Shark Bình: Đại dịch là cơ hội cho các startup

Theo Nhà đầu tư

Theo Shark Bình, bức tranh thị trường startup năm 2020 tương đối ảm đạm. Tuy nhiên, đối với những startup căn cơ thì đây lại là cơ hội để cho các startup đó đi “hốt xác” các startup khác và thâu tóm được thị phần.

Năm 2020 là một năm khó khăn và đầy thách thức với startup thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, cùng lượng vốn đầu tư giảm mạnh do đại dịch Covid-19.

Trong bối cảnh đó, rất nhiều công ty khởi nghiệp huy động được hàng triệu, thậm chí hàng tỷ USD, nhưng cạnh đó vẫn có nhiều startup phải tuyên bố dừng hoạt động.

Để tìm hiều rõ hơn về thị trường startup Việt năm 2020 và triển vọng năm 2021, PV Nhadautu.vn đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT NextTech Group.

Ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT NextTech Group. Ảnh: Shark Tank
Ông Nguyễn Hòa Bình (Shark Bình) - Nhà sáng lập kiêm Chủ tịch HĐQT NextTech Group. Ảnh: Shark Tank

Với kinh nghiệm đầu tư cho các startup, đặc biệt là startup công nghệ. Ônh đánh giá thế nào về thị trường startup Việt Nam năm 2020?

Shark Bình: Thị trường startup Việt Nam trong năm 2020 có thể nhìn nhận một cách tổng quan là tương đối ảm đạm, đúng như dự đoán của tôi vào năm 2019.

Tức là bằng thời điểm này năm 2019, truyền thông cũng hỏi ý kiến của tôi đánh giá như thế nào về bức tranh startup năm 2020. Tôi cũng đã nói rằng, thị trường startup thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tính đến cuối năm 2019 đã tương đối “bong bóng”, có quá nhiều nhà đầu tư “ngáo giá”.

Chính vì thế, đã dẫn đến rất nhiều startup “bong bóng” bắt đầu vỡ vào giữa năm 2019. Chẳng hạn, ở trên thế giới với ngòi nổ là thương vụ đầu tư hàng tỷ USD vào WeWork của tập đoàn Softbank.

Năm 2019, tôi đã dự đoán môi trường startup 2020 và năm 2021 gọi vốn sẽ rất khó. Thực tế diễn ra đúng như vậy và thêm đại dịch COVID-19, đó chính là cú đấm kép khiến cho rất nhiều startup đã lăn ra chết.

Trong số liệu mới nhất tôi nhận được, riêng năm 2020 số doanh nghiệp nói chung (chưa nói đến startup) lần đầu tiên đóng cửa hoặc tạm ngừng hoạt động chờ giải thể lên đến hơn 105.000 doanh nghiệp, đây là con số cao kỷ lục từ trước đến nay. Con số này cũng phản ánh phần nào bức tranh startup tương đối ảm đạm trong năm 2020.

Tuy nhiên, những startup căn cơ, biết tận dụng cơ hội thì đây lại là cơ hội để cho các startup đấy đi “hốt xác” các startup trên và thâu tóm được thị phần, nhưng tôi nghĩ rằng con số đó chỉ dưới 5%.

Giải pháp sống còn của startup là gì, đặc biệt là năm khó khăn như 2020, thưa ông?

Shark Bình: Lời khuyên của tôi là đối với những ai chưa startup và có ý định startup thì hãy cân nhắc lại những kế hoạch của mình. Bởi dòng tiền của năm nay và năm tới sẽ vẫn còn rất khó khăn và người ta sẽ có xu hướng co lại để đầu tư vào các tài sản thanh khoản nhanh.

Ví dụ, các tài sản về bất động sản, chứng khoán năm vừa qua tăng điên cuồng. lý do là người ta rút dòng tiền từ sản xuất kinh doanh, tạm thời đổ vào bất động sản và chứng khoán.

Chính vì vậy, dòng tiền dành cho việc đầu tư mở rộng kinh doanh, hoặc đầu tư startup sẽ tiếp tục hạn chế. Nên các startup đang còn tồn tại thì phải tiếp tục cố gắng hơn nữa, tiết kiệm hơn nữa và tìm ra được ngách khác biệt để có thể tồn tại được qua ít nhất là năm 2021, khi mà dịch bệnh và đi lại dự kiến còn hạn chế ít nhất là năm tới.

Ông có cho rằng, trong đại dịch COVID-19 cũng là cơ hội cho các startup định vị tên tuổi và tìm ra thị trường ngách?

Shark Bình: Đúng như thế, vì trong nguy có cơ, chúng ta nhìn lịch sử tất cả các cuộc khủng hoảng đều tạo ra startup vĩ đại.

Ví dụ, Airbnb sinh ra nhờ cuộc khủng hoảng năm 2008 tại Mỹ và đến cuộc khủng hoảng này khi COVID-19 mới nổ ra thì mặc dù họ rất khó khăn, nhưng họ lại IPO vào cuộc khủng hoảng lần này và cổ phiếu tăng phi mã. Hiện nay, cổ phiếu startup này trên sàn tăng hơn 50 tỷ USD.

Bên cạnh đó, có rất nhiều startup ở Mỹ có tuổi đời dưới 10 năm, đã thiết lập được thị trường ngách của mình như Squares, DoorDash đều có giá trị cổ phiếu tăng từ 2-10 lần trong năm nay.

Minh chứng trên cho thấy rằng, những startup có cơ bản lại là cơ hội để “hốt” thị trường hoặc gom nhặt “xác” những startup không thể tồn tại được trong khủng hoảng.

Việt Nam vừa trải qua một năm rất khó khăn, ông nhận định thế nào về triển vọng kinh tế cũng như thị trường startup trong năm 2021?

Shark Bình: Như tôi đã nói, tình hình năm 2021 được dự đoán sẽ tiếp tục khó khăn cho các startup, nhưng nó lại là cơ hội cho các startup tốt, có căn cơ, có nền tảng và có lợi nhuận.

Bởi các nhà đầu tư sẽ cân nhắc hơn rất nhiều khi “xuống” tiền và sẽ có xu hướng startup và tài sản an toàn, đó chính là startup có lời. Khi đó dòng tiền sẽ tự chảy theo trục, đó là nguy cho các startup mờ nhạt nhưng lại là cơ cho một số ít startup có năng lực và có bức tranh tài chính tốt.

Ngoài ra, chưa kể Việt Nam được hưởng lợi từ đại dịch COVID-19, từ việc chống dịch tốt hơn nên mọi ánh mắt trên thế giới đều đổ dồn về phía Việt Nam, cùng với dòng tiền cũng sẽ đổ về Việt Nam. Do đó, dòng tiền cũng sẽ chui vào những startup tốt.

Theo dữ liệu từ trang theo dõi quỹ Morningstar (Mỹ) mới đây, các quỹ đầu tư thắng đậm trong năm qua nhờ công nghệ, vì sao có tâm lý như vậy thưa ông?

Shark Bình: Thực ra, tâm lý đó là tự nhiên, bởi qua đợt dịch này, ai cũng thấy công nghệ là ưu sách của nền kinh tế. chẳng hạn như khi người ở nhà giãn cách thì chỉ có công nghệ mới giúp người ta thoát khỏi việc đói hay bức bí tâm lý từ giải trí, mua sắm, thực phẩm,…

Đơn cử tại Trung Quốc, năm 2020 đánh dấu sự bùng nổ của livestream bán hàng, nó chính là cứu cánh cho nền kinh tế Trung Quốc. Bởi người ở nhà không thể ra ngoài, nên mọi người lên mạng để livestream bán hàng.

Chính vì thế, trong khủng hoảng này, chúng ta có thể thấy nổi bật nhất chính là các doanh nghiệp công nghệ, có hình thức giao tiếp trực tuyến. trong khi tất cả các ngành khác đều sụt giảm, chỉ mỗi duy nhất ngành công nghệ tăng trưởng rất mạnh.

Thậm chí, có những doanh nghiệp như Zoom, giá trị cổ phiếu có lúc bằng tất cả các hãng hàng không lớn nhất của Mỹ cộng lại. Hay Airbnb, giá trị cao hơn 3 tập đoàn lớn nhất trên thế giới cộng lại.

Đó là điều hết sức dễ hiểu và công nghệ đang lên ngôi và việc lên ngôi này sẽ còn mãi mãi.

Xin cảm ơn ông!

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục