Sân tòa 1.000m2 là nơi xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh

Cường Ngô/ Lao động

Sân Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh Phú Thọ được lợp mái tôn để phục vụ phiên sơ thẩm xét xử cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh và đồng phạm có số bị cáo đông chưa từng có - 92 người.

Ngày 29.10, Thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương (Chánh tòa kinh kế - TAND tỉnh Phú Thọ) ký Quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án: "Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Sân tòa 1.000m2 là nơi xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh - Ảnh 1

TAND tỉnh Phú Thọ thông báo, thời gian diễn ra phiên xét xử bắt đầu từ 8h ngày 12.11 đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm. Địa điểm mở phiên tòa là trụ sở TAND tỉnh Phú Thọ. 

Sân tòa 1.000m2 là nơi xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh - Ảnh 2
TAND tỉnh Phú Thọ chính thức đưa ra quyết định xét xử ông Phan Văn Vĩnh.

Theo thông báo của tòa, bị can Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Thiếu tướng, cựu cục trưởng C50) mỗi người có 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Bị can Nguyễn Văn Dương (bị cáo buộc là chủ mưu) có số luật sư bảo vệ đông nhất - 5 người.

Sáng 29.10, các bị can được tại ngoại và luật sư đã nhận quyết định đưa vụ án ra xét xử và làm thủ tục tham dự phiên tòa.

Ghi nhận của Lao Động, hiện công tác chuẩn bị cho phiên tòa gần như hoàn tất. Phiên tòa xét xử ông Vĩnh trên khoảng sân rộng 1.000m2 nằm giữa 3 tòa nhà xếp hình chữ U, phần mái tôn được công nhân lắp đặt kiên cố. 

Sân tòa 1.000m2 là nơi xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh - Ảnh 3
Công tác chuẩn bị cho phiên tòa cơ bản hoàn tất.

Sân có sức chứa tới khoảng 2.000 người, được thiết kế thành phòng xử án lưu động, với đầy đủ khu vực dành cho HĐXX, bục khai báo, khu dành riêng cho các bị can, người tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm.

Tòa dành riêng một phòng rộng khoảng 50m2 trên tầng 2 của tòa nhà để các phóng viên tác nghiệp.

Sân tòa 1.000m2 là nơi xét xử cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh - Ảnh 4
Phòng tác nghiệp báo chí.

Theo quyết định đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án nêu trên, những người tham gia tố tụng tại phiên tòa gồm: 92 bị cáo; 30 luật sư tham gia bào chữa cho bị cáo; 3 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên liên quan là Tập đoàn bưu chính viễn thông Việt Nam, Tổng công ty viễn thông Mobifone và Công ty cổ phần thanh toán điện tử VNPT (EPAY); 1 bị hại, 73 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.

Trước đó, ngày 31.8, VKSND tỉnh Phú Thọ đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

2 chủ mưu Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam bị truy tố về các tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. 88 bị can khác bị truy tố về các tội tổ chức đánh bạc, đánh bạc, sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, mua bán trái phép hóa đơn và rửa tiền.

Cáo buộc của VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng, thời điểm đương chức, ông Vĩnh đã lợi dụng việc Bộ Công an cho thành lập công ty bình phong thuộc Cục C50 để đồng tình với đề nghị của ông Nguyễn Thanh Hóa và ký ban hành Quyết định 158/QĐ-C41(C50) công nhận Công ty CNC là đơn vị bình phong, dù chưa có ý kiến thống nhất của Tổng cục 3. Điều này là trái quy trình theo Quyết định 450 của Bộ Công an.

Với chức vụ là Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an, ông Phan Văn Vĩnh phải là người nắm rõ nhất cấu thành tội phạm của tội tổ chức đánh bạc, tội đánh bạc, có trách nhiệm đấu tranh trực tiếp và hướng dẫn đối với cấp dưới.

Thế nhưng, ngày 18.5.2016, Nguyễn Văn Dương ký báo cáo số 68 đề xuất cho công khai việc kết nối, phục vụ cho game bài đánh bạc thì cùng ngày, ông Vĩnh bút phê: “Kính chuyển Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao nghiên cứu và đề xuất”.

Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của ông Phan Văn Vĩnh, ông Nguyễn Thanh Hóa chỉ đạo thuộc cấp của mình là ông Lục soạn thảo công văn để ông Hóa ký, đề xuất ông Phan Văn Vĩnh nội dung trên để ông Phan Văn Vĩnh trình Bộ trưởng Bộ Công an.

VKSND tỉnh Phú Thọ cho rằng, việc làm trên của ông Vĩnh là hoàn toàn trái với nguyên tắc đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.

Tin Cùng Chuyên Mục