Sẽ cấm phát hành mọi loại tiền ảo tương tự Bitcoin

Thành Trung

Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo, tài sản ảo.

Ngày 22/9, tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước, Ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán đã cho biết thêm thông tin về vấn đề tiền ảo hiện nay.

Ông Sơn cho hay việc sở hữu, mua bán, sử dụng các loại tiền ảo như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ. Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến các loại tiền ảo, như Bitcoin, Onecoin, ILCOIN, Gemcoin, Octa…

"Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước không chấp nhận các loại tiền ảo là tiền tệ cũng như là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam", đại diện Vụ Thanh toán cho biết.

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Nghiêm Thanh Sơn trao đổi tại họp báo
Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán - Nghiêm Thanh Sơn trao đổi tại họp báo

Ngân hàng Nhà nước cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 80 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong số đó, ngân hàng bổ sung quy định về phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam (không bao gồm bitcoin và các loại tiền ảo) và bổ sung quy định cấm phát hành, cung ứng, sử dụng phương tiện thanh toán không hợp pháp (như bitcoin và các loại tiền ảo tương tự).

Cùng với đó, Bộ Tài chính cũng đã có quyết định thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản ảo, tiền ảo, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.

Tiền ảo là một loại tiền số (digital money) không có quản lý, được tạo bởi những người tạo lập - phát triển cũng thường là người kiểm soát. Nó được sử dụng và chấp nhận thanh toán giữa các thành viên của một cộng đồng ảo nhất định.

Trong một vài trường hợp, những cộng đồng này tự tạo và lưu hành những đồng tiền của riêng mình để trao đổi hàng hóa, dịch vụ mà họ cung ứng, qua đó tạo ra chức năng phương tiện trao đổi và đơn vị đo lường giá trị cho chính cộng đồng ảo đó.

 Tiền ảo đã và đang trở thành những tài sản, phương tiện thanh toán, công cụ đầu tư, phương thức huy động vốn,... mặc dù nhiều quốc gia vẫn có nhiều quan điểm và cách tiếp cận trái ngược nhau.

Có nước chấp nhận như một loại phương tiện thanh toán nhưng cũng có quốc gia hoàn toàn không thừa nhận và không cho phép lưu thông. Cho đến nay, trên thế giới chưa có một khung pháp lý dành riêng cho tiền ảo.

Tin Cùng Chuyên Mục