Shark Nguyễn Hòa Bình và hành trình 19 năm đi tìm "long mạch"

Đạt Lê (Tổng hợp)

(Doanhnhan.vn) - Shark Bình là người trực tiếp nếm trải nhiều cay đắng trong quá trình khởi nghiệp, tốn không ít thời gian và rơi vào chán nản rồi mới tìm ra điểm độc đáo cốt lõi của NextTech lẫn một hệ sinh thái vững mạnh.

Khi ngồi ghế nóng Shark Tank, "cá mập" Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch NextTech nhiều lần muốn startup tìm ra "long mạch" rồi mới chịu đầu tư. Vậy chính bản thân vị doanh nhân này đã tìm thấy long mạch của mình ra sao?

Shark Nguyễn Hòa Bình và hành trình 19 năm đi tìm

 

Những ngày đầu đi code dạo, hoang mang tìm lối đi

Shark Bình sinh năm 1981, lớn lên trong thời buổi mà công nghệ ở Việt Nam còn chưa phát triển. Tuy vậy anh đã tìm thấy đam mê của mình trong lĩnh vực này từ năm cấp 3. Sau đó, anh thi vào ĐH Công nghệ, tận dụng quãng thời gian sinh viên để làm quen với các cuộc thi công nghệ - phần mềm trong và ngoài nước, sưu tầm về kha khá giải thưởng. 

Năm 2001, khi chỉ mới 19 tuổi, Bình đã mở công ty đầu tiên - PeaceSoft với "ba không", không vốn hoành tráng, không văn phòng và cũng không có nhân viên nào. Anh chỉ tự nhủ: "Nếu thành công sẽ có sự nghiệp riêng, ngược lại thì cũng rút ra nhiều kinh nghiệm có giá trị”

Shark Nguyễn Hòa Bình và hành trình 19 năm đi tìm

 

Ban đầu, công ty cung cấp dịch vụ viết phần mềm theo yêu cầu khách hàng. Tuy nhiên dần nhận ra người gia công sản phẩm hưởng lợi ích thấp, ông chủ PeaceSoft quyết định thay đổi chiến lược, từ chỗ “ráo mồ hôi là hết tiền” sang mô hình dịch vụ “đi ngủ tiền cũng về”. Có thể nói, chính thời điểm này vị cá mập tương lai đã phần nào tìm ra long mạch của chính mình.

Song song đó, khoảng năm 2004, do nhiều cơ duyên mà Bình được tiếp xúc với Quỹ Đầu tư Mạo hiểm IDG (Mỹ), trở thành công ty đầu tiên ở Việt Nam được IDG đầu tư. Có được sự giúp sức của quỹ đầu tư lớn, hai yếu tố thiên thời và địa lợi lúc đó cũng mở ra với PeaceSoft. Thứ nhất, internet của Việt Nam bắt đầu manh nha phát triển mạnh, trong khi nền thương mại truyền thống theo Bình nhận xét là "chưa bứt phá do hậu quả từ thời bao cấp". Hai yếu tố này dẫn tới: người tiêu dùng cảm thấy không biết mua sắm ở đâu, rồi tình trạng tắc đường, gửi xe khiến người ta càng có thêm động lực mua hàng trực tuyến.

Shark Nguyễn Hòa Bình và hành trình 19 năm đi tìm

Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch tập đoàn NextTech - chia sẻ trong chương trình Quốc gia Khởi nghiệp.

Từ tầm nhìn đó, Bình thực hiện một dự án sàn giao dịch điện tử theo mô hình eBay. Nhưng trong quá trình đi tiên phong ở lĩnh vực mới, vị doanh nhân ngoài 20 gặp rất nhiều khó khăn. Và trước mỗi khó khăn, anh đều phải xây dựng thêm một sản phẩm để giải quyết chúng.

"Về sau, tôi đưa ra một lý thuyết xây dựng hệ sinh thái những sản phẩm thương mại điện tử. Đây chính là hạ tầng cho ngành thương mại điện tử từ mua bán, quảng cáo, thanh toán, vận chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu… Chúng tôi phát triển dần lên theo quá trình như vậy" - Nguyễn Hòa Bình từng chia sẻ.

Đến nay, tập đoàn NextTech chính là được phát triển thành hệ sinh thái đa dạng các nền tảng công nghệ áp dụng vào thương mại như vậy! Đây lại là một cột mốc nữa trên hành trình kiếm tìm long mạch của anh.

Từ "Alibaba của Việt Nam" đến NextTech và tham vọng đàn cá hổ bơi ra biển lớn

Sau khi xác định được hai điều quan trọng: (1) xây dựng nền tảng thương mại điện tử tiên phong ở thị trường nước nhà và (2) xây hệ sinh thái hỗ trợ ở thị trường còn non trẻ này; shark Bình vẫn gặp không ít thử thách. Anh cùng công ty PeaceSoft  cho ra đời 1 trong những sàn giao dịch mua bán điện tử đầu tiên ở Việt Nam là Chợđiệntử.vn, được giúp sức bởi đối tác chiến lược eBay.

Đến năm 2015, website thương mại điện tử này xếp thứ 2 về doanh số bán hàng, khẳng định sẵn sàng đương đầu và cạnh tranh sòng phẳng tại thị trường trong nước với đại gia đến từ Trung Quốc Alibaba. Đó cũng là lúc cái tên Nguyễn Hòa Bình đã khẳng định được vị thế, uy tín. Nhiều tờ báo quốc tế cũng xem Chợđiệntử.vn là "Alibaba của Việt Nam".

Shark Nguyễn Hòa Bình và hành trình 19 năm đi tìm

 

Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau khi Chợ điện tử vươn lên vị trí thứ nhì, thị trường thương mại điện tử Việt Nam cũng vào đà phát triển, lần lượt các tên tuổi lớn như Lazada và Shopee nhảy vào. Đối tác chiến lược eBay quyết định rời Việt Nam, không muốn đốt tiền tranh giành thị trường, đã khiến công ty của shark Bình gặp nhiều khó khăn đứng trước nguy cơ mất luôn sự nghiệp hơn 10 năm xây dựng. 

Cuối cùng, shark Bình bỏ ngỏ website mua bán đầu tay và mảng thương mại điện tử. Ngành này trở thành một "đại dương đỏ" với sự cạnh tranh vô cùng khốc liệt của nhiều tay chơi trong và ngoài nước. Về phần shark Bình, anh quyết định tái cấu trúc tập đoàn vào năm 2016, đổi tên là NextTech khi các nền tảng công nghệ của mình đã đủ đa dạng và vững mạnh.

NextTech chuyển hướng kinh doanh từ thương mại điện tử tham gia vào cuộc chơi lớn hơn đó là “điện tử hóa thương mại”. Tập đoàn hiện nay sở hữu gần 20 dịch vụ trực tuyến hoạt động tại 8 quốc gia trong 4 lĩnh vực, bao gồm: thương mại điện tử (ví dụ như nền tảng WeShop), công nghệ tài chính (NgânLượng.vn, Vimo, mPOS), dịch vụ hậu cần (BoxMe, HeyU, ứng dụng gọi xe FastGo) và công nghệ giáo dục. Shark Bình cũng lèo lái "hạm đội" gần 2.000 nhân viên và đạt sản lượng giao dịch điện tử hàng năm ước tính 3 tỷ USD.

Shark Nguyễn Hòa Bình và hành trình 19 năm đi tìm

 

Có thể nói, nước cờ tái cấu trúc công ty chính là cột mốc to lớn trong hành trình tìm kiếm long mạch của shark Nguyễn Hòa Bình. "Việc đa dạng hóa sản phẩm chính là cách để chống lại các thế lực bên ngoài" - shark Bình giải thích.

Trong văn phòng công ty anh có treo 3 bức tranh: bên phải là tranh Jeff Bezos cưỡi cá mập, bên trái là Jack Ma cưỡi cá sấu sông Dương Tử, còn ở giữa là NexTech với đàn cá hổ vây quanh. "NextTech là một đàn cá hổ, nhỏ, khéo léo và sắc bén, dùng hệ sinh thái có nhiều thành viên khác nhau tấn công từ mọi phía. Một con cá to có thể chết (như Nokia), nhưng rất khó để giết một đàn cá hổ" - shark Bình khẳng định.

Bên cạnh chương trình Shark Tank, tập đoàn NextTech vào cuối tháng 7 vừa qua cũng cho ra đời Quỹ đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp giai đoạn sớm Next100. Ra đời với mong muốn nâng cao năng lực và làm bệ phóng cho hàng trăm startup Việt, quy mô ban đầu của Next100 là 10 triệu USD và sẽ được bổ sung trong tương lai bởi NextTech và các đối tác vốn trong và ngoài nước. 

Từng trầy trật tìm hướng đi, nên không có gì đáng ngạc nhiên khi shark Bình nhắc đi nhắc lại rằng startup phải tìm được "long mạch" của chính mình rồi anh mới giúp đưa họ vào hệ sinh thái của công ty, cho họ đứng trên vai người khổng lồ để bước đi nhanh và vững chắc hơn. Đổi lại, mỗi người họ chính là một con cá hổ khiến đàn cá không thể nào bị nuốt chửng.

Tin Cùng Chuyên Mục