Sau 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ khả năng cung ứng cho tập đoàn đa quốc gia

Đến năm 2030, mục tiêu số doanh nghiệp đủ khả năng cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia sẽ tăng lên 2.000, theo Nghị quyết mới ban hành của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị quyết 115 về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ. Trong đó, Chính phủ đặt ra mục tiêu đến hết năm 2025, Việt Nam có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia. 30% trong số này là doanh nghiệp nội.

Ngoài ra, các mục tiêu trong giai đoạn 5 năm tới bao gồm việc doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Mục tiêu đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa, chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp. Khi đó, Việt Nam có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia. 

Nghị quyết trên nhằm giúp Việt Nam đón dòng vốn đầu tư và làn sóng dịch chuyển sản xuất của các công ty đa quốc gia. 

Không gian làm việc tại một nhà máy sản xuất. 
Không gian làm việc tại một nhà máy sản xuất. 

Hiện nay, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam vẫn chưa có đủ khả năng để cung cấp linh kiện và phụ tùng đáp ứng các yêu cầu để tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. Đơn cử như việc Việt Nam vẫn phải nhập khẩu linh kiện ô tô từ nhiều nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan. 

Nghị quyết nêu rõ Nhà nước cần có chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và chế biến, chế tạo, đồng thời cấp bù chênh lệch lãi suất tối đa 5%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn của nhóm này. 

Công tác bảo vệ thị trường nội địa được triển khai thông qua việc tăng cường kiểm tra chất lượng hàng công nghiệp nhập khẩu và sử dụng các hàng rào kỹ thuật. Chính phủ chủ trương tìm kiếm, mở rộng các thị trường ngoài nước trên cơ sở tận dụng các hiệp định FTA đã ký kết.

Ngoài ra, Nghị quyết nêu rõ cần xây dựng các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương nhằm phát triển nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, tạo cơ hội tham gia sâu vào chuỗi sản xuất toàn cầu. 

Tin Cùng Chuyên Mục