Richard Branson và Jeff Bezos: Hai tỷ phú dẫn đầu cuộc đua vào vũ trụ có những điểm chung nào?

Như Quỳnh

Branson - 70 tuổi và Bezos - 57 tuổi đều là những tỷ phủ tự thân, tự mình gây dựng khối tài sản khổng lồ để tài trợ cho đam mê khám phá thời trẻ.

Richard Branson và Jeff Bezos: Hai tỷ phú dẫn đầu cuộc đua vào vũ trụ có những điểm chung nào?

Richard Branson đang có kế hoạch đánh bại tỷ phú Jeff Bezos trong cuộc đua bay vào vũ trụ trong tuần tới thông qua chuyến bay do Virgin Galatic vận hành cất cánh vào ngày 11/7 - sớm hơn một tuần so với ông chủ Amazon. 

Đằng sau cuộc đua dành danh hiệu tỷ phú đầu tiên bay vào vũ trụ bằng tàu cá nhân, Branson và Bezos hiện cũng là đối thủ trực tiếp đối đầu trong lĩnh vực du lịch vũ trụ khi sở hữu hai công ty du hành không gian thương mại là Virgin Galactic và Blue Origin. 

Thế nhưng thám hiểm vũ trụ không phải là điểm chung duy nhất giữa cả hai. Branson - 70 tuổi và Bezos - 57 tuổi đều là những tỷ phủ tự thân, tự mình gây dựng khối tài sản khổng lồ để tài trợ cho đam mê riêng.

Hãy cùng so sánh vài nét cơ bản về hai vị tỷ phú Richard Branson và Jeff Bezos này.

Tỷ phú tự thân

Cả Branson và Bezos đều trở nên giàu có nhờ tham gia vào lĩnh vực bán lẻ. Tỷ phú Branson bỏ học vào cuối thập niên 1960 và thành lập tạp chí văn hóa dành cho giới trẻ khá thành công có tên là 'Student'.

Năm 1971, ông mở cửa hàng thu âm truyền thống ở London có tên Virgin Records. Từ đây, ông mở rộng hoạt động sang hàng loạt lĩnh vực kinh doanh mới khác như chuỗi bán lẻ Virgin Megastores, hãng hàng không Virgin Atlantic... và tạo thành hệ sinh thái Virgin có tổng doanh thu hàng năm khoảng 22 tỷ USD. Lợi nhuận này giúp ông Branson sở hữu khối tài sản 11 tỷ USD vào năm 2019. 

Trong khi đó, tốt nghiệp Đại học Princeton Jeff Bezos đến làm việc tại quỹ đầu cơ ở Phố Wall. Vào năm 1994, nhận thấy nền kinh tế internet có tiềm năng phát triển vượt bậc, Bezos đã bỏ việc và thành lập Amazon chỉ một năm sau đó. 

Gần 3 thập kỷ trôi qua, Amazon trở thành một trong những tập đoàn lớn nhất thế giới với giá trị thị trường 1.700 tỷ USD. Ông Bezos cũng là một trong những người giàu nhất thế giới với khối tài sản 198,3 tỷ USD. 

Hiện, cả hai vị tỷ phú nổi tiếng đều đã rời bỏ chức vụ CEO ở tập đoàn để tập trung công việc từ thiện, nhất là cuộc đua bay vào vũ trụ.

Cách tiêu tiền

Xét về giá trị tài sản ròng, Jeff Bezos rõ ràng là có ưu thế hơn nhờ hơn 10% cổ phần mà ông sở hữu tại Amazon. Theo Bloomberg, ông hiện là người giàu nhất thế giới trong khi tỷ phú Branson chỉ xếp thứ 380 tính đến ngày 1/6. 

Tỷ phú Jeff Bezos được cho là đang đóng một du thuyền khổng lồ trị giá hơn 500 triệu USD. Ảnh: Youtube.
Tỷ phú Jeff Bezos được cho là đang đóng một du thuyền khổng lồ trị giá hơn 500 triệu USD. Ảnh: Youtube.

Ngoài cổ phiếu Amazon, Jeff Bezos cũng sở hữu một số bất động sản giá trị như biệt thự bên hồ ở Medina 25 triệu USD, biệt thự ở Washington trị giá 23 triệu USD, căn hộ áp mái ở Manhattan giá 80 triệu USD và một biệt thự ở Beverly Hills có giá kỷ lục 165 triệu USD. Không dừng lại ở đó, ông Bezos hiện được cho là đang đóng một chiếc du thuyền khổng lồ trị giá hơn 500 triệu USD. 

Tỷ phú Branson đam mê mạo hiểm và từng tài trợ cho dự án vượt đại dương bằng khinh khí cầu. Ảnh: Business Insider
Tỷ phú Branson đam mê mạo hiểm và từng tài trợ cho dự án vượt đại dương bằng khinh khí cầu. Ảnh: Business Insider

Ở phía ngược lại, tỷ phú Branson lại sử dụng khối tài sản khổng lồ để tài trợ cho các dự án lập kỷ lục thế giới như lướt ván diều qua eo biển Manche hay vượt đại dương bằng khinh khí cầu.

Vị tỷ phú người Anh cũng sở hữu một số bất động sản sang trọng trên khắp thế giới, trong đó nổi tiếng nhất là khu nghỉ dưỡng trên đảo Necker, Caribe được ông mua với giá 180.000 USD vào năm 1970 nhưng nay đã có giá hơn 100 triệu USD. 

Đam mê không gian

Cả Bezos và Branson đều đã đầu tư một số tiền khổng lồ vào hai công ty không gian tư nhân. 

Jeff Bezos thành lập Blue Origin vào năm 2000 để thực hiện ước mơ đi vào vũ trụ từ thời thơ ấu. Vào năm 2017, ông cho biết mình đang bán khoảng 1 tỷ USD cổ phiếu Amazon mỗi năm để có nguồn tài trợ cho Blue Origin. 

Tỷ phú Branson có xuất phát điểm chậm hơn khi ra mắt Virgin Galactic vào năm 2004. Branson bắt đầu đam mê chinh phục không gian sau khi chứng kiến tàu Apollo 11 hạ cánh trên mặt trăng vào năm 1969 - khi ông mới 19 tuổi. Vị tỷ phú này cũng khẳng định mình sẽ là một trong những hành khách đầu tiên bay vào vũ trụ của Virgin Galactic.

Phi cơ vũ trụ Space Ship Two thuộc Virgin Galactic. Ảnh: Virgin Galactic
Phi cơ vũ trụ Space Ship Two thuộc Virgin Galactic. Ảnh: Virgin Galactic

Vào năm 2009, tỷ phú Branson đã đầu tư khoảng 100 triệu USD vào Virgin Group. Sau đó tập đoàn này nhận được thêm nguồn vốn từ các nhà đầu tư bên ngoài khác như 400 triệu USD từ quỹ tài sản Aabar Investments.

"Tôi nghĩ ngành thám hiểm vũ trụ cần thêm nhiều công ty tham gia. Cả tôi và Bezos đều muốn phát triển công nghệ không gian để mang lại lợi ích cho sự sống trên Trái đất", ông Branson tuyên bố vào năm 2017. 

Tên lửa do Blue Origin chế tạo. Ảnh: Blue Origin.
Tên lửa do Blue Origin chế tạo. Ảnh: Blue Origin.

Hiện tại, cả Blue OriginVirgin Galactic đều có kế hoạch đưa khách du lịch trên các chuyến bay ngắn đến rìa không gian, cách Trái đất khoảng 80 - 100 km. Tuy nhiên cách thực hiện của hai công ty khá khác nhau. Blue Origin sử dụng tên lửa để phóng cabin chứa hành khách vào không gian còn Virgin Galactic vận chuyển hành khách trực tiếp bằng một phi cơ vũ trụ gọi là Space Ship Two. 

Trong khi chuyến bay của tỷ phú Bezos sẽ đánh dấu lần đầu tiên Blue Origin đưa thành công con người lên vũ trụ thì cho đến nay Virgin Galactic đã thực hiện 3 chuyến bay thử nghiệm lên không gian thành công. 

Công ty của tỷ phú Branson cũng thông báo vào ngày 25/6 rằng họ đã nhận được giấy phép từ Cục Hàng không liên bang Mỹ để thực hiện các chuyến bay vũ trụ thương mại trong năm sau. Trong khi đó thì Blue Origin vẫn chưa công bố thời điểm chính thức đón khách du hành vũ trụ. 

Tin Cùng Chuyên Mục