Tài chính Điện lực - EVN Finance (EVF) làm ăn ra sao trước khi nộp đơn “chuyển nhà” sang HoSE

Quỳnh Chi

Trong quý III, EVN Finance ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 219 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 89 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 5% so với cùng kỳ năm trước.

Ngày 5/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã thông báo nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết gần 305 triệu cổ phiếu của Công ty tài chính cổ phần điện lực (EVN Finance – mã CK: EVF). Cổ phiếu EVF đang giao dịch trên sàn UpCOM kể từ hồi tháng 8/2018 và hiện đang dừng ở mức 14.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng vốn hóa gần 4.300 tỷ đồng, tăng 44% so với đầu năm.

EVN Finance được thành lập từ năm 2008 với mục tiêu làm đầu mối thu xếp vốn, quản trị vốn cho các dự án thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị thành viên. Hiện, vốn điều lệ của công ty tài chính này ở mức 3.047 tỷ đồng với cổ đông lớn nhất là Tư vấn và Đầu tư Thiên Triều ARIA nắm giữ 4,99% vốn. Ngoài ra, Ngân hàng TMCP An Bình (mã CK: ABB) cũng đang sở hữu 4,45% cổ phần.

Về kết quả kinh doanh quý III, EVN Finance ghi nhận thu nhập lãi thuần quý III đạt hơn 219 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên các hoạt động dịch vụ, đầu tư chứng khoán... đều ghi nhận sự giảm sút so với cùng kỳ do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19. Kết quả, EVN Finance lãi ròng hơn 89 tỷ đồng, tăng nhẹ 5% so với cùng kỳ.

Tài chính Điện lực - EVN Finance (EVF) làm ăn ra sao trước khi nộp đơn “chuyển nhà” sang HoSE - Ảnh 1

Lũy kế 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của EVN Finance đạt xấp xỉ 575 tỷ đồng. Sau khi từ chi phí, Công ty lãi ròng 238 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kết quả đạt được, EVN Finance đã hoàn thành 92% mục tiêu lợi nhuận.

Tính đến thời điểm 30/9/2021, tổng tài sản của EVN Finance đạt 31.908 tỷ đồng, tăng thêm 11% so với đầu năm, trong đó cho vay khách hàng đạt 13.374 tỷ đồng và tỷ lệ nợ xấu nhích nhẹ lên 2,6%.

Đáng chú ý, nợ xấu tại thời điểm cuối quý III của EVN Finance đã tăng gần 18% so với đầu năm, lên mức hơn 349 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn (nợ nhóm 3) tăng 25% và nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) gấp 31 lần; ngược lại nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) đã giảm gần 40%.

Thời điểm cuối quý III, vốn chủ sở hữu của EVN Finance đạt 3.890 tỷ đồng, trong đó có gần 436 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối. Tiền gửi của khách hàng giảm 27% so với đầu năm xuống còn 4.903 tỷ đồng trong khi phát hành giấy tờ có giá gấp gần 10 lần thời điểm đầu năm, lên mức 4.860 tỷ đồng.

Tin Cùng Chuyên Mục