Sau sự sụp đổ của WeWork, CEO thất thế Adam Neumann sẽ sớm trở thành "kẻ bị căm ghét nhất nước Mỹ”?

Hiếu Nguyễn (Tổng Hợp)

(Doanhnhan.vn) - Thuyết phục được CEO SoftBank Masayoshi Son chỉ sau vài buổi gặp, Adam Neumann đã vẽ ra một startup hùng mạnh, được định giá tới 47 tỷ USD hồi tháng 1/2019. Nhưng mọi viễn cảnh trong mơ sụp đổ, khi kế hoạch IPO của WeWork đổ bể.

Câu chuyện về WeWork vẫn sẽ là bài học xương máu dành cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới. Sự sụp đổ của startup này đã khiến tất cả bàng hoàng, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về thực trạng "bong bóng ảo" mà ngay cả một nhà đầu tư lão luyện như Masayoshi Son, cũng không thể lường trước.

Mới đây, WeWork đã thông báo rằng họ sẽ chấp nhận gói trợ "cứu trợ" của SoftBank. Theo đó, tập đoàn Nhật Bản này sẽ nắm giữ 80% cổ phần của WeWork.

Thỏa thuận này đánh dấu cho sự kết thúc cho thời kỳ hoàng kim của "start-up kỳ lân" lĩnh vực chia sẻ văn phòng, dù đã huy động được vốn với mức định giá 47 tỷ USD vào tháng 1. Sau khi gặp nhiều khó khăn, WeWork đã phải rút hồ sơ IPO hồi tháng trước và hiện tại chỉ được định giá 8 tỷ USD theo gói cứu trợ của SoftBank.

Sau sự sụp đổ của WeWork, CEO thất thế Adam Neumann sẽ sớm trở thành

Được biết, CEO thất thế Adam Neumann cũng sẽ phải "cuốn gói" ra đi, đổi lại, anh này được nhận khoản tiền khoảng 1,7 tỷ USD. Điều này gây nên làn sóng phẫn nộ cho các nhân viên WeWork.

Đến lúc này, Adam Neumann từ một tượng đài trong giới khởi nghiệp, trở thành kẻ tội đồ và được ví như một "Martin Shkreli mới". Cần phải nhấn mạnh, Martin Shkreli được biết nhiều với danh xưng "kẻ bị căm ghét nhất nước Mỹ". Hồi năm 2015, sau khi trở thành CEO Turing Pharmaceuticals, Shkreli quyết định tăng giá thuốc chống HIV Daraprim hơn 5.000%. 

Nghị sĩ Elijah Cummings mô tả Shkreli là “biểu tượng xấu xí của tầng lớp lãnh đạo các công ty dược tham lam”. Hai năm sau, Shkreli bị tống vào tù vì cáo buộc liên quan tới hoạt động gian lận chứng khoán.

Theo Bloomberg, Shkreli không hề phạm luật khi làm điều đó và thậm chí có thể đẩy giá thuốc Daraprim lên 1.000% nếu muốn. Hắn tìm thấy một lỗ hổng trong hệ thống của nước Mỹ và lợi dụng nó.

Quay trở lại trường hợp của Neumann. Anh này hứng chịu nhiều chỉ trích từ nhiều tầng lớp trong xã hội Mỹ. "Neumann là kẻ lừa đảo, cần bị kiện và bị điều tra”, Thượng nghị sĩ Tom Cotton viết trên Twitter.

Thuyết phục được CEO SoftBank Masayoshi Son chỉ sau vài buổi gặp, Adam Neumann đã vẽ ra một startup hùng mạnh, được định giá tới 47 tỷ USD hồi tháng 1/2019. Nhưng mọi viễn cảnh trong mơ sụp đổ, khi kế hoạch IPO của WeWork đổ bể. 

"Cháy nhà mới ra mặt chuột", WeWork lộ ra sự mục ruỗng, yếu ớt đằng sau vẻ ngoài hào nhoáng. Startup này phải để SoftBank cứu giúp, và giờ chỉ còn được định giá bằng 1/6 giá trị ban đầu.

Đắng cay hơn, Adam Neumann đã dùng tiền đầu tư để "đốt" vào việc mua bất động sản, vay thêm hàng chục triệu nữa, cho chính WeWork thuê lại các tòa nhà hắn thuê và sở hữu…

“Hãy quên Martin Shkreli đi, Adam Neumann sẽ sớm trở thành kẻ bị căm ghét nhất nước Mỹ”, Bloomberg nhận định.

Gây ra một "cú lừa" thế kỷ, nhưng dường như Adam Neumann vẫn đứng ngoài vòng pháp luật. Nói một cách khác, đó là một lỗ hỗng trong hệ thống pháp luật Mỹ. Là một công ty tư nhân, WeWork có đủ khả năng để che giấu kết quả kinh doanh không mấy khả quan. Chỉ khi chuẩn bị IPO, mọi chuyện mới được phanh phui.

Theo Blommberg, những trường hợp điển hình như WeWork, Uber, Slack, Lyft đều cho thấy bức tranh xám xịt của các startup kỳ lân. 

“Mỗi khi một bong bóng vỡ vụn, luôn có một công ty trở thành biểu tượng xấu xí của sự sụp đổ. Và trong công ty đó luôn có một cá nhân trở thành biểu tượng của mọi sai lầm. Đó chính là câu chuyện của WeWork và Adam Neumann."

Tin Cùng Chuyên Mục