Shark Tank Việt Nam - 5 tỷ đồng được đầu tư cho trò chơi "thế giới ảo"

Khôi Nguyên

We Escape mô hình trò chơi dành cho đội nhóm từ 2-8 người. Trong đó, mọi người phải làm việc với nhau thu thập các manh mối để giải các câu đố, vượt qua hàng loạt chướng ngại vật để thoát ra ngoài và trở thành người chiến thắng.

Đưa đến chương trình mô hình lấy cắp báu vật đến để các nhà đầu tư thử tài, sau những giây phút bất ngờ xen lẫn thích thú đem đến cho các “Shark”, ba nhà đồng sáng lập Chí Nhân, Như Huy và Cảnh Lịch của mô hình trò chơi nhập vai thực tế We Escape đưa ra lời mời đầu tư 5 tỷ mong muốn đổi lấy 17% cổ phần công ty.

We Escape mô hình trò chơi dành cho đội nhóm từ 2-8 người. Trong đó, mọi người phải làm việc với nhau thu thập các manh mối để giải các câu đố, vượt qua hàng loạt chướng ngại vật để thoát ra ngoài và trở thành người chiến thắng. 

Không giấu tham vọng biến công ty thành một đơn vị giải trí đa dịch vụ

Mô hình trên ra đời để trả lời câu hỏi: “Hôm nay đi đâu?” và 90% câu trả lời sẽ là cà phê, xem phim, hoặc là “Tôi không biết”. Khi gặp gỡ, mỗi người lại mỗi chiếc điện thoại và đó chính là tương lai mà We Escape không muốn xảy ra với các thế hệ sau, nhà sáng lập trò chơi nhập vai này trình bày.  

Nói về tình công ty, nhà sáng lập cho biết, thành lập vào năm 2014 với 3 phòng chơi, đến nay công ty đã có 9 phòng chơi tại Hà Nội và 4 phòng chơi tại TP Hồ Chí Minh. Địa điểm các phòng chơi nằm gần trường học để thu hút đối tượng học sinh. Vé có giá 100.000 đồng/người/giờ. 

Doanh thu 2017 của công ty là 6.1 tỷ đồng, trong đó 5,5 tỷ tại Hà Nội và 700 triệu tại Hồ Chí Minh. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2018 là 4.4 tỷ đồng, trong đó 3,4 tỷ tại Hà Nội và 1 tỷ tại Hồ Chí Minh. 

Shark Tank Việt Nam - 5 tỷ đồng được đầu tư cho trò chơi

Trước những thành công bước đầu trên, startup này không giấu giếm tham vọng và cho biết ý định: “Tầm nhìn của bọn em là biến công ty thành đơn vị giải trí đa dịch vụ cạnh tranh trực tiếp với những đơn vị giải trí, trải nghiệm của bên nước ngoài”.

Startup này cho biết ý định của mình khi nhận được đầu tư: Với 5 tỷ đầu tư, 3,5 tỷ để mở thêm 2 cơ sở ở Hồ Chí Minh, 500 triệu sử dụng để tuyển dụng và quy chuẩn hóa công ty, 1 tỷ sử dụng để nghiên cứu và phát triển sản phẩm dành cho các team building từ 15-50 người.

Tiếp tục phần trình bày, theo startup này, mỗi phòng chơi có chi phí từ 300-350 triệu đồng, doanh thu trung bình một phòng/năm là 600-650 triệu đồng, lãi suất 25%. Thời gian hồi vốn cho 1 phòng là 2-2,5 năm. 

Tuy nhiên, trong thời gian tới thời gian hồi vốn sẽ rút ngắn vì lúc đó công ty đã xây dựng được một lượng khách hàng trung thành. Thêm nữa, có khoảng 15% khách hàng quay lại vì lý do họ chưa hoàn thành nhiệm vụ. 

Tiết lộ này khiến “cá mập công nghệ” đặt ra nghi vấn, rằng người càng thông minh thì càng không phải là khách hàng mục tiêu của mô hình này, bởi khi đã giải xong các câu đố họ sẽ không cần quay lại. 

Không e sợ, startup tự tin khẳng định những khách hàng này nằm trong 15% khách hàng thông minh, 85% còn lại vẫn là khách hàng quay lại lần thứ 2 thứ 3 và đó là khách hàng tạo ra doanh số chính cho We Escapse. 

Chưa dừng lại ở đó, khi được Shark Thủy đưa ra giả định khủng hoảng truyền thông, có những khách hàng chia sẻ lời giải trên Facebook, startup cho rằng nếu thực sự muốn chơi khách hàng sẽ không đọc tiết lộ nội dung. Và nếu họ đọc một phần và thấy hay, họ sẽ muốn chơi để giải các phần còn lại. Đối với khách hàng đã đọc và vẫn muốn đi, thì đó cũng không phải là vấn đề. 

Shark Thủy: Yếu tố đưa lịch sử vào làm anh thay đổi, anh sẽ đầu tư 5 tỷ cho 36%

Mặc dù giải đáp được hầu hết các thắc mắc của các Shark, We Escape lại nhanh chóng bị Shark Phú từ chối đầu tư vì cho rằng mô hình rất khó nhân rộng và phụ thuộc chủ yếu vào trí sáng tạo của con người.  

Cho rằng mô hình của startup giống với rạp chiếu phim, việc thành công hay không đều phụ thuộc vào chất lượng của bộ phim. Phần lớn công việc của startup gần giống với đạo diễn, một phần rất ít trong đó mới là dịch vụ, không có chỗ cho các Shark tham gia nên PCT Cenland quyết định không đầu tư.  

Tương tự, Shark Linh cũng từ chối rót vốn vì cho rằng mức giá startup đưa ra hiện đang nhắm vào nhóm đối tượng trẻ rất dễ thay đổi sở thích, rất rủi ro nhưng không nắm được rủi ro đó là gì. 

Shark Tank Việt Nam - 5 tỷ đồng được đầu tư cho trò chơi

Trước lời từ chối này, startup chia sẻ We Escape không chỉ thuần là mô hình trò chơi. Startup có dự định mở rộng dịch vụ tại các nơi tổ chức team building. Ngoài ra, các phòng chơi còn có thể đi theo hướng giáo dục, đưa các vấn đề lịch sử, địa lý, vật lý… để hợp tác với các trường học. Do vậy startup cần vốn để phát triển thêm nhiều sản phẩm, trong đó cốt lõi vẫn là loại hình Escape game.  

Hứng thú với trò chơi nhưng nhận thấy bản thân không thể hỗ trợ được nhiều cho startup dưới góc độ một nhà đầu tư công nghệ, Shark Dzung cũng rút lui khỏi thương vụ.  

Quan tâm đến yếu tố giáo dục trong mô hình, chủ tịch Apax Leaders bất ngờ bảy tỏ sự quan tâm: “Anh nghĩ mô hình này khó nhân rộng, nhưng em nhắc đến giáo dục. Một cái nữa là vấn đề team building, nó sẽ có rất nhiều tiềm năng và bọn anh cũng có một số dự án nhiều chục hecta với dự định làm mô hình giáo dục sinh thái. Khi đó mình sẽ mở những khu lớn, nâng tầm trải nghiệm nhiều…Vì ở đây, anh là người duy nhất có mảnh ghép làm về giáo dục. Chính yếu tố đưa lịch sử vào làm anh thay đổi, anh sẽ đầu tư 5 tỷ cho 36%”. 

Tuy nhiên, startup muốn giảm tỷ lệ cổ phần vì lý do công ty hiện đang phát triển rất tốt, 4 năm liền đều có lãi và lãi tăng theo từng năm, dự kiến đến năm 2023, công ty sẽ chạm mốc lãi 9 tỷ đồng/năm. Startup đề nghị được đầu tư 5 tỷ đổi lấy 25% cổ phần. 

Trước yêu cầu này của startup, Shark Thủy vẫn kiên quyết giữ nguyên mức offer đã đưa ra, ông phân tích: “Nếu là gu của anh, anh rất thích 3 từ Mượn – Giành – Dẫn. Anh rất muốn đi với những tập đoàn hàng đầu thế giới về mô hình như thế này và mục đích của anh là đi nhanh chứ không phải đang thử nghiệm mô hình. 

Bởi vì vấn đề ở đây không phải là 5 tỷ mà anh sẽ cho em những giá trị vô hình, không đo đếm bằng tiền mặt nhưng nó là rất nhiều tiền nếu em phải bỏ tiền ra, thậm chí là khách hàng”.

Tiếp tục thuyết phục Shark, startup đưa ra phương án được mua lại 21% cổ phần nếu đạt KPI. Tuy nhiên, chủ tịch Apax Leaders thẳng thắn chia sẻ: “Suy nghĩ mình chưa được mà đã sợ mất là một sai lầm. Bởi vì vấn đề em tìm đến các nhà đầu tư em cần hai thứ: Một là tài chính, hai là tâm huyết, là sự đặt cược, quyết tâm của nhà đầu tư đấy. Câu chuyện trong tương lai mọi thứ đều có thể. Thậm chí, anh có bán hết cho em tất cả 36% chứ không phải 21 %”. 

Sau lời chia sẻ từ Shark Thủy và được Shark Dzung khuyên rằng nên nắm bắt cơ hội để được đồng hành với một nhà đầu tư tiềm lực có thể làm kim chỉ nam, dẫn dắt trong tương lai, startup quyết định chấp nhận lời mời đầu tư với 5 tỷ đồng cho 36% cổ phần.

Tin Cùng Chuyên Mục