Sập bẫy làm giàu từ lan đột biến tiền tỷ

Theo Zingnews

Vay nợ, thế chấp tài sản để lao vào đầu tư lan phi điệp đột biến gene với hy vọng làm giàu nhanh, nhiều người đã phải nhận "trái đắng".

Gần đây, cộng đồng chơi lan đột biến gen liên tục chứng kiến các thương vụ mua bán với giá "khủng" chưa từng có. Cứ vụ mua bán sau lại có giá trị lớn hơn gấp nhiều lần vụ trước khiến nhiều người mới chơi, chưa hiểu về phong lan bị những giao dịch tiền tỷ làm cho “phát sốt”.

Nhiều người đã thế chấp nhà cửa, vay nợ người thân, bạn bè, ngân hàng với hy vọng giấc mơ làm giàu nhanh từ lan đột biến. Song, thực tế đã có rất nhiều trường hợp bị lừa.

Lừa dây chuyền

Anh Hoắc Công Tưởng (Bắc Quang, Hà Giang) cho biết được một người tên Chung ở Phù Ninh, Phú Thọ chào mua cây lan đột biến có tên "5 cánh trắng Phú Thọ" với giá 96 triệu đồng.

"Người này biết sai cây vẫn cố tình bán, đến khi tôi mang tới trả thì quanh co chối không nhận", anh chia sẻ và cho hay rất nhiều trường hợp khác cũng bị ông Chung lừa bán cây giả với số tiền lớn.

"Lúc mua, tôi được bảo hành nếu sai cây sẽ được đổi một cây khác. Tuy nhiên khi mang cây đến đổi, trong vườn của ông Chung không hề có cây lan đột biến 5 cánh trắng Phú Thọ nào", anh Tưởng bức xúc nói.

Sau đó, anh tìm hiểu thì mới biết người bán này cũng là nạn nhân vì ham giàu nên đã bị một nhóm đối tượng lừa mua lan đột biến với tổng số tiền khoảng 7 tỷ đồng, bây giờ mới phải bán tháo. "Hiện, ông Chung phải trả lại khoảng 2,8 tỷ đồng cho khách hàng đã bị lừa, trong đó có tôi", anh Tưởng kể.

Cây lan "5 cánh trắng Phú Thọ" có giá 96 triệu đồng anh Tưởng bị lừa mua vào tháng 7
Cây lan "5 cánh trắng Phú Thọ" có giá 96 triệu đồng anh Tưởng bị lừa mua vào tháng 7

Không chỉ riêng trường hợp anh Tưởng, trước đó đã có nhiều người cũng bị lừa mua lan đột biến với thủ đoạn tinh vi. Anh Minh Đức (Sầm Sơn, Thanh Hoá) nhớ lại thời điểm gần một năm trước khi mới chơi lan, anh đã vay mượn 50 triệu đồng mua một cây lan đột biến từ một người trên mạng.

Thế nhưng, sau khi nhận cây về, nhiều người nói rằng cây này không phải lan đột biến, anh Đức liền liên lạc lại với chủ cây thì số điện thoại đã khóa. "Sau này tôi mới biết, rất nhiều người cũng đã bị chủ cây này lừa như trường hợp của tôi", anh nhớ lại.

Trước đó, theo phản ánh của một số người chơi lan tại huyện Quốc Oai (Hà Nội), hàng chục trường hợp cũng đã bị một nhóm đối tượng người Hòa Bình lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng.

Để đánh vào lòng tin của khách hàng, những đối tượng này thuê nhà rất lớn để làm địa điểm bán lan đột biến, cùng những điều khoản bảo hành hấp dẫn. Tuy nhiên chỉ sau 2 tuần, tất cả đều bốc hơi không còn dấu vết.

Cuối tháng 7, Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã bắt giữ 5 người vì hành vi lừa đảo thông qua hoạt động mua bán hoa lan. Nhóm này mua lan loại thường rồi dùng keo, dây thép gắn hoa của cây lan đột biến vào. Sau đó, họ chụp ảnh đăng tải hoặc livestream trên mạng xã hội để bán.

Thực tế đã có người mua cây lan “đột biến” này với giá 166 triệu đồng. Ngay sau khi giao dịch thực hiện thành công, các đối tượng đã biến mất.

Cảnh giác lừa đảo mua bán lan đột biến

Tình trạng lừa đảo từ mua bán hoa lan, đặc biệt là loại đột biến gen đang có dấu hiệu lan rộng, thậm chí dẫn tới các biến tướng theo mô hình đa cấp trái pháp luật như rửa tiền. Từ thực tế đó, công an nhiều tỉnh thành đã vào cuộc theo dõi, điều tra các giao dịch lan đột biến và đã có văn bản cảnh báo người dân.

Mới đây, Công an tỉnh Bình Phước đã có văn bản khuyến cáo người dân nếu thực sự có nhu cầu mua mặt hàng này cần tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả, nơi bán trước khi mua.

Nếu phát hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các đối tượng, kịp thời cung cấp thông tin với chính quyền địa phương và cơ quan công an nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.

Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã bắt giữ 5 người vì hành vi lừa đảo thông qua hoạt động mua bán hoa lan vào cuối tháng 7/2020
Công an huyện Yên Thủy (Hòa Bình) đã bắt giữ 5 người vì hành vi lừa đảo thông qua hoạt động mua bán hoa lan vào cuối tháng 7/2020

Trước đó, vào cuối tháng 7, Công an tỉnh Tuyên Quang cũng có văn bản cảnh báo người dân về những cuộc giao dịch lan đột biến tiền tỷ trên địa bàn. Công an tỉnh này nhận định các hoạt động giao dịch, chuyển nhượng, trao đổi hoa lan đột biến như trên là rất nguy hiểm, có thể dẫn đến hệ lụy lớn, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh và gia tăng các loại tội phạm, gây mất ổn định xã hội.

Mới đây, Công an huyện Quỳnh Lưu (tỉnh Nghệ An) đã tiến hành tạm giữ 11 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lên tới nhiều tỷ đồng thông qua việc bán lan phi điệp đột biến trên địa bàn.

Theo cơ quan chức năng, thủ đoạn của những đối tượng này vẫn là thuê nhà, trồng lan, làm sự kiện mua bán, tung hô thổi phồng lan đột biến gen với giá lên tới hàng tỷ đồng, và đã lừa đảo hàng chục vụ khắp các tỉnh trên cả nước. Hiện, vụ án vẫn được công an tỉnh Nghệ An mở rộng điều tra.

Lan đột biến không hiếm

Trao đổi với Zing, PGS.TS Đặng Văn Đông, Ủy viên Ban Thường vụ Hội sinh vật cảnh Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Rau quả, khẳng định lan phi điệp đột biến hoàn toàn có thể nhân giống bằng phương pháp nuôi cấy mô với số lượng lớn.

Theo PGS Đông, nếu cây lan phi điệp con được nhân từ một đoạn cành hoặc một mô của cây lan phi điệp mẹ đột biến, thì vẫn có thể cho ra hàng vạn cây con giống hệt đặc tính của cây mẹ.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho hay không thể trồng chỗ nào, trong điều kiện nào cũng cho ra hoa giống hệt như cây mẹ mà còn tuỳ thuộc vào môi trường, điều kiện thời tiết khí hậu, cách chăm sóc cây...

Do đó, cần nhiều thời gian, công sức và vốn đầu tư nghiên cứu mới có thể công bố bản quyền một giống lan hoàn chỉnh và phát triển được giống đó ra sản xuất đại trà.

Hiện nay, nhiều giò lan đang bị thổi giá quá cao so với giá trị thực của cây.
Hiện nay, nhiều giò lan đang bị thổi giá quá cao so với giá trị thực của cây.

"Nếu cây con được nuôi trồng trong điều kiện tương tự như cây mẹ, thì chắc chắn cũng sẽ cho ra hoa y hệt cây mẹ", TS Đặng Văn Đông phân tích.

Ngoài ra, vị PGS cho biết hiện Viện Nghiên cứu Rau quả đã và đang nhân hàng vạn cây giống lan phi điệp đột biến bằng kie (mầm con phát triển từ mắt của cây mẹ) do một khách hàng đặt hàng. "Giá của những cây giống này chỉ tương đương những cây lan bình thường khác", vị chuyên gia thông tin thêm.

GS.TSKH Trần Duy Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hợp tác Khoa học Công nghệ châu Á Thái Bình Dương, Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam cũng cho biết lan đột biến có giá trăm triệu đến tiền tỷ là có, nhưng ông nhận định hiện nay do nhu cầu tăng nên lan đột biến bị thổi giá quá cao so với giá trị thực.

Theo ông, hiện có nhiều người vì lợi nhuận mà tạo ra lan đột biến bằng phương pháp nuôi cấy mô, bán với giá cao. Loại này cho ra nhiều kie nhưng hoa rất ít, thậm chí không nở hoa và đôi khi màu sắc hoa cũng không đẹp như loài gốc.

Trước thực trạng nhiều người bị lừa khi mua lan đột biến, PGS.TS Nguyễn Văn Đông khuyến cáo trước khi mua bán, trao đổi người tiêu dùng nên cân nhắc, tìm hiểu kỹ, phải yêu cầu bên bán có hợp đồng bảo lãnh giống chặt chẽ tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra. Đồng thời, bên bán cần có những cam kết đảm bảo đúng giống, chất lượng, cả việc hướng dẫn cho người mua các kỹ thuật trồng, chăm sóc cây lan đó.

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục