Siêu thị không nhân viên ở Singapore

Theo Hà Thu/VnExpress

Một siêu thị sắp mở cửa tại Pasir Panjang không nhận tiền mặt, và nếu nhận cũng chẳng có thu ngân để thanh toán.

Habitat by honestbee là siêu thị đầu tiên tại Singapore hoàn toàn không dùng tiền mặt. Trên diện tích hơn 5.500 m2 ở khu Pasir Panjang là hệ thống tự động giúp khách hàng thanh toán bằng ứng dụng trên smartphone và hệ thống robot đóng gói đồ.

Được xây dựng bởi Honestbee, siêu thị này có khoảng 20.000 sản phẩm, từ rau quả tươi, hải sản đến thịt. Ngày mai (18/10), nó mới chính thức mở cửa, đúng thời điểm thị trường mua sắm thực phẩm online và giao đồ ăn đang ngày càng cạnh tranh tại đây. Những cái tên nổi bật tại Singapore là RedMart, Amazon Prime, Foodpanda, Deliveroo và GrabFood.

Để thanh toán, khách hàng chỉ cần đặt giỏ hàng vào hệ thống tự động, nó sẽ được đưa vào trong, quét và đóng gói. Quá trình này kéo dài khoảng 5 phút. Trước khi ra về, khách hàng có thể quét mã QR trên ứng dụng Honestbee tại nơi lấy đồ. Robot sẽ đưa túi đồ cho khách hàng.

Theo Honestbee, hệ thống thanh toán và trả đồ này có thể xử lý khoảng 300 đơn hàng một giờ. Khách hàng mua 10 món đồ trở xuống có thể dùng smartphone để quét từng món và trả tiền bằng ứng dụng Honestbee.

Honestbee thành lập năm 2015. Ban đầu, họ chỉ làm giao hàng. Pauline Png - Phó giám đốc Habitat by honestbee cho biết họ quyết định lấn sân mảng bán lẻ truyền thống do “bán lẻ trực tuyến chỉ đóng góp 10% doanh số bán lẻ toàn cầu”. “Chúng tôi nhận ra mình có năng lực logistics và các kiến thức chuyên môn khác. Vì thế, chúng tôi muốn cung cấp trải nghiệm mới cho khách hàng”, ông cho biết.

“Việc tự động hóa quy trình thanh toán sẽ giúp họ tránh nhiều thủ tục, như xếp hàng. Họ có thể có thêm 5 hoặc 10 phút nữa để ăn hoặc uống cà phê”, Png cho biết. Habitat by honestbee có 15 khu đồ ăn, để khách hàng ăn uống trong khi đợi đồ của mình được đóng gói.

Siêu thị này cũng cho phép Honestbee và các đối tác cung cấp hàng thử nghiệm các chiến lược bán lẻ và công nghệ mới. Họ cũng có trung tâm xử lý đơn hàng cho việc bán hàng online. Công ty này còn đang thử nghiệm việc sử dụng thông tin thu thập được qua ứng dụng Honestbee để tùy chỉnh trải nghiệm mua sắm cho khách hàng, như qua hệ thống gợi ý.

Amos Tan - giảng viên Trường kinh doanh thuộc Đại học Singapore Polytechnic nhận xét động thái của Honestbee khá dễ hiểu, do phần lớn người tiêu dùng ở đây vẫn thích mua sắm truyền thống. “Việc mọi người được nhìn thấy và chạm tay, thậm chí nếm thử đồ là một trải nghiệm hoàn toàn khác. Tôi cho rằng Honestbee hiểu được điều này. Khi thị phần mua sắm trực tuyến đang khá bão hòa, họ muốn có miếng bánh lớn hơn”, ông cho biết.

Tin Cùng Chuyên Mục