Tài trợ vốn cho start-up Đông Nam Á đạt mức thấp kỷ lục trong 7 quý, chỉ đạt 3,7 tỷ USD

Như Quỳnh

Những lo ngại về nền kinh tế vĩ mô khiến các startup Đông Nam Á gặp khó trong việc huy động vốn và phải ưu tiên tập trung cho lợi nhuận thay vì tăng trưởng người dùng.

Báo cáo DATA VANTAGE cho thấy hoạt động gây quỹ của các công ty tư nhân Đông Nam Á trong quý III/2022 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 7 quý gần đây. 

Các công ty khởi nghiệp ASEAN nhận được 3,72 tỷ USD vốn đầu tư mạo hiểm trong 3 tháng 7,8 và 9, giảm 22% so với quý trước và 36,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặt khác, khối lượng giao dịch tăng 11% lên 277 trong giai đoạn này, theo SE Asia Deal Review: Q3 2022.

Một góc TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Anton Shuvalov. 
Một góc TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Anton Shuvalov. 

Một số thương vụ đáng chú ý trong quý III phải kể đến khoản đầu tư 912,5 triệu USD mà Alibaba dành cho Lazada, vòng tài trợ Series B trị giá 265 triệu USD của start-up giao hàng thực phẩm Thái Lan LINE MAN Wongnai.

Tính trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng vốn huy động được bởi các start-up đạt 12,68 tỷ USD giảm 16,4% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi số lượng giao dịch tăng 19,6% với 837 giao dịch.

Các nhà quản lý quỹ ở ASEAN nhận định vốn tài trợ cho start-up sẽ tiếp tục giảm trong những tháng cuối năm. 

Nhu cầu tín dụng mạnh mẽ

Với áp lực định giá, các công ty khởi nghiệp đang tính đến việc vay mượn từ ngân hàng và các công ty tín dụng tư nhân để ngăn chặn các đợt giảm định giá. 

Start-up được hỗ trợ bởi quỹ mạo hiểm đã ký ít nhất 15 thỏa thuận tài trợ nợ trong quý III, huy động được tổng cộng 819 triệu USD. Các giao dịch nổi bật bao gồm khoản tài trợ 300 triệu USD từ BlackRock và nhiều nhà đầu tư khác cho Traveloka, khoản nợ 100 triệu USD của Atome và khoản vay 60 triệu USD của tập đoàn Be Group từ Deutsche Bank.

Nhìn chung, start-up được hỗ trợ bởi quỹ mạo hiểm đã thực hiện 42 thỏa thuận tài trợ nợ với tổng giá trị 1,54 tỷ USD trong 9 tháng đầu năm, giảm so với 22 thương vụ trị giá 2,48 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái. 

Tiếp tục điều chỉnh định giá

Tương tự như quý II, quy mô giao dịch Series B và C tiếp tục chịu áp lực trong quý III/2022. Giá trị trung bình của các vòng này giảm đáng kể do môi trường gây quỹ khó khăn, các quỹ chéo rút lui, hiệu chỉnh định giá hay nhà đầu tư thận trọng hơn,... 

Ở chiều ngược lại, các thương vụ vòng Seed và Series A lại đi lên. Tuy nhiên, các giao dịch ở giai đoạn đầu cũng có thể chịu áp lực vì các nhà đầu tư đang có xu hướng ưu tiên cho những start-up đã thành công với mô hình kinh doanh hiện tại thay vì những công ty mới, chưa quen thuộc. 

Fintech vẫn chiếm ưu thế

Singapore chiếm 64% tổng số vốn đầu tư mạo hiểm huy động được trong quý III với 147 thương vụ. 

Fintech duy trì vị trí là ngành kinh doanh tích cực nhất trong cùng kỳ nhưng tổng vốn huy động lại giảm mạnh do thiếu các thương vụ lớn. Vốn do các công ty khởi nghiệp fintech huy động đạt 717 triệu USD trong kỳ, giảm mạnh so với mức 2,19 tỷ USD (quý II/2022) và 2,35 tỷ USD (quý III/2021). 

Link bài gốc

Tin Cùng Chuyên Mục