Sharp có thể thắng lớn khi vũ trụ ảo Metaverse "cất cánh"

Kim Dung

Trung bình mỗi tháng, công ty con của tập đoàn Foxconn xuất xưởng khoảng 1 triệu màn hình kính VR. Tương lai khi ngành công nghiệp Metaverse bùng nổ, Sharp có thể thắng lớn nhờ đánh cược vào thị trường thực tế ảo.

Năm 2016, sau khi “bán” cho Foxconn, hãng điện tử khổng lồ của Đài Loan, Sharp bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực mang lại lợi nhuận cao như thực tế ảo và các giải pháp ô tô.

Theo Nikkei Asia, sau nhiều năm phát triển, mảng sản xuất phần cứng thiết bị thực tế ảo đã bắt đầu mang lại lợi nhuận cho Sharp. Kể từ quý IV/2021, lượng tiêu thụ màn hình kính VR hàng tháng của công ty đã vượt qua mốc 1 triệu.

Với giá thành ước tính khoảng 50 USD/chiếc, doanh thu từ màn hình kính VR của Sharp đã đạt 200 triệu USD trong năm vừa qua. Sharp trở thành nhà cung cấp phần cứng lớn nhất cho Meta, công ty mẹ của Facebook với sản phẩm kính thực tế ảo Oculus Quest 2.

Doanh thu từ màn hình VR của Sharp đạt hơn 200 triệu USD trong năm 2021
Doanh thu từ màn hình VR của Sharp đạt hơn 200 triệu USD trong năm 2021

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, xu hướng làm việc từ xa và nhu cầu chơi game gia tăng kéo theo sự phát triển của lĩnh vực thực tế ảo. Bên cạnh đó, nhu cầu về thiết bị thực tế ảo cũng được thúc đẩy nhờ sự xuất hiện của vũ trụ ảo Metaverse - một thế giới kỹ thuật số, nơi mọi người có thể "tham dự" các sự kiện cùng nhau hoặc tham gia vào các hoạt động chung mặc dù ở các địa điểm khác nhau.

Tháng 10 năm ngoái, Facebook chính thức đổi tên thành Meta, lột xác từ một doanh nghiệp truyền thông xã hội thành nhà sáng tạo thế giới kỹ thuật số Metaverse. Meta đang dẫn đầu thị trường thiết bị thực tế ảo và là một trong những khách hàng quan trọng của Sharp trong lĩnh vực này.

Meta chỉ là một trong số nhiều công ty công nghệ đặt cược vào thị trường Vũ trụ ảo. Ở châu Âu, Apple hiện đang nghiên cứu kính áp tròng thực tế tăng cường (AR). Microsoft gia nhập đường đua với kính thực tế ảo HoloLens.

Thị trường Trung Quốc cũng không ngoại lệ. ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đã mua lại công ty khởi nghiệp Pico hồi năm ngoái để lấn sân lĩnh vực thực tế ảo. DPVR, startup thiết bị VR thành lập vào năm 2015, hiện là công ty chiếm thị phần lớn thứ 2 toàn cầu.

Theo IDC, doanh số dòng kính VR Oculus của Meta hiện đang đứng đầu thế giới, chiếm 75% thị phần thiết bị thực tế ảo. Hai tên tuổi mới là DPVR và Bytedance's Pico đến từ Trung Quốc nắm giữ vị trí số 2 và số 3 trong danh sách.

Đến năm 2025, thị trường thiết bị thực tế ảo dự kiến ​​sẽ đạt đến 32,8 triệu thiết bị với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 45,9%.

Tin Cùng Chuyên Mục