Sớm có quy định cho trẻ em khi tham gia mạng xã hội

Diệu Bảo

Năm 2021, Bộ Thông tin Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tuy nhiên chưa có những quy định cụ thể cho đối tượng trẻ em.

Ngày càng nhiều trẻ dùng mạng xã hội

Trong thời đại 4.0, Internet và mạng xã hội xuất hiện phổ biến hơn với trẻ em, góp phần hỗ trợ trẻ cả về mục đích giáo dục và giải trí. Cụ thể, theo một báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), 83% trẻ em từ 12 - 13 tuổi sử dụng Internet, trong khi đó 93% trẻ em trong độ tuổi 14 - 15 sử dụng Internet. Còn theo khảo sát của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trẻ em sử dụng mạng xã hội từ 5 - 7 giờ/ngày.

Tuy nhiên, chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16 - 17 được dạy về việc bảo đảm an toàn trên mạng. Đáng nói, ngày càng nhiều trẻ em nhỏ tuổi hơn đã được tiếp cận với Internet từ sớm. Theo một nghiên cứu của Đại học Sư phạm TP HCM, khoảng 10 - 12% học sinh lớp 3 đã tiếp xúc với Internet. Như vậy, hầu hết học sinh các cấp đều có cơ hội tiếp cận với Internet vì mục đích học tập hay chỉ đơn thuần giải trí.

Theo các chuyên gia đánh giá, nhiều trào lưu, tin tức độc hại lan truyền trên không gian mạng, có ảnh hưởng không nhỏ đến người dùng là trẻ em. Càng sử dụng Internet và mạng xã hội nhiều, trẻ em càng có nguy cơ cao hơn có thể tiếp cận với những nội dung độc hại như bạo lực, khiêu dâm. Ngoài ra, trẻ em rất dễ rơi vào bẫy của người lạ trên mạng, bị phát tán thông tin riêng tư, bị bắt nạt trực tuyến, bị lôi kéo, quấy rối, lừa đảo, tống tiền, dọa nạt, ép tham gia các hoạt động phi pháp.

Năm 2022, những trào lưu như ăn cắp đồ trong trường học, đánh lén giáo viên,… đều có ảnh hưởng xấu tới văn hoá học đường. Bên cạnh đó, một bộ phận nghệ sĩ, thần tượng có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ thường có phát ngôn, hành vi, sản xuất những sản phẩm dung tục, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và đăng tải trên Internet, mạng xã hội. Nhiều trẻ em tiếp xúc với những nội dung này có thể sẽ học theo, làm gia tăng những hành vi ứng xử thiếu chuẩn mực.

Xu hướng này đã và đang ngày càng nhức nhối trên thế giới, Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Thực trạng này đòi hỏi cần có những giải pháp về đào tạo, giáo dục, trang bị nhận thức đúng, kỹ năng ứng phó tốt với các tình huống xảy ra trên mạng cho mỗi học sinh để giảm bớt những nguy cơ rủi ro mất an toàn cho trẻ em trước văn hoá độc hại trên mạng.

Hơn thế nữa, một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc sử dụng mạng xã hội nhiều có thể dẫn đến chất lượng giấc ngủ thấp, gây hại cho sức khỏe tâm thần. Như vậy, việc để trẻ em tiếp cận với môi trường mạng sớm và sử dụng quá nhiều mạng xã hội có thể là một xu thế tất yếu trong thời đại công nghệ, nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ, học tập và chất lượng cuộc sống của trẻ em.

Cần các giải pháp dài hạn

Năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, trong đó áp dụng cho các đối tượng là cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước sử dụng mạng xã hội; tổ chức, cá nhân khác sử dụng mạng xã hội; nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong Bộ Quy tắc này vẫn chưa có những quy định cụ thể cho đối tượng trẻ em khi tham gia mạng xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng, ngành Giáo dục và ngành Văn hóa cũng cần sớm ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng, làm cơ sở để xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, hướng đến những giải pháp bảo vệ trẻ em nhiều hơn trên môi trường mạng.

Trước những nguy cơ mất an toàn vì sử dụng mạng xã hội quá nhiều, giới trẻ Việt Nam cũng đã phát động những trào lưu giảm thiểu thời gian sử dụng, “thanh lọc” các trang mạng xã hội cá nhân. Xu hướng này chủ yếu tập trung vào những người dùng mạng xã hội TikTok và Facebook, kêu gọi các bạn trẻ sử dụng mạng xã hội ít hơn, dành thời gian cho những mục đích khác có ích hơn trong cuộc sống, đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo người trẻ, trong đó cũng có đối tượng là trẻ em và các bậc cha mẹ. Dù vậy, đây cũng mới chỉ là một trong những xu hướng nhỏ lẻ, manh mún trong một bộ phận giới trẻ, nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng với những tác động tiêu cực và lan toả nhanh chóng từ mạng xã hội.

Thiết nghĩ, về lâu dài, cần có những giải pháp mang tính căn cơ hơn, đòi hỏi sự chung tay của các nhà quản lý, nhà giáo dục, bậc phụ huynh và toàn xã hội trong việc nhận dạng và ứng phó với những tác động tiêu cực của mạng xã hội đối với trẻ em. Không ai có thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội trong việc kết nối con người với nhau một cách nhanh chóng và hiệu quả, tuy nhiên điều quan trọng là phải biết sử dụng mạng xã hội như thế nào để không bị đắm chìm trong thế giới ảo.

 

Là người có kinh nghiệm nhiều năm về chăm sóc, bảo vệ trẻ em, bà Phan Lan Hương - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu quyền trẻ em, Liên hiệp hội khoa học kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, một trong những biện pháp hiệu quả nhất cho đến nay không chỉ Việt Nam mà tất cả các quốc gia đang hướng tới là trang bị cho trẻ em nhận thức về các nguy cơ, rủi ro trên môi trường mạng, kỹ năng tự bảo vệ mình và tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề trong quá trình tương tác trên không gian mạng. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt chương trình “Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2020 - 2025” và Bộ Thông tin và Truyền thông đang dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử bảo vệ trẻ em trên mạng. Từ Bộ Quy tắc, có thể xây dựng những sổ tay về những hiểm nguy với con trẻ trên môi trường số, để có giải pháp hướng dẫn và bảo vệ.

Tin Cùng Chuyên Mục