Siêu bão Rai vào Biển Đông giật cấp 17, sóng cao 8-10m, biển động dữ dội

Giang Phạm

Ngày và đêm nay, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h, cường độ tiếp tục giảm và đi vào Biển Đông.

Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết đêm qua, cường độ của siêu bão Rai đã giảm đi một cấp. Lúc 1h, tâm bão vẫn ở trên khu vực miền Trung Philippines với sức gió mạnh nhất cấp 15, giật trên cấp 17.

Ngày và đêm nay, bão di chuyển nhanh theo hướng tây tây bắc với vận tốc 20-25 km/h, cường độ tiếp tục giảm và đi vào Biển Đông.

Dự báo đường đi của bão Rai sau khi vào Biển Đông tối 17/12.
Dự báo đường đi của bão Rai sau khi vào Biển Đông tối 17/12.

Rạng sáng 18/12, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 280 km về phía đông. Sức gió mạnh nhất cấp 13-14, giật cấp 17. Cường độ này duy trì trong 24 giờ tiếp theo.

Dự báo đến sáng 20/12, ở thời điểm tâm bão cách bờ biển Bình Định - Phú Yên khoảng 180 km về phía đông, hình thái này đổi hướng di chuyển về phía bắc với vận tốc giảm xuống còn 15 km/h. Cường độ bão cũng có xu hướng giảm dần.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong hai ngày tới nằm từ vĩ tuyến 9 đến 15 độ vĩ bắc và phía đông kinh tuyến 110 độ kinh đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong khu vực trên nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và lốc xoáy.

Do ảnh hưởng của bão kết hợp với không khí lạnh, ở khu vực phía Bắc của biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Hoàng Sa) từ đêm nay gió mạnh dần lên cấp 7-8, giật cấp 10, từ gần sáng và ngày mai ở vùng biển phía Đông khu vực Giữa Biển Đông có gió mạnh dần lên cấp 8-10, sau tăng lên cấp 11-12, vùng gần tâm bão mạnh cấp 13-14, giật cấp 17; sóng biển cao nhất từ 8 -10 m; biển động dữ dội. 

Chuyên gia cảnh báo mức độ rủi ro thiên tai ở khu vực trên lên tới cấp 4.

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, đây là cơn bão cuối năm, rất mạnh; chịu tương tác nhiều yếu tố vì vậy phạm vi, đường đi, đối tượng tác động sẽ còn nhiều thay đổi.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai đề nghị Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết đặc biệt diễn biến bão Rai, chuyển bản tin dự báo, cảnh báo về Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, cơ quan truyền thông và người dân.

Các địa phương xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó với bão Rai đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; kích hoạt lực lượng xung kích cơ sở; kiểm đếm nhà yếu cụ thể từng hộ gia đình và xây dựng kế hoạch di dời; kiểm tra nơi ở công nhân, khu nhà trọ.

Xây dựng phương án bảo vệ các vị trí đê biển xung yếu; chủ động dừng thi công công trình; chủ động kế hoạch cấm biển; có kế hoạch đảm bảo an toàn của ngư dân ở nơi neo đậu trong điều kiện Covid-19; không để người dân trên các lồng bè khi bão đổ bộ; rà soát các khu vực nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và sẵn sàng kế hoạch sơ tán dân.

Tổng cục Thủy lợi chỉ đạo, phối hợp địa phương sẵn sàng phương án tiêu nước đệm bảo vệ sản xuất.