
Trụ sở Tổng công ty Viglacera

Mức giá chào mua hiện tại cũng tương đương với thị giá cổ phiếu VGC trên sàn chứng khoán. Chốt phiên hôm 18/9, VGC đứng ở mức 23.400 đồng, tăng 2,4% so với tham chiếu. Thị giá cổ phiếu này đã lên gấp đôi so với mức giá đáy hồi cuối tháng 3.

Việc quyết liệt nâng giá chào mua cổ phiếu Viglacera, với lần thứ hai chỉ sau một tuần, thể hiện quyết tâm của Gelex trong việc giành quyền chi phối doanh nghiệp của Bộ Xây dựng.

Gelex đang sở hữu gần 112 triệu cổ phiếu, tương đương gần 25% cổ phiếu Viglacera đang lưu hành. Trong đó, doanh nghiệp này trực tiếp nắm giữ 5,54% và gián tiếp thông qua công ty con nắm giữ 19,43%. Ngoài Gelex, Bộ Xây dựng hiện là cổ đông lớn nhất với 38,6% cổ phần. Nếu chào mua thành công toàn bộ 95 triệu cổ phiếu, nhóm Gelex sẽ nâng tỷ lệ sở hữu tại doanh nghiệp này lên 46,2% và trở thành cổ đông lớn nhất.

Trong khi nhiều doanh nghiệp xây dựng kịch bản theo đại dịch, Gelex lại trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay theo giả định liên quan đến kế hoạch M&A.

Theo đó, nếu hoàn tất việc thâu tóm Tổng công ty Viglacera, Gelex đặt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 19.600 tỷ và 975 tỷ đồng. Trong trường hợp không thực hiện được trong năm nay, doanh thu và lợi nhuận còn 17.500 tỷ và 735 tỷ đồng. 

"Việc chi phối Viglacera là nhiệm vụ hàng đầu trong năm nay", ông Nguyễn Văn Tuấn, cựu Chủ tịch HĐQT trước khi rời ghế để tuân thủ Nghị định 71/2017 đặt mục tiêu. 

Trong báo cáo gửi cổ đông, Gelex cho rằng Covid-19 không có tác động lớn đến ngành nghề kinh doanh chính, trừ mảng sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng. Công ty vẫn lên các kế hoạch đầu tư và kinh doanh như bình thường. Gelex tiếp tục giữ định hướng trở thành công ty mô hình holdings, mục tiêu trong năm nay là hoàn tất các thương vụ như mua cổ phần chi phối Tổng công ty Viglacera, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Công ty Dây đồng Việt Nam CFT và thoái vốn khỏi công ty phụ trách logistics.

Việc thâu tóm Viglacera cũng nằm trong chiến lược phát triển mảng bất động sản khu công nghiệp, do ban lãnh đạo Gelex đánh giá thời điểm này là cơ hội để hưởng lợi dòng vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc.

Tại phiên họp, người đứng đầu Gelex đã chia sẻ, chiến lược của Gelex trong ba năm tới là tập trung đón đầu các nhà đầu tư sau dịch.

"Tuy nhiên Gelex không chỉ cung cấp hạ tầng bất động sản khu công nghiệp mà còn đầu tư các dịch vụ kèm theo như xây dựng hệ thống nhà kho, nước sạch đến nhà ở xã hội giá rẻ", Tổng giám đốc Gelex nói tại phiên họp thường niên năm nay.

Chiến lược phát triển mảng này là Gelex sẽ tìm kiếm và mua lại các khu công nghiệp, đóng vai trò chủ đầu tư còn Viglacera sẽ là đơn vị phát triển dự án. Điều này sẽ giúp hạn chế được điểm yếu về thủ tục phức tạp trong quy trình đầu tư của Viglacera. Trong 6 tháng cuối năm, Gelex cho biết sẽ xúc tiến mua 4 khu công nghiệp để phát triển.

Tin Cùng Chuyên Mục